Vì sao heo 5 móng chỉ sống ở chùa, chết được 'mồ yên mả đẹp'?

25/09/2024 09:31 GMT+7

Tại Sóc Trăng, heo 5 móng được nuôi trong chùa và khi chết chôn cất đàng hoàng, thậm chí xây luôn mồ mả, có hẳn nghĩa địa.

Heo 5 móng nặng 200 kg, biết buồn, biết giận

Chùa Pôthi Sattha Ram (P.7, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) đang nuôi một con heo 5 móng có trọng lượng lên đến 200 kg. Theo quan sát, con heo này không khác gì heo bình thường, chỉ khác là 1 chân trước có thêm 1 móng.

Đại đức Thạch Sal, trụ trì chùa Pôthi Sattha Ram, cho biết, nhà chùa nhận nuôi con heo này từ năm 2022, khi nó bị chủ bỏ rơi trước cổng chùa. Suốt 2 năm qua, heo được các nhà sư trong chùa thay nhau chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ nên béo tròn, ục ịch.

Vì sao heo 5 móng chỉ sống ở chùa, chết được 'mồ yên mả đẹp'?- Ảnh 1.

Con heo 5 móng, nặng khoảng 200 kg, đang được nuôi tại chùa Pôthi Sattha Ram

ẢNH: DUY TÂN

Theo đại đức Thạch Sal, heo 5 móng không phải chân nào cũng có 5 móng, chỉ cần 1 chân có thêm 1 móng đều gọi như vậy. Quan niệm dân gian cho rằng, heo 5 móng là "cốt tinh", là "người hóa kiếp heo", nếu nuôi trong nhà sẽ quậy phá, sinh chuyện. Vì vậy, khi phát hiện heo 5 móng, người dân thường đem thả vào chùa để nó nghe kinh Phật, "đằm" lại, xóa tội lỗi.

Heo 5 móng này rất dễ nuôi, việc ăn uống cũng theo khung giờ và chế độ ăn của các nhà sư (các sư ăn uống trước 12 giờ trưa mỗi ngày, sau 12 giờ trưa không ăn nữa - PV). Dù không ăn uống như cách nuôi thông thường (như cho ăn cám, cặn…), được thả nuôi tự nhiên trong khuôn viên chùa, heo vẫn lớn rất nhanh và hoàn toàn khỏe mạnh. Lúc mới nhận nuôi, heo chỉ có 20 kg, đến nay đạt khoảng 200 kg.

Vì sao heo 5 móng chỉ sống ở chùa, chết được 'mồ yên mả đẹp'?- Ảnh 2.

Chùa Dơi được biết đến là nơi nhận nuôi số lượng heo 5 móng nhiều nhất và có cả nghĩa địa dành cho chúng

ẢNH: DUY TÂN

Khoảng 10 năm trở lại đây, chùa Pôthi Sattha Ram đã nhận nuôi 10 con heo 5 móng. Tuy nhiên, sau thời gian dài nuôi dưỡng, heo già đi và bệnh rồi mất, chỉ còn 1 con.

"Người ta bỏ vô chùa, mình không nuôi thì tội lắm. Heo 5 móng có trí nhớ dai, biết buồn, biết giận. Bình thường, chúng được thả rông trong chùa, có khi đi ra ngoài kiếm ăn, thậm chí đi xa hàng cây số nhưng vẫn biết tìm đường về chùa. Trước đây, nhà chùa cũng từng bàn tính đưa heo đi nơi khác nuôi. Nghe vậy, đàn heo bỏ đi hơn 1 tháng, sau đó chúng tìm đường quay về. Thấy vậy, chùa nhận nuôi đến ngày nay", trụ trì chùa Pôthi Sattha Ram cho biết.

Nghĩa địa heo độc nhất miền Tây

Heo 5 móng khi chết được chôn cất cẩn thận. Bởi theo quan niệm dân gian của đồng bào Khmer, nếu xẻ thịt, ăn phải thịt heo 5 móng thì gặp xui xẻo nên những con heo 5 móng chỉ được nuôi đến khi nào chết thì chôn cất.

Vì sao heo 5 móng chỉ sống ở chùa, chết được 'mồ yên mả đẹp'?- Ảnh 3.

Mộ heo 5 móng trong khuôn viên chùa Dơi

ẢNH: DUY TÂN

Trong khuôn viên chùa Mahatúp (còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc, người dân địa phương quen gọi chùa Dơi) có hẳn một nghĩa địa dành riêng cho hàng chục con heo 5 móng. Trên các ngôi mộ có dựng bia, ghi rõ tên tuổi, thời gian sinh, tử và chủ của từng con.

Tại chùa Dơi, khi con heo 5 móng đầu tiên chết vào năm 1996, chùa hỏa táng rồi làm mộ chôn giống như mộ người ở khu đất phía sau chùa. Thời gian sau, những con heo 5 móng khác chết đều được làm lễ, chôn cất, xây mộ..., dần dần hình thành nghĩa địa heo độc nhất miền Tây.

Đến nay, nghĩa địa heo ở chùa Dơi vẫn còn. Trên mỗi ngôi mộ đều có hình vẽ con heo béo tròn. Việc dọn dẹp nghĩa địa được nhiều phật tử đảm nhận. Du khách đến tham quan cũng thích thú tìm hiểu về những câu chuyện ly kỳ về loại heo 5 móng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.