Vì sao heo chết sau khi tiêm vắc xin?

27/08/2022 06:43 GMT+7

Vắc xin dịch tả lợn châu Phi (NAVET-ASFVAC) sản xuất thành công tại VN được xem như một kỳ tích. Tuy nhiên, hiện tượng heo chết hàng loạt sau khi tiêm lại đang đặt ra một loạt câu hỏi về chất lượng vắc xin.

Tiêm không đúng khuyến cáo?

Ngày 24.8, ông Lê Hùng Vương, ngụ xã Hòa Định Đông, H.Phú Hòa (Phú Yên), cho biết gia đình nuôi 34 con heo (7 heo nái đang mang thai và 27 heo thịt), được tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC hai tuần trước. Sau khi tiêm vài ngày, đàn heo có nhiều triệu chứng như bỏ ăn, sốt cao, xuất huyết ngoài da và tiểu ra máu rồi chết hàng loạt. “Trước khi tiêm loại vắc xin này, đàn heo phát triển bình thường”, ông Vương nói.

Nhà bà Trần Đình Thuận cùng ngụ tại địa bàn trên cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Bà Thuận nuôi 43 con heo, trong đó 28 con được chích vắc xin NAVET-ASFVAC cùng ngày với nhà ông Vương. Đến nay, 17 con được tiêm đã chết, 11 con bệnh nặng.

Người dân nuôi heo ở nhiều nơi tại Phú Yên ghi nhận tình trạng heo chết sau khi tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC

Đức Huy

Ông Dương Bá Trực, cán bộ thú y xã Hòa Định Đông, thông tin hai ngày 13 và 14.8, việc tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC phòng dịch tả lợn châu Phi được triển khai với tổng cộng trên 150 con của 12 hộ dân tại thôn Định Thành. Người dân mua vắc xin tại trạm chăn nuôi của huyện, sau đó cán bộ thú y tiêm hoặc người dân tự tiêm. Sau khi heo chết hàng loạt, địa phương đã dừng tiêm. Theo thống kê của cơ quan thú y địa phương, trong tổng số 600 con heo đã được tiêm vắc xin trên địa bàn thì có 131 con bỏ ăn, trong đó nhiều con đã chết. Trước đó, trong quá trình tiêm vắc xin thử nghiệm tại Bình Định thì có 130/600 con heo được tiêm bị chết.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Đàn heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được tiêm thử nghiệm trong một thời gian dài và cho hiệu quả khá tốt, tuy nhiên, nhà sản xuất có những khuyến cáo là chỉ tiêm cho heo thịt từ 8 - 10 tuần tuổi, không tiêm cho heo nái... Có thể, ở nhiều địa phương tiêm không đúng theo khuyến cáo nên xảy ra thiệt hại ngoài ý muốn”.

Nhiều nước muốn mua vắc xin

Dịch tả lợn châu Phi là một dịch bệnh đã xuất hiện, kéo dài hàng trăm năm nay, dù đã có hàng chục đề án nghiên cứu trên khắp thế giới nhưng chưa có vắc xin phòng ngừa hiệu quả. Từ tháng 6.2022, Công ty CP thuốc thú y trung ương (Navetco) đã được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận lưu hành vắc xin NAVET-ASFVAC và tháng 8 chính thức thương mại hóa. Nói về vắc xin NAVET-ASFVAC, ông Trần Xuân Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Navetco, thẳng thắn: “Đây thực chất là một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ. Tuy nhiên, do Mỹ không có dịch tả lợn châu Phi nên việc thử nghiệm lâm sàng không thể triển khai trên đất nước họ. Và dưới sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp 2 nước, các nhà khoa học Mỹ đã chuyển giao cho VN sản xuất và thử nghiệm”.

Cục Thú y cũng yêu cầu rà soát, đánh giá lại chất lượng các lô vắc xin đã sử dụng tại các địa phương có sự cố phản ứng sau tiêm; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích chuyên sâu để có cơ sở kết luận chính xác nguyên nhân; phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và Công ty Navetco để khắc phục sự cố tại các địa phương đã tiêm vắc xin bị thiệt hại sau tiêm phòng. Việc triển khai và thực hiện báo cáo về Cục Thú y trước ngày 31.8.2022.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 9.2020, Công ty Navetco khẩn trương triển khai nghiên cứu. Trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số heo tiêm vắc xin được bảo hộ khi công cường độc trong phòng thí nghiệm. Trong điều kiện sản xuất, đã bảo hộ được trên 80% số heo được tiêm vắc xin khi công cường độc với chủng vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại VN, độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài 6 tháng sau tiêm phòng.

Hiện nhiều nước có ngành chăn nuôi heo đã đặt vấn đề mua vắc xin NAVET-ASFVAC để sử dụng. Vì vậy, sản phẩm này không chỉ có nhu cầu trong nước mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều thị trường khác. Đối với sự cố heo chết hàng loạt sau khi tiêm vắc xin, từ ngày 23 - 25.8, các đoàn công tác của Cục Thú y đã thực hiện việc kiểm tra thực tế. Kết quả cho thấy tại một số tỉnh, việc sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC có nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thú y, tại nhiều địa phương có sự buông lỏng trong quản lý, phân phối, tổ chức tiêm phòng và giám sát sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC, không thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y và hướng dẫn sử dụng vắc xin của nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng người dân, cán bộ thú y cơ sở tự ý tiêm không đúng đối tượng heo được chỉ định (heo thịt từ 8 - 10 tuần tuổi), không thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, sát trùng, sử dụng chung kim tiêm, dẫn đến lây lan vi rút dịch tả lợn châu Phi trong quá trình tiêm (xảy ra hiện tượng heo chết khu trú nhiều ở một số vùng).

Chấn chỉnh ngay

Để khắc phục, chấm dứt ngay tình trạng nêu trên, Cục Thú y đề nghị sở NN-PTNT các địa phương, chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh, thành phố và Công ty Navetco nghiêm túc chấn chỉnh việc cung ứng, quản lý, sử dụng và giám sát sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC, cụ thể gồm: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại Công văn số 4463/BNN-TY ngày 12.7.2022 về việc tổ chức giám sát sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn của Cục Thú y tại Công văn số 1060/TY-DT ngày 12.7.2022 và Công văn số 692/TY-DT ngày 9.5.2022 về việc hướng dẫn tổ chức giám sát sau tiêm phòng vắc xin NAVET-ASFVAC.

Đàn heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được tiêm thử nghiệm trong một thời gian dài và cho hiệu quả khá tốt, tuy nhiên, nhà sản xuất có những khuyến cáo là chỉ tiêm cho heo thịt từ 8 - 10 tuần tuổi, không tiêm cho heo nái... Có thể, ở nhiều địa phương tiêm không đúng theo khuyến cáo nên xảy ra thiệt hại ngoài ý muốn.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Cục Thú y yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm của Công ty Navetco, các cơ quan liên quan của địa phương về việc không tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y, dẫn đến mở rộng đối tượng tiêm vắc xin nhưng không có hướng dẫn sử dụng, không có giám sát của cơ quan thú y, để xảy ra tình trạng sử dụng vắc xin NAVET- ASFVAC tiêm cho các đối tượng heo không được chỉ định, gây ra hậu quả làm chết heo.

Hiện tại, Cục Thú y yêu cầu Navetco báo cáo đầy đủ, chính xác về tình hình cung ứng, sử dụng và giám sát sau tiêm phòng vắc xin theo đúng chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y, tập trung cùng với các địa phương hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí, xử lý các trường hợp có heo chết trước ngày 31.8.2022; bố trí lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tại Bình Định và Phú Yên để tổ chức khắc phục sự cố; khẩn trương rà soát, xác định nguyên nhân, sự bất thường trong quá trình triển khai sử dụng vắc xin (bảo quản, vận chuyển, cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin tại thực địa); kịp thời hỗ trợ, cung ứng thuốc, hóa chất sát trùng, tiêu độc cho các địa phương, các hộ chăn nuôi có heo phản ứng, chết sau khi sử dụng vắc xin.

Đối với các địa phương xảy ra sự cố sau tiêm phòng, Cục Thú y yêu cầu tạm dừng việc triển khai sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC để tập trung nguồn lực xử lý các vấn đề phát sinh; thống kê chính xác số lượng, chủng loại heo có phản ứng, chết sau tiêm phòng; thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, xử lý dịch bệnh theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn người dân không bán chạy, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo ra môi trường; tiếp tục theo dõi, giám sát, lấy mẫu các trường hợp heo phản ứng, chết sau tiêm vắc xin để xác định nguyên nhân; kịp thời báo cáo đầy đủ, chính xác về tình hình sử dụng và giám sát sau tiêm phòng vắc xin về Cục Thú y.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.