Vấn đề đặt ra là 6 tháng cuối năm, các bệnh viện (BV) đã lỡ chi quá tay thì phải “thắt lưng buộc bụng”, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh BHYT.
Khi phỏng vấn các lãnh đạo BV về việc này, câu trả lời là BV luôn kê toa hợp lý, chỉ định kỹ thuật và cho nhập viện đúng, nhưng chi nhiều tiền BYHT do bệnh gia tăng, sử dụng nhiều kỹ thuật mới… Thế nhưng, một lãnh đạo BHXH TP.HCM cho biết “đang cho rà soát lại việc kê đơn, chỉ định nhập viện, chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật... để xem vì sao thời gian qua số tiền các BV sử dụng “quá tay” so với dự toán chi cả năm”.
Thực tế việc chi BHYT cho thấy quỹ xài nhiều có thể do một số nguyên nhân. Thứ nhất, các BV không sử dụng kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm của nhau, nên tuyến dưới chuyển lên trên thì tuyến trên... làm lại. Lý do phổ biến được giải thích là do tuyến dưới làm không rõ hoặc không tin tưởng.
Thứ hai, khi các BV đã được giao tự chủ thì việc chỉ định nhập viện, chụp chiếu hình ảnh, xét nghiệm... là chuyện đương nhiên để “lấy thu bù chi”.
Thứ ba, có sự lạm dụng quỹ BHYT từ nhân viên y tế, người dân; như trường hợp người dân đi khám nhiều nơi, khám đến 150 lần/năm để lãnh thuốc BHYT đi bán thu cả trăm triệu đồng. Việc này lặp đi, lặp lại rất nhiều năm qua mà vẫn chưa thể kiểm soát triệt để.
Ngoài ra, không thể không nói đến sự hạn chế trong quản lý, đầu tư, đặc biệt là quản lý, đầu tư cho công nghệ thông tin để kiểm tra giám sát thực hiện chính sách BHYT ở một số nơi chưa thật sự đúng mức, chưa trơn tru, chưa thông suốt... tạo ra kẽ hở để “kẻ gian” trục lợi.
Cần nhìn đúng bản chất của việc “lạm chi” để có giải pháp thì quyền lợi của người bệnh được đảm bảo một cách khả dĩ nhất.
Bình luận (0)