Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Giúp thầy cô yên tâm với nghề

22/08/2022 06:05 GMT+7

Diễn đàn “Vì sao giáo viên nghỉ việc?” trên Báo Thanh Niên mấy ngày qua thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong, ngoài ngành giáo dục.

Những nguyên nhân được chỉ ra thẳng thắn nhằm giúp các nhà quản lý giáo dục xây dựng chiến lược gỡ nút thắt vấn đề cốt lõi - đội ngũ nhà giáo - trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Phải triệt tiêu dạy thêm, học thêm tràn lan

Theo báo cáo từ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trung bình, gia đình học sinh (HS) Việt Nam đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho HS đi học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình HS phổ thông. Đối với tiểu học là 32%; THCS là 42% và THPT là 43%.

Trong thực tế, chi phí ấy có thể cao hơn, chẳng hạn, bậc THPT có thể chiếm 50% tổng chi phí cho HS đi học. Dạy thêm, học thêm tràn lan gây áp lực nặng nề cho HS, làm nhạt nhòa hình ảnh người thầy, gây mâu thuẫn tiêu cực trong nhà trường, làm “hỏng” đánh giá quá trình, nguồn cơn của tệ “điểm thật mà hóa ra điểm giả”, kiến thức trở thành hàng hóa…

Giáo viên phải có lương đủ đầy để tâm an vui, bên cạnh đó phải được tôn trọng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Về thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, GS Hoàng Tụy đã viết trong cuốn Xin được nói thẳng, ông ví đó là “khối u dị dạng” trên cơ thể giáo dục. Cải cách chế độ tiền lương giáo viên (GV), lẽ tất nhiên, nhà nước và nhân dân cùng làm, thế nhưng, lạm thu tinh vi và dạy thêm đã khiến đông đảo phụ huynh “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Một nguồn lực lẽ ra giúp GV an tâm với nghề lại bị hoang phí do chính chúng ta - những nhà quản lý giáo dục - chậm thay đổi, hoặc thỏa hiệp... Vì thế, cần triệt tiêu vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan.

Sắp xếp lại trường phổ thông chuyên và trường phổ thông công lập

Các địa phương ồ ạt mở trường chuyên, việc không cần thiết này làm tiêu hao nguồn lực giáo dục, trong đó có đầu tư cho con người, là GV. 77 trường chuyên hiện nay nên sắp xếp giữ lại còn 10 trường hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình trường tư thục chất lượng cao. Dám đột phá, tính sơ sơ, mỗi năm tiết kiệm được mấy nghìn tỉ đồng có thể giúp tăng lương GV.

Song song với đó, cần sắp xếp lại các trường phổ thông công lập. Hiện nay, có nơi hai trường THPT cách nhau chưa đến 1.000 m, mỗi xã 1 trường cấp 3; cũng có nơi, chỉ cách nhau khoảng 3 km.

Trong giờ học ở một trường THPT chuyên

đào ngọc thạch

Có lần, một lãnh đạo nói với tôi, khi về kiểm tra trường THPT nọ, đếm sĩ số HS, có lớp… 19, 20 HS. “Tắc” phân luồng HS sau THCS, lương GV gặp khó cũng từ đây.

Vì vậy, cần quyết liệt sắp xếp lại các trường phổ thông, với hai loại hình công lập, tư thục.

Đổi mới công tác quản trị nhà trường

Quyết định chất lượng dạy học và giáo dục, điều căn cốt, đó là bài soạn của GV. Bãi bỏ các loại hồ sơ, minh chứng hình thức vì điều này chỉ làm khổ nhau, khiến GV thấy nặng nề, sinh đối phó.

Bồi dưỡng GV cần “bình mới, rượu mới”, thầy cô phải tự học để rèn tay nghề và được kiểm tra nghiêm cẩn qua kỳ thi nâng tay nghề được tổ chức 2 - 3 năm một lần. Tăng lương là đây, lấy đó làm căn cứ khen thưởng, lược bỏ những chỉ tiêu mà chỉ góp phần tăng giả dối trong giáo dục. Chẳng hạn, những hội thi GV giỏi thật sự không hề là cơ hội cho người thầy phát triển. Đột phá điều này, GV như vứt bỏ được “vòng kim cô” để an tâm đến lớp.

Tiết kiệm, trong sạch để có nguồn cải cách tiền lương

Đứng trong hệ quy chiếu giáo dục, từ Bộ xuống đến cơ sở giáo dục, hãy nói không với những dự án kém hiệu quả, không phù hợp, những công trình xây dựng tốn kém rồi... để đó. Đây là “chùm khế ngọt” của một nhóm người khiến niềm tin của GV, người dân vào giáo dục giảm sút nghiêm trọng; cùng với đó là kinh phí cho giáo dục bị vơi hao, đời sống nhà giáo khốn khó. Công khai, minh bạch, trung thực, trong sáng - được nhà trường răn dạy cho HS - cũng cần được nhắc nhở với đội ngũ quản lý giáo dục để tạo dựng đoàn kết, nỗ lực vượt khó giải quyết những vấn đề “làm đau GV”.

Giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu

Triết lý này được Đảng và Nhà nước xác định từ lâu, tuy nhiên, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền các địa phương. Sự quan tâm phải bằng hành động cụ thể cho trước mắt, dài lâu, tất cả vì sự nghiệp trăm năm, vì học đường kỷ cương - tình thương - trách nhiệm. Trong đó, người thầy phải có lương đủ đầy để tâm an vui, bên cạnh đó phải được tôn trọng và sống khoan dung.

Vì sao giáo viên nghỉ việc?

Vì sao nhiều giáo viên nghỉ việc?

Thâm niên 26 năm, lương không đủ sống

Nỗi lòng cô giáo mầm non

Khi người thầy biến thành 'thợ dạy' đầy chua xót

'Lương bằng phụ hồ làm 10 công, thua công nhân'

Áp lực để đạt 100% học sinh lên lớp

Giọt nước nào làm tràn ly?

Nước mắt nhà giáo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.