Vì sao giải thể cơ sở bán trú trẻ khuyết tật Thị Nghè?

Như Lịch
Như Lịch
06/08/2018 08:12 GMT+7

Trước thông tin cơ sở bán trú thuộc Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sẽ bị giải thể, nhiều phụ huynh có trẻ khuyết tật học tại đây bày tỏ sự hụt hẫng, hoang mang lẫn bức xúc.

Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời từ người phụ trách Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè về những vấn đề xung quanh việc giải thể cơ sở bán trú này.
“Họ làm lẹ thiệt, đã hạ cổng trường...”
Một số phụ huynh cho biết ngày 2.8, khi họ đưa con đến cơ sở bán trú thuộc Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè để học như thường lệ thì nhận được thư mời dự họp sẽ diễn ra vào ngày 8.8. Trong thư, ban giám đốc có ghi nội dung cuộc họp là “để thông báo về việc giải thể cơ sở bán trú thuộc trung tâm”, đồng thời khẳng định cuộc họp này mang “tính chất quan trọng, đề nghị phụ huynh hợp tác cùng trung tâm đến tham dự đầy đủ và đúng giờ”.
Có con trai 10 tuổi mắc hội chứng Down học tại cơ sở trên, bà N. kể: “Tôi thấy những cô giáo cũng không vui trước tin này. Có phụ huynh hỏi: Ủa, rồi tụi nó học đâu cô? Cô giáo trả lời rằng… tìm trên Google, chứ cô cũng chưa biết”.

Bà N. bày tỏ: “Tụi tui mất hồn khi nhận thông báo này. Nó đột ngột lắm, giống như quả bom rơi xuống khiến phụ huynh rất hoang mang, lo lắng và nhiều người đã bật khóc. Tui nghĩ rằng ngay cả giáo viên cũng bất ngờ, bởi trước đó cô giáo và phụ huynh còn làm sơ đồ cho các bé tập luyện từng bước”.
Theo bà N., không ít trẻ đang học tại cơ sở bán trú có hoàn cảnh rất đáng thương. Chẳng hạn trường hợp của em K.C, bị hội chứng Down và mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với bà ngoại nghèo khó...
Bà N. ưu tư: “Ở cơ sở này, các cháu trạc tuổi nhau được sinh hoạt, ghép hình, vui chơi, tập thể dục cùng nhau… Còn bây giờ, mỗi gia đình mang về một bé. Nhiều người không có tiền cho con học trường tư thì đành nhốt con lại, chứ để ra ngoài đường, nó đi luôn vì không biết nhận thức. Có phụ huynh còn nhắn tin cho mình bảo rằng có lẽ phải nghỉ làm ở nhà giữ con luôn, do không biết gửi con ở đâu”.
Chị T., có con chậm phát triển (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng lo lắng khi cho rằng chị “tìm không ra” trường công chuyên dạy cho trẻ khuyết tật ở địa phương. “Nếu gửi con vào trường chuyên biệt của tư nhân thì phải đóng 6 - 7 triệu đồng/tháng, gia đình không có khả năng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang lo các trẻ lớn tuổi rất khó xin vào những trường khác”.
Những ngày nay, sự kiện giải thể cơ sở bán trú này gây xôn xao trên mạng xã hội, nhất là sau khi một phụ huynh đăng những dòng tâm tư trên Facebook vào ngày 3.8: “Họ làm lẹ thiệt, mới báo phụ huynh hôm qua, sáng nay họ đã hạ cổng trường quăng đâu mất rồi! Thường buổi sáng là giờ chạy đua đến văn phòng nên không hay tám chuyện với phụ huynh khác, sáng đang quay xe thì các bố hỏi: Hôm qua mẹ M. nghe xong thông báo có khóc như các mẹ khác không?... Việc xin học trường công cho các bạn là theo tuyến, quận nào nhận quận đó, trái tuyến không nhận, vậy 200 bạn này sẽ không có cơ hội vào trường công nữa. Với mức học phí trường tư, mình nghĩ chưa đến 20 bạn trong số ấy gia đình có thể lo nổi. Có rất nhiều giọt nước mắt những ngày cuối cùng trong sân trường và thẫn thờ, ngơ ngác...”.
Tập trung chăm lo trẻ khuyết tật, mồ côi bị bỏ rơi
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho rằng phụ huynh có những bức xúc là do họ chưa hiểu hoặc hiểu sai về lịch sử hình thành cũng như điều kiện hoạt động của cơ sở bán trú nói trên.

Theo ông Trung, nhiệm vụ chính của trung tâm được giao là chăm lo cho trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật bị bỏ rơi. Tuy vậy, cách đây 20 năm, khi TP.HCM có rất ít trường, trung tâm dành cho trẻ khuyết tật nên trung tâm này đã thành lập cơ sở bán trú để hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật ở cộng đồng.
“Cơ sở bán trú này do trung tâm lập ra nên nhà nước hoàn toàn không cấp một đồng nào. Cơ sở vật chất và nhân lực, chúng tôi phải san sẻ từ nguồn chăm sóc trẻ mồ côi. Còn kinh phí hoạt động, chúng tôi phải vận động những nhà tài trợ. Phụ huynh có con em học bán trú đóng mỗi tháng 1,2 - 1,3 triệu đồng là khoản tiền ăn, vệ sinh, tiền thuốc men…, nghĩa là coi như các cháu được học miễn phí”, ông Trung nói.
Được biết, hiện có 149 trẻ khuyết tật ở cộng đồng trong độ tuổi từ 6 - 15 đang theo học tại đây. Ông Trung khẳng định đến nay, nguồn tài trợ kinh phí hoạt động không còn nữa và nguồn nhân lực đã bị giảm nhiều. Mặt khác, hầu như quận, huyện nào cũng đã có các trung tâm chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật trên cộng đồng. Vì những lẽ đó, từ đầu tháng 9.2018, Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè sẽ chính thức chấm dứt hoạt động của cơ sở bán trú vốn đã tồn tại suốt 20 năm nay, để tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao: Chăm lo cho trẻ khuyết tật, mồ côi bị bỏ rơi.
Ông Trung thông tin rằng trong hai ngày 7 - 8.8, ban giám đốc trung tâm tổ chức các cuộc họp với phụ huynh để giải thích việc giải thể cơ sở bán trú và thông báo danh sách các trường, cơ sở xã hội dành cho trẻ khuyết tật tại 24 quận, huyện. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ gửi Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xét duyệt, nếu đáp ứng điều kiện sẽ được nhận vào trung tâm và được nuôi dưỡng, chăm sóc hoàn toàn miễn phí.
Xây trung tâm phúc lợi xã hội cho người khuyết tật
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, cho hay: Khu đất tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM có tổng diện tích 52.000 m2. Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo từ đây đến cuối năm 2018 phải di dời các đơn vị khác đang đóng trên khu đất này (trừ Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè và Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè hoạt động phù hợp với phạm vi mục đích sử dụng khu đất là được giữ lại) để tiến hành xây dựng trung tâm phúc lợi xã hội quy mô dành cho người già tàn tật và trẻ mồ côi, người khuyết tật tại TP.HCM. Ở đó sẽ có các hoạt động về văn hóa, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.