Vì sao hàng loạt dự án khởi nghiệp 'chết sớm'?

11/10/2017 11:27 GMT+7

"Nhiều người được đào tạo trong các khối ngành kỹ thuật khi gọi vốn khởi nghiệp và giới thiệu sản phẩm của mình mà cứ như dùng ngôn ngữ ngoài hành tinh, nhà đầu tư phải hỏi tới hỏi lui vẫn không hiểu được".

Trên đây là chia sẻ của ông Trần Duy Khiêm, đại diện tại thị trường Việt Nam của quỹ đầu tư Singapore Expara trong hội thảo "Kỹ sư khởi nghiệp, tìm vốn ở đâu?" diễn ra tại Đại học Bách khoa TP.HCM.
Là người từng trực tiếp tiếp xúc nhiều với các chủ dự án gọi vốn khởi nghiệp cũng như làm giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp, ông Khiêm khái quát kỹ năng trình bày và thuyết phục là điều mà kỹ sư, hay nói nôm na là dân làm kỹ thuật cực kỳ yếu. “Có người trình bày ý tưởng rất lâu nhưng cô đọng lại nhà đầu tư không hiểu gì hết. Tất nhiên, nhà đầu tư vật lộn hoài thì cũng hiểu ra nhưng cùng lúc cũng hiểu ra một điều khác: người gọi vốn giao tiếp với nhà đầu tư khó khăn như thế thì làm sao giao tiếp được với khách hàng, làm sao thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm của mình?”.
Đi học giao tiếp
Kỹ sư thường là những người nghiên cứu nhiều và có nhiều sáng kiến, hơn ai hết là thành phần có tiềm năng đóng góp dồi dào cho thế giới đang thay đổi không ngừng hiện nay, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp dấy lên mạnh mẽ ở Việt Nam những năm qua, kỹ sư vì thế cũng là thành phần mong muốn khởi nghiệp mạnh mẽ.
Ông Trần Duy Khiêm cho rằng giao tiếp là kỹ năng mà kỹ sư nhìn chung còn thiếu Ảnh: NVCC
Họ là những người tạo ra sản phẩm đổi mới, rất yêu đứa con của mình và hơn ai hết hiểu sản phẩm nhất nhưng tại sao lại không thể trình bày một cách dễ hiểu nhất về những ưu việt của sản phẩm? Theo ông Khiêm thì có thể là vì dân kỹ thuật tiếp xúc với máy móc nhiều quá, ít trau dồi kỹ năng giao tiếp. Trong nhiều trường hợp khác, họ vì quá yêu sản phẩm của mình, thấy cái gì cũng hay nên đem tất cả ra mà thao thao bất tuyệt trong lúc gọi vốn, cuối cùng không chỉ được những điều ưu việt nhất của sản phẩm cho nhà đầu tư thấy.
Đem câu hỏi vì sao kể trên với bà Nguyễn Thị Ánh Phương, giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh Executive MBA-MCI (Đại học Bách khoa TP.HCM) thì nhận được câu trả lời không những các kỹ sư, ngay cả nhiều người đã có kinh nghiệm nói trước công chúng nhưng khi cần cô đọng vấn đề lại một cách súc tích lại vẫn rất lúng túng.

tin liên quan

Chuyên gia dạy khởi nghiệp miễn phí
Suốt 3 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (quê ở Đồng Nai - ảnh) đã đến nhiều trường học, địa phương… để dạy những khóa học về khởi nghiệp hoàn toàn miễn phí cho sinh viên, thanh niên.
Bà Phương cho rằng giao tiếp là một kỹ năng rất quan trọng mà các nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp cần phải học. Chẳng hạn trong chương trình đào tạo EMBA-MCI - vốn chuyên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - kỹ năng giao tiếp là môn chiếm tỷ trọng lớn nhất được dạy xuyên suốt trong chương trình, đi từ giao tiếp trong môi trường làm việc bình thường đến giao tiếp với các con số để biến con số thành dữ liệu biết nói, giao tiếp trong tư cách nhà tư vấn, nhà quản lý… “Nền tảng của kỹ năng giao tiếp là quá trình tư duy phản biện phức tạp”, bà Phương kết luận.
Sản phẩm cho ai?
Ngoài ra, tư duy thị trường cũng là một vấn đề lớn khác của dân kỹ thuật. “Có những bạn nghiên cứu rất nhiều về sản phẩm, đưa ra những sản phẩm rất mới nhưng không hề tìm hiểu là sản phẩm đó đáp ứng được nhu cầu của ai, thị trường có cần nó hay không, trên thị trường đã có những đối thủ cạnh tranh nào... trong khi giá trị thị trường là một trong những yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư nhìn tới. Rất đơn giản, sản phẩm phải có khách hàng thì mới sống được”, ông Khiêm cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ánh Phương, Giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh Executive MBA-MCI (Đại học Bách khoa TP.HCM) Ảnh: NVCC
Đó cũng là lý do khiến hàng loạt dự án khởi nghiệp chết từ trong bào thai trong thời gian qua. Thậm chí ngay cả nhiều dự án quốc tế đã gọi được vốn đầu tư khủng với những ý tưởng đổi mới đột phá được quảng cáo rầm rộ cũng chết "bất đắc kỳ tử" ở khắp nơi.
Mục tiêu cuối cùng, suy cho cùng là bán hàng chứ không phải gọi vốn! Nghiên cứu thị trường tưởng chừng là bài học cơ bản nhất đối với dân làm kinh doanh đã không được nhiều người khởi nghiệp để tâm tới. Và đó là một lỗ hổng khác về kiến thức mà bất kỳ ai muốn làm quản lý, muốn làm chủ doanh nghiệp đều phải trang bị cho mình, không loại trừ những người làm kỹ thuật.
Nữ triệu phú dollar Lê Diệp Kiều Trang - người từng “gây sốt” ở thung lung Silicon khi cùng chồng khởi nghiệp với thiết bị đo tiểu đường Misfit, sau đó nhanh chóng bán cho tập đoàn Fossil với giá 260 triệu USD nhận xét từ kỹ thuật chuyển sang kinh doanh là một cách biệt lớn. “Có được một sự đào tạo bài bản của một chương trình Executive MBA là điều hết sức cần thiết cho người khởi nghiệp, đặc biệt là nhóm kỹ thuật, công nghệ”, bà Trang đúc kết.
Quyền được thất bại
Việc bổ sung kiến thức sớm và khởi nghiệp sớm cũng cho phép người khởi nghiệp gia tăng "quyền được thất bại và được làm lại", theo bà Ánh Phương. Còn theo ông Trần Duy Khiêm, nếu như trước đây lịch sử khởi nghiệp thất bại bị đánh giá thấp thì một số quỹ đầu tư hiện nay xem đó là một điểm cộng, chứng tỏ người gọi vốn đã có kinh nghiệm và học hỏi được từ những thất bại của mình. Ông chia sẻ rất khó để quỹ đầu tư có thể trao một món tiền lớn cho những ai mới mở công ty lần đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.