Ngày 14.5, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đã thống kê về số lượng nguyện vọng (NV) vào các nhóm ngành của thí sinh (TS) trên cả nước đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ khối ngành sư phạm năm 2021.
Cả nước thiếu 45.000 giáo viên mầm nonTheo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2020, cả nước thiếu hụt khoảng 70.000 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non đứng đầu với trên 45.000 giáo viên.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương thiếu giáo viên theo định mức. Các địa phương không tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non trong 3 năm học (giai đoạn 2019 - 2021) để có đủ giáo viên tối thiểu giảng dạy, trong bối cảnh cấp học này đang thiếu nhiều giáo viên.
|
Số NV vào nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên cũng ở mức cao - gần 229.000, gấp 4,5 lần so với chỉ tiêu (hơn 50.700). Trong khi đó, ngành giáo dục mầm non ở bậc CĐ lại có số NV thấp hơn chỉ tiêu (chỉ hơn 9.600 NV trong khi có tới hơn 14.500 chỉ tiêu). Như vậy trên lý thuyết, ai đăng ký vào ngành này cũng trúng tuyển.
Do quy hoạch lại các trường Cao đẳng Sư phạm ?
Số lượng đăng ký NV phản ánh khá rõ thực tế hiện nay của ngành giáo dục mầm non tại các trường CĐ.
Theo thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và giới thiệu việc làm Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, TS học ngành giáo dục mầm non bậc CĐ hiện nay có xu hướng chọn học tại các trường CĐ công lập hơn là các trường tư thục. Ngoài ra, TS lại thường chọn học các trường CĐ ở các tỉnh hơn tại các thành phố lớn. Lý do là nếu học ở các trường này, sinh viên vừa được học gần nhà lại vừa được miễn học phí. Vì vậy, gần như các trường CĐ tư thục có đào tạo ngành này đều không tăng chỉ tiêu xét tuyển hoặc dừng đào tạo.
Xu hướng TS chọn học ở các tỉnh còn liên quan việc quy hoạch lại các trường CĐ sư phạm trên cả nước. Từ khi luật Giáo dục có hiệu lực, các trường CĐ sư phạm trước kia chỉ còn chức năng đào tạo ngành giáo dục mầm non. Vì vậy, các trường này cũng chuyển đổi hoặc trở thành phân hiệu của các trường ĐH.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận đã sáp nhập trở thành phân hiệu của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM và vẫn tuyển sinh ngành giáo dục mầm non bậc CĐ với 120 chỉ tiêu. Năm 2020, trường cũng xét tuyển chừng đó chỉ tiêu và tuyển được khoảng 80 sinh viên. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, trường đang làm đề án để năm sau làm thủ tục nâng cấp đào tạo ngành này ở bậc ĐH.
Lãnh đạo một trường CĐ Sư phạm Trung ương cũng cho biết năm ngoái trường xác định chỉ tiêu cho ngành này là 1.563 nhưng tuyển được khoảng 850 sinh viên cho ngành giáo dục mầm non. Năm nay chỉ tiêu của trường là 1.631.
“Các trường CĐ sư phạm đào tạo ngành giáo dục mầm non đang còn một lợi thế là chỉ tiêu đào tạo ngành này ở các trường ĐH hiện nay không nhiều. Tuy nhiên, nếu sắp tới các trường ĐH tăng chỉ tiêu đào tạo ngành giáo dục mầm non lên thì các trường CĐ chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Chưa kể các trường CĐ Sư phạm ở các tỉnh đã sáp nhập vào trường ĐH, có xu hướng nâng cấp để tuyển sinh ngành này ở bậc ĐH. Điều này sẽ “giữ chân” nhiều TS ở lại tỉnh học hơn, khiến các trường CĐ sư phạm mất thêm một lượng TS nữa”, vị lãnh đạo này cho biết.
Xu hướng chọn đại học hơn cao đẳng
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, TS hiện nay cũng rất nhạy bén. Việc quy hoạch mạng lưới các trường CĐ sư phạm vừa qua ít nhiều có ảnh hưởng đến sự lựa chọn của TS. TS có nhu cầu theo nghề giáo dục mầm non có xu hướng học tại các trường ĐH hơn là trường CĐ.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết TS đăng ký vào ngành giáo dục mầm non của trường chưa bao giờ giảm đi. Năm nay có thể có 2 tác động. Một là vì dịch Covid-19, các trường sư phạm, ngay ở bậc CĐ, cũng đều có kỳ thi năng khiếu nên tham gia thi năng khiếu tập trung trong điều kiện dịch bệnh là rào cản về mặt tâm lý với TS.
Cũng theo thạc sĩ Quốc, tác động thứ 2 trong năm nay có thể là TS, phụ huynh đang tìm hiểu về chuyện hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116. Nghị định giảm xuống chỉ tiêu và ràng buộc rõ ràng hơn về việc gắn bó, cống hiến với ngành giáo dục mầm non. Nơi chấp nhận hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí thì phải chấp nhận đi làm theo phân công hoặc tự chi trả tiền học. TS nếu muốn theo đuổi nghề này sẽ có xu hướng học ĐH hơn là CĐ. Còn TS nếu không yêu nghề giáo viên mầm non lắm, mà phải chi trả tiền để học thì lại càng có xu hướng không chọn học nữa.
Bình luận (0)