Cô Nguyễn Thị Sương (tên nhân vật đã được thay đổi), 36 tuổi, giáo viên (GV) một trường mầm non tư thục tại Q.8, TP.HCM, mới chính thức nghỉ việc từ tháng 8.2022 dù có 12 năm kinh nghiệm.
Ngày dài
Cô Sương gắn bó với trường mầm non tư thục này từ năm 2008, khi vừa tốt nghiệp THPT với vai trò bảo mẫu. Vừa làm, cô vừa đi học lấy bằng cao đẳng sư phạm mầm non và trở thành GV. Có một giai đoạn, cô Sương nghỉ làm 2 năm để sinh em bé, còn lại cô vẫn gắn bó với ngôi trường này suốt 12 năm làm việc cần mẫn, chăm chỉ.
Giờ nghỉ trưa của giáo viên, một cô giáo vẫn vừa phải ôm trẻ vừa cho trẻ uống sữa |
Nguyễn Loan |
“Công việc ở trường không quá nặng nhọc, nhưng nhiều đầu việc lắt nhắt và kéo dài trong suốt một ngày. 6 giờ 30 tôi có mặt ở trường, đón trẻ, làm việc và tới 17 giờ hoặc có những hôm phụ huynh rước con trễ thì phải 17 giờ 30 mới được về. Về nhà bắt đầu làm việc nhà, chợ búa, cơm nước, giặt giũ, chăm sóc con… nên 23 giờ mới được đi ngủ là chuyện bình thường”, cô Sương nói.
Nếu như việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ các lớp 4, 5 tuổi sẽ nhàn hơn một chút với các GV mầm non khi các bé đã quen trường, lớp, chủ động trong việc ăn, ngủ, vệ sinh thì với trẻ mới hơn 1 tuổi - 3 tuổi, các cô giáo chia sẻ mình luôn luôn trong trạng thái “đầu bù tóc rối”. Dỗ trẻ, bồng trẻ, bón cho trẻ ăn, dỗ trẻ ngủ, lo vệ sinh cho trẻ, trang trí lớp, dạy học… những đầu việc lặp đi lặp lại.
Có những ngày trẻ ói nhiều lần, ói cả vào người cô. Hay bé này vừa đòi đi tiểu, đi tiêu, lại tới bé khác cũng gọi nhao nhao, các cô bơ phờ, quay cuồng. Có tới các trường mầm non vào các ngày lễ mới thấy dù mặc áo dài, nhưng các cô phải cột 2 tà lại vào nhau và tay vừa bồng bế trẻ vừa cho trẻ uống sữa. Có trẻ vẫn túm tóc, giật áo cô khóc lóc đòi mẹ, hay phun hết sữa, cháo vào người cô…
“Ở trường cả ngày dài, về nhà lại bắt đầu guồng quay việc nhà, tôi cảm thấy có những ngày kiệt sức, không còn thời gian dành cho con, dạy con học bài”, nữ GV tâm sự.
Một phóng viên của Báo Thanh Niên từng nhập vai là giáo viên mầm non để hiểu hết công việc vất vả của các cô |
ẢNH NGUYỄN LOAN |
Lương thấp
Một trong những lý do chính để cô Sương quyết định nghỉ việc ở ngôi trường đã gắn bó từ sau khi tốt nghiệp THPT đến nay đó là lương thấp. Sau khi nghỉ 2 năm để sinh con, quay về làm, lương của cô tính lại từ đầu. Mới đây, những tháng trước khi nghỉ việc, lương, phụ cấp của cô, sau khi trừ đi tiền bảo hiểm thì còn khoảng 6 triệu đồng.
Con cô Sương vào tiểu học, nhà chỉ có hai vợ chồng nhưng chồng đi làm xa, nên nếu cô tiếp tục làm GV mầm non, không biết ai đưa rước con đi học. “Con đi học trễ hơn và về sớm hơn giờ làm việc của mẹ, chưa tới 16 giờ con đã tan học. Nhưng tôi thì không thể ngày nào cũng nhờ các cô trông trẻ giùm để chạy ra ngoài đón con rồi về làm tiếp được”, cô nói.
“Với thu nhập này, tôi cũng không thể đi thuê người đưa đón con mình vì thuê người ta xong lương mình đâu còn bao nhiêu, thà mình nghỉ việc ở nhà lo được cho con, làm được việc nhà rồi đi tìm việc khác”, cô chia sẻ.
Vợ chồng cô Sương ở trọ tại Q.8, TP.HCM. Ngày con còn học mầm non, bé học ở nơi mẹ làm nên được giảm một phần học phí. Nhưng vật giá leo thang, mọi thứ đắt đỏ, mức chi tiêu ở thành phố ngày càng lớn.
“Mỗi tháng tiền thuê nhà trọ khoảng 3 triệu đồng. Tiền đi chợ, ăn uống cho cả nhà ngày
3 bữa ít nhất cũng 200.000 đồng/ngày. Tiền học phí, ăn uống, các khoản đóng góp cho con ở trường. Tiền cho con khi khám bệnh, thuốc men. Tiền điện, nước, internet, ma chay, cưới xin, thăm hỏi đồng nghiệp. Rồi phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ hai bên… tính sơ sơ mỗi tháng đã chi mười mấy triệu đồng. Phần lớn tôi chỉ biết trông chờ vào đồng lương của chồng”, cô thở dài.
Yêu trẻ nhưng phải dừng bước
“Đắn đo mấy năm trời, tạo cơ hội để có thời gian suy nghĩ chín chắn, không sai lầm khi từ bỏ nghề mình yêu thích và vì đam mê mới chọn”, cô giáo mầm non T.T.T.Q nói với phóng viên về quyết định “dừng bước” sau 21 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ.
"Vui chơi với các con là khoảng thời gian hạnh phúc mà chỉ khi chọn nghề giáo tôi mới có được", cô Quyên tâm sự sau một thời gian dài suy nghĩ đắn đo mới quyết định nghỉ việc |
b.t |
Khi tốt nghiệp THPT, nghề duy nhất cô Q. chọn và đeo đuổi chỉ là GV mầm non. Sau 21 năm gắn bó, dù tình yêu trẻ vẫn tràn đầy nhưng khi trở thành bà mẹ có con gái vào lớp 7, cô Q., hiện đang cư trú tại Bến Bình Đông (Q.8), đã quyết định ký vào đơn xin nghỉ việc ở trường mầm non có tiếng ở khu vực trung tâm TP.HCM. “Biết mình nghỉ việc, ba má, gia đình và ngay cả hàng xóm cũng không tin. Bản thân mình cũng chống chếnh mất một thời gian dù đã đắn đo mấy năm trời, suy đi nghĩ lại, tự hỏi có sai lầm khi từ bỏ nghề mình thích và lựa chọn hay không?”, cô Q. tâm sự.
GV mầm non phải bắt đầu công việc từ sáng sớm đến tối mịt. Ra khỏi nhà từ khi mặt trời chưa mọc và chỉ trở về khi đường phố lên đèn. Không chỉ lo chuyên môn chăm sóc, nuôi trẻ hằng ngày mà còn phải làm đồ dùng dạy học, vật dụng để giúp trẻ phát triển kỹ năng theo chương trình giáo dục... “Ngày còn thanh niên, chưa lập gia đình thì thấy không vướng bận, không vấn đề gì nhưng khi có con, đặc biệt khi con còn nhỏ, thấy thương con, thương cái nghề mình đã chọn”, cô Q. nói.
“Đó là những ngày chồng đi công tác, con mới 4 tháng tuổi cũng phải đi “học” sớm cùng mẹ để kịp giờ mẹ chuẩn bị đón các anh chị vào lớp. Thế nên, hơn 5 giờ sáng, bất kể thời tiết, con gái đã bị mẹ “vần” địu lên xe để đến nhóm trẻ gia đình vì trường mầm non hồi đó chưa nhận giữ trẻ dưới 18 tháng”, cô Q. kể.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, vợ chồng cô Q. cùng con gái sống trong căn nhà dựng tạm, cơi nới gác xép, vỏn vẹn 12 m2 nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, khó đi khi 2 xe máy ngược chiều tránh nhau. “Hai vợ chồng đi làm, con gái đi học cả ngày, mọi sinh hoạt diễn ra ở dưới đất đến khi đi ngủ thì dắt xe vào nhà rồi cả nhà lên gác xép. Bao nhiêu năm không dám mời khách đến nhà vì không có chỗ ngồi”, cô Q. kể.
Không có ý định quay lại nghề cũ
Nghỉ việc mầm non cô sẽ làm gì? Cô Sương cho biết trước mắt sẽ tạm nghỉ để lo cho con vào lớp 1, đưa đón, chăm sóc con cho tốt ở giai đoạn quan trọng này. Sau đó cô lo việc gia đình và đi tìm công việc mới. Nữ GV có 12 năm kinh nghiệm cho biết không có ý định quay lại nghề cũ. “Lâu dài, có lẽ tôi đi làm việc khác, không quay lại với nghề nữa”, cô Sương nói. Cô cho biết việc mình nói ra nỗi lòng với hy vọng “những chia sẻ có thể giúp cải thiện hơn chế độ lương, thưởng, đãi ngộ cho các bạn trẻ khác là GV mầm non, để mọi người có thể sống được với nghề, gắn bó lâu dài hơn”.
Mặc dù GV mầm non ngoài lương thì có chính sách hỗ trợ nhưng thu nhập chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, theo cô Q., để được tăng lương thì phải thi nâng hạng, tham gia và đạt yêu cầu các hoạt động trong trường, chỉ cần không đạt, bị trừ điểm thì ảnh hưởng đến thu nhập nên cảm giác nặng nề, áp lực cứ luôn đeo bám.
“Thời điểm này năm trước, khi cả 2 vợ chồng tôi bị nhiễm Covid-19, ở 2 bệnh viện dã chiến khác nhau, con gái ở quê với ông bà. Lúc này tôi thực sự hoảng loạn. Những ngày nằm viện là những ngày tôi suy nghĩ, tôi đang sống vì điều gì, tương lai con tôi sẽ thế nào? Sau khi ra viện, trong thời gian trẻ còn ngừng đến trường, tôi tranh thủ làm thêm tăng thu nhập thì một cơ hội nghề nghiệp khác đã đến”, cô Q. nhớ lại.
Giờ đây, dù làm công việc khác, thu nhập cao hơn nhưng cô Q. vẫn không hề ân hận khi đã chọn nghề nuôi dạy trẻ. “Quãng đường 21 năm chăm sóc, vui chơi với các con là khoảng thời gian hạnh phúc mà chỉ khi chọn nghề giáo tôi mới có được”, cô Q. ngậm ngùi.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Vì sao giáo viên nghỉ việc?
Năm học mới sắp bắt đầu, khắp các tỉnh thành thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là các môn học mới theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và giáo viên mầm non. Giữa tháng 7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Tuy vậy, hiện đang có tình trạng nhiều giáo viên nghỉ việc. Theo thống kê của TP.HCM, từ ngày 1.1.2020 đến 30.6.2022, TP có 5.501 viên chức nghỉ việc, trong đó ở lĩnh vực giáo dục là 2.436 người. Từ tháng 1.2021 đến 4.2022 ở Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc...
Đây cũng là một vấn đề nhức nhối của giáo dục. GS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng, cơ chế quản lý nhân sự ngành giáo dục “đang có vấn đề”. Ông Trung lấy ví dụ “khủng hoảng” nhân lực của ngành y tế thời gian gần đây để cảnh báo nếu không có cơ chế sử dụng nguồn nhân lực cùng chính sách đãi ngộ về tiền lương tương xứng thì ngành giáo dục cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nhân lực.
Trước thực tế này, Báo Thanh Niên mở diễn đàn: “Vì sao giáo viên nghỉ việc?” với mong muốn tìm ra những nguyên nhân cốt lõi, có những giải pháp căn cơ giúp giáo viên an tâm với nghề đã chọn và ngành giáo dục sẽ không rơi vào khủng hoảng nhân lực trong khi đang thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Báo Thanh Niên mong muốn nhận được ý kiến, bài viết của các giáo viên chia sẻ về câu chuyện của mình và đồng nghiệp. Bài viết xin gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định.
Thanh Niên
Vì sao giáo viên nghỉ việc?
Bình luận (0)