Ông Thái Văn Tài (
ảnh), Vụ trưởng Vụ
Giáo dục tiểu học (
Bộ GD-ĐT), giải thích về quy định này.
Có thể tham gia biên soạn nhưng không được với tư cách là tác giả
Thưa ông, Bộ GD-ĐT viện dẫn Thông tư 33 để giải thích sách tiếng Anh chưa được phê duyệt nhưng hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) đánh giá đạt hay không đạt cũng đều căn cứ vào thông tư này. Kết quả 6 cuốn SGK tiếng Anh đều được đánh giá đạt nhưng lại chưa được phê duyệt, vậy có mâu thuẫn gì không?
Trong Thông tư 33, từ điều 4 đến điều 8 quy định những mặt nội dung và cấu trúc SGK, nằm trong phạm vi đánh giá của hội đồng quốc gia thẩm định. Còn các nhà xuất bản (NXB) được quy định ở một số điều khác khi chuẩn bị hồ sơ, quá trình biên soạn, vai trò, trách nhiệm của các NXB khi trình hồ sơ, căn cứ pháp lý... để đề nghị thẩm định, phê duyệt SGK.
Như vậy, hội đồng đánh giá SGK đạt là đạt về chương trình, nội dung theo các tiêu chí chuyên môn của cuốn sách đó. Khi tiếp nhận các sản phẩm bản thảo từ hội đồng thẩm định, theo quy định sẽ có một ban tổ chức của Bộ GD-ĐT giúp Bộ trưởng rà soát, vừa phản biện độc lập chuyên môn một cách kỹ càng nhất, vừa đánh giá toàn diện các yếu tố căn cứ pháp lý theo quy định của Thông tư 33 và các
văn bản pháp luật khác có liên quan đến xuất bản phẩm và sản phẩm là SGK.
Riêng môn tiếng Anh, có những cái rất đặc thù, trong hồ sơ gửi thẩm định, phê duyệt vừa có tác giả là
người Việt Nam, vừa có tác giả người nước ngoài. Người nước ngoài tham gia nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ, là sản phẩm của hai NXB trong và ngoài nước hợp tác với nhau. Có nghĩa NXB của Việt Nam khai thác và sử dụng những ngữ liệu của một sản phẩm sách của NXB nước ngoài và mua bản quyền sản phẩm ấy để dựa trên cuốn sách nguyên bản, tác giả là người Việt Nam sẽ nghiên cứu chương trình của Việt Nam, nghiên cứu ngữ liệu để biên soạn thành SGK theo chương trình của Việt Nam. Trong tình huống này, các tác giả là người nước ngoài đứng tên trong hồ sơ là đứng tên với vai trò tác giả của cuốn sách nguyên bản và đây là sản phẩm hợp tác của hai NXB. Tác giả người nước ngoài trong trường hợp này đứng tên không liên quan gì đến nội dung biên soạn SGK quy định của Bộ GD-ĐT.
Tình huống thứ hai là có NXB tổ chức nghiên cứu chương trình và người ta mời tác giả là
người Việt Nam biên soạn SGK, sau đó nhờ những chuyên gia nước ngoài đọc lại chính tả, rà soát lại chuyên môn để đảm bảo chất lượng. Cả hai cách làm này đều rất tốt cho SGK ngoại ngữ. Tuy nhiên, SGK là một xuất bản phẩm nên nó phải thực hiện theo quy định của cả luật Giáo dục và luật Xuất bản. Nếu như hợp tác giữa hai NXB thì còn liên quan đến luật Doanh nghiệp; còn câu chuyện bản quyền liên quan đến luật Sở hữu trí tuệ.
Yêu cầu tiên quyết liên quan đến SGK, một sản phẩm đặc biệt và nó có tầm ảnh hưởng rất lớn, được sử dụng trên diện rộng nên chúng tôi phải đảm bảo nghiêm túc nhất các quy định hiện hành. Tâm lý các NXB là mong muốn có người nước ngoài đứng tên để thể hiện chuyên môn sâu. Tuy nhiên, nguyên tắc đặt ra là mỗi cuốn SGK phải đảm bảo quy định của
pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế… Người nước ngoài theo quy định của Thông tư 33 có thể tham gia vào việc biên soạn SGK, nhưng không được tham gia với tư cách là tác giả.
Thông tư 33 quy định là quyền công dân nhưng không nói rõ công dân nước nào, công dân có thể hiểu là công dân toàn cầu?
Quyền công dân trong Thông tư 33 được hiểu là quyền công dân theo Hiến pháp của Việt Nam, nghĩa là quyền công dân Việt Nam. Thông tư 33 đang quy định cho SGK của tất cả các môn học, tất cả cấp học phổ thông chứ không phải riêng lớp 1 hay môn học nào. Thông tư này có một điều quy định về tiêu chuẩn tác giả SGK.
Qua kinh nghiệm của việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt
SGK lớp 1, Bộ có chủ trương sẽ cho đánh giá lại quy định này để dự kiến có những điều chỉnh, bổ sung trước khi cho thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo. Mục tiêu là làm sao để đảm bảo tính hội nhập vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ các xuất bản phẩm, trong đó đặc biệt là SGK.
Đã biên soạn lại theo chương trình Việt Nam
Vấn đề đặt ra là người nước ngoài là tác giả của cuốn sách nguyên bản mà NXB và tác giả người Việt Nam sử dụng để biên soạn lại theo chương trình Việt Nam. Vậy, việc không “cho” người nước ngoài đứng tên tác giả sách đó thì có vi phạm về bản quyền hay không?
Trong trường hợp này thì tác giả là người nước ngoài được dẫn chiếu trong SGK ở các vị trí đúng với luật Sở hữu trí tuệ. Đây là câu chuyện của hai NXB với nhau. Trách nhiệm của Bộ là hướng dẫn để các NXB làm lại để thể hiện trên SGK theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đúng theo thông lệ quốc tế, đảm bảo việc quản lý SGK theo đúng pháp luật.
Dạy học tự chọn, học liên kết vẫn sử dụng sách của tác giả nước ngoài
Tiếng Anh lớp 1, lớp 2 ở chương trình mới tự chọn theo chuẩn đầu ra của chương trình. Còn việc dạy học tự chọn, việc dạy học liên kết để tăng cường tiếng Anh theo nhu cầu người học, được tổ chức ngoài giờ học chính khóa (có đóng tiền) thì các nhà trường vẫn có thể sử dụng sách của tác giả người nước ngoài, NXB nước ngoài, nếu sách đã được Sở GD-ĐT phê duyệt và có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Việc dạy học tự chọn, tăng cường ấy vẫn tiếp tục kể cả khi tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3.
|
Để đảm bảo quyền lợi của tác giả người nước ngoài và tránh tranh chấp về bản quyền nên SGK tiếng Anh mất một thời gian khá dài để chỉnh sửa, bổ sung theo đặc thù của môn học. Đến thời điểm này thì các NXB có SGK tiếng Anh lớp 1 tham gia thẩm định và chờ phê duyệt đã thực hiện theo đúng những yêu cầu, quy định đặt ra. Các NXB nước ngoài có hợp tác với NXB trong nước cũng đã được trao đổi, bàn thảo lại và họ biết các quy định của Việt Nam và hai bên đi đến thống nhất với nhau, thể hiện trên các hợp đồng hợp tác.
Đến thời điểm này, Bộ đã nhận được sự đồng tình rất cao từ phía các tác giả, các NXB có SGK trình và đang hoàn thiện những bước cuối cùng của hồ sơ và cố gắng trình Bộ trưởng ký quyết định phê duyệt trước
Tết Nguyên đán để công bố các bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 đã được hội đồng thẩm định đánh giá đạt về nội dung và đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Vậy các NXB đã chỉnh sửa thế nào?
Ví dụ, có cuốn dù đã biên soạn lại theo chương trình Việt Nam nhưng vẫn để tên tác giả người nước ngoài theo sách nguyên bản đang bán trên thị trường. Theo luật Xuất bản, sách có 4 trang bìa, quy định rất rõ vị trí nào của ai. SGK tiếng Anh là sản phẩm theo chương trình Việt Nam, là sản phẩm của người Việt. NXB và tác giả nguyên bản của cuốn sách sẽ được dẫn nguồn tại bìa 2 của cuốn sách.
Mong muốn ban đầu của các NXB trong nước là muốn để tên tác giả nguyên bản vì đó đều là những người đã rất nổi tiếng, sách bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, sách nguyên bản rất khác, SGK tiếng Anh lớp 1 phải biên soạn lại theo chương trình Việt Nam với 70 tiết/năm học. Như vậy, việc chịu trách nhiệm về biên soạn lại nội dung SGK ấy phải là tác giả và các NXB trong nước chứ không phải tác giả người nước ngoài.
Lâu nay, tiếng Anh vẫn được đưa vào dạy học tự chọn trong các nhà trường và rất nhiều trường sử dụng sách nhập khẩu của nước ngoài. Những cuốn sách đứng tên tác giả người nước ngoài được các NXB gửi thẩm định, phê duyệt lần này đã rất thân thuộc với học sinh vì nhiều nhà trường đã sử dụng từ lâu mà không có phàn nàn gì về chất lượng?
Những tài liệu ấy Bộ không thẩm định. Sử dụng trong giờ học chính khóa thì chỉ có thể là SGK. Những chương trình thực hiện thí điểm theo đề án thì do Bộ GD-ĐT thẩm định, còn lại dạy học tự chọn thì Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt.
Bình luận (0)