Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Khi người thầy biến thành 'thợ dạy' đầy chua xót

19/08/2022 09:05 GMT+7

Vì sao giáo viên nghỉ việc? Câu hỏi có nhiều đáp án ấy hẳn là người trong ngành sẽ tường tận hơn ai hết muôn nẻo khó khăn của nghề giáo.

Nhưng trước hết, mong mọi người hiểu điều căn bản nhất: Giáo viên nghỉ việc không phải vì không yêu nghề mà do họ không thể bám trụ với nghề.

Giáo viên chiếm đông đảo trong danh sách “con nợ” ngân hàng

Tôi là giáo viên bước sang năm thứ 16 gắn bó với nghề với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng rồi bị trừ hàng loạt loại quỹ: quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xây dựng công trình, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ khuyến học, quỹ công đoàn, quỹ vì trẻ thơ… Số tiền lương thực nhận khoảng hơn 6 triệu đồng xoay xở, đắp đổi thế nào giữa thời “bão giá” ngấm vào từng bữa cơm gia đình?

Câu chuyện của cô Châu, giáo viên văn ở TP.HCM với thâm niên 26 năm vẫn quyết nghỉ việc do lương không đủ sống nhận được nhiều chia sẻ của các thầy cô

thúy hằng

Và tôi càng thấu hiểu nỗi khổ của đội ngũ giáo viên mới chân ướt chân ráo vào nghề: Hệ số lương thấp, chưa có phụ cấp thâm niên. Với mức lương khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tháng, cảnh “ăn bám” bố mẹ còn diễn ra triền miên, vở bi hài kịch chạy về thăm nhà nội ngoại tranh thủ “vét” bao gạo, mớ rau, con gà… cải thiện bữa ăn còn dài dằng dặc.

Lương thấp vô cùng nên mọi công chuyện lớn nhỏ trong gia đình thường cậy nhờ… ngân hàng. Một người bạn của tôi nói đùa mà chua chát với thực tế: danh sách “con nợ” ngân hàng hẳn là giáo viên chiếm đông đảo. Từ chuyện sửa nhà, sắm xe, mua máy tính đến chuyện ốm đau cần tiền chữa bệnh, con cái học đại học cần tiền đóng học phí… đều “lụy” ngân hàng rồi mỗi tháng trừ lương trả dần dà qua năm dài tháng rộng.

Còn các khoản lương thưởng và chế độ đãi ngộ nhà giáo ư? Theo đúng quy định của Nhà nước, mỗi năm đạt danh hiệu thi đua lao động tiên tiến, nhận thưởng vài trăm nghìn. Cuối năm nghe “lương tháng 13” hoành tráng chứ nhà giáo nơi nào nhận khoảng 1 triệu đồng là đã mừng rơn. Tôi nhớ như in khoản tiền ba trăm nghìn trong quỹ tiết kiệm chi tiêu của nhà trường về đến tay khi tết sắp đến năm rồi mà buồn đến mấy hôm vì không biết “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” kiểu gì…

Vô số công việc có tên lẫn không tên

Nhiều người thường lên án mỗi khi nghe nhà giáo than thở về lương, nhưng “có thực mới vực được đạo”. Người ta hay nhìn về khoảng thời gian giáo viên lên lớp theo buổi để bảo nghề giáo nhàn rỗi, nhưng thú thật, sau những tiết dạy trực tiếp ở lớp, nhà giáo luôn tay mệt óc với vô số công việc có tên lẫn không tên: soạn giảng triền miên, nghiên cứu đổi mới sáng tạo mải miết, hồ sơ sổ sách bạt ngàn, phối hợp phụ huynh tìm giải pháp uốn nắn trò, chuẩn bị phong trào Đoàn, Đội, hội giảng chuyên đề cấp tổ - trường - liên trường, học bồi dưỡng thường xuyên nâng cao chuyên môn…

Sau những tiết dạy trực tiếp ở lớp, nhà giáo còn vô số công việc có tên lẫn không tên

đ.n.t

Vô số áp lực từ nghề nghiệp

Xã hội đặt kỳ vọng vào nhà trường phải giáo dục trò giỏi tri thức, chuẩn mực về nhân cách. Gia đình đặt kỳ vọng vào thầy cô phải uốn nắn trò siêng học, chăm ngoan, đạt thành tích trong mọi mặt… Nhưng hãy nhìn cách dư luận xã hội và phụ huynh ném về phía nhà giáo mỗi khi có vụ việc bạo lực nào đó xảy ra trong học đường.

Giờ giáo viên không được phép phê bình trò trước lớp. Vậy, trò chưa nghiêm túc trong học tập, thiếu bài vở liên miên hoặc không chỉn chu trong nền nếp, vi phạm nội quy triền miên sẽ vẫn dùng hình thức kỷ luật tích cực: khuyên nhủ và động viên? Áp lực đổ dồn vào đội ngũ giáo viên gánh vác trọng trách dạy chữ - dạy người ngày càng đầy hơn, căng thẳng hơn!

Người thầy nơi nơi đang cảm nhận sâu sắc vô số áp lực từ nghề nghiệp. Chương trình giáo dục nặng, sĩ số lớp quá tải, những cải cách liên tục về phương pháp giảng dạy, đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa, cải tiến giáo án… khiến họ quay cuồng. Trong khi những kỳ vọng lớn lao mà xã hội và dư luận quàng lên vai người thầy ngày càng gia tăng: đào tạo thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên, vừa giàu trí tuệ vừa giàu nhân cách.

Vậy mà cứ hễ người thầy có bất kỳ hành động nào, dù đơn thuần chỉ muốn uốn rèn trò vào khuôn nếp là y như rằng dư luận lại chực chờ “ném đá”, lập phiên tòa “xử tội” khiến nhiều người thầy dần dà co mình mình lại trong “thế thủ”, lên lớp cố hoàn thành vai trò dạy chữ và cứ thế biến thành “thợ dạy” đầy chua xót.

Muốn trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc thì trước hết phải khiến người thầy hạnh phúc. Tôi nhớ một vị lãnh đạo ở TP.HCM đã phát biểu như thế cách đây chưa lâu. Và để biến giấc mơ hạnh phúc ấy thành sự thật thì cần sự nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận trong phương pháp giáo dục của cả 3 chân kiềng: nhà trường - gia đình - xã hội.

Quan trọng nhất vẫn là giúp nhà giáo cởi trói bớt những áp lực vô hình bủa vây từ gánh nặng cơm áo gạo tiền đến công việc chuyên môn, kỳ vọng của xã hội…

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Vì sao giáo viên nghỉ việc?

Năm học mới sắp bắt đầu, khắp các tỉnh thành thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là các môn học mới theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và giáo viên mầm non. Giữa tháng 7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Tuy vậy, hiện đang có tình trạng nhiều giáo viên nghỉ việc. Theo thống kê của TP.HCM, từ ngày 1.1.2020 đến 30.6.2022, TP có 5.501 viên chức nghỉ việc, trong đó ở lĩnh vực giáo dục là 2.436 người. Từ tháng 1.2021 đến 4.2022 ở Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc...

Trước thực tế này, Báo Thanh Niên mở diễn đàn: “Vì sao giáo viên nghỉ việc?” với mong muốn tìm ra những nguyên nhân cốt lõi, có những giải pháp căn cơ giúp giáo viên an tâm với nghề đã chọn và ngành giáo dục sẽ không rơi vào khủng hoảng nhân lực trong khi đang thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Báo Thanh Niên mong muốn nhận được ý kiến, bài viết của các giáo viên chia sẻ về câu chuyện của mình và đồng nghiệp. Bài viết xin gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.