Phòng chống dịch Covid-19: Vì sao khuyến cáo ‘hạn chế ra đường’?

Duy Tính
Duy Tính
20/03/2020 12:43 GMT+7

Hạn chế ra đường, đóng cửa hàng quán không cần thiết; hạn chế tụ tập, hội họp... là những giải pháp được các chuyên gia khuyên nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 .

Tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 19.3, lãnh đạo ngành y tế TP khuyến cáo người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường, hàng quán không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các hàng thuốc, thực phẩm, siêu thị… Vì sao?
Poll TNO
Quiz nguy cơ Covid-19 / Tình trạng của bạn trong 14 ngày qua

Tụ họp là nguyên nhân gây lây nhiễm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng hạn chế đi lại là hạn chế tiếp xúc, hạn chế tụ tập. Bởi, kinh nghiệm cho thấy các cuộc tụ tập, hội họp đông người đã gây ra lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng khi đến chỗ đông người

Ảnh: Duy Tính

Theo bác sĩ Khanh, trước khi dịch Covid-19 xảy ra thì ở Vũ Hán Trung Quốc đã diễn ra một buổi lễ hội có khoảng 40.000 người tham gia. Những con tàu du lịch tập trung đông đúc và cũng chính là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19 chéo.
Tại một khách sạn ở Singapore có hội họp và xảy ra lây nhiễm. Tại Anh dù dịch xảy ra vẫn tổ chức những buổi hội họp đông người; nước Ý vẫn không ngưng các hội nghị; Malaysia tụ họp lễ hội hơn 16.000 người… và dẫn đến lây nhiễm Covid-19.
Do vậy, việc tụ họp đông người, tụ họp trong không gian chật hẹp, đứng san sát nhau… dẫn đến lây nhiễm Covid-19. Và điều cần thiết nhất trong thời điểm này chính là hạn chế tụ tập, hội họp, đi lại.

Không bảo vệ mình, cộng đồng thì… lên rừng mà ở

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay, hàng ngàn người từ vùng dịch Covid-19 trở về nên TP.HCM khuyến cáo hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết. Vì ra đường mà không tự bảo vệ mình, không tự bảo vệ người đối diện, nếu mình (hoặc người khác) có virus SARS-CoV-2, ho thì sẽ phát tán virus nhiều; nếu người đối diện, người xung quanh không có phòng vệ thì sẽ bị lây nhiễm virus. Tốt nhất là hạn chế đi lại 28 ngày trong thời điểm này.
Tuy nhiên, hạn chế đi lại không đồng nghĩa với việc ở luôn trong nhà; chỉ nên hạn chế thấp nhất khi không cần thiết, còn xã hội vẫn phải vận hành, hàng hóa vẫn phải thông thương để phục vụ cuộc sống
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay, Nhà nước đang đưa người từ vùng dịch Covid-19 về và đối với những trường hợp này, cần phải cách ly để tránh tiếp xúc cộng đồng.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu có người "lọt sổ" cách ly, giả sử người này mang virus SARS-CoV-2 nhưng nếu họ hạn chế đi lại, biết cách phòng ngừa để tránh lây lan thì sẽ không có người thứ 2 bị lây nhiễm. Điều này lý giải việc hạn chế ra ngoài mang yếu tố quyết định trong việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.

Nhà nước đang nỗ lực chống dịch, người dân cần chung tay

Ảnh: Duy Tính

Đồng thời khi ra ngoài, khuyến khích mọi người nên sử dụng dụng cụ bảo hộ có mặt kiếng phía trước, không nên mắc cỡ khi sử dụng dụng cụ này nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng, vì virus chỉ lây qua giọt bắn ngang. Ngoài ra, phía trong nên mang khẩu trang chính là cách hữu hiệu giảm thiểu lây lan virus SARS-CoV-2. Đồng thời khuyến cáo nếu vào siêu thị thì nên đứng cách nhau 1 m. Đi chợ búa thì nên tập trung mua sắm cho xong nhu cầu của gia đình, tránh tụ tập, nói chuyện... 
“Phải đoàn kết và thực hiện đúng để chung tay bảo vệ cộng đồng. Nếu người mang virus không có ý thức tự bảo vệ thì "lên rừng mà sống”, bác sĩ Khanh nói.
Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, tất cả mọi người cần phải thực hiện như vậy để cộng đồng không bị lây bệnh, nếu có thì lây chậm để ngành y tế không quá tải nhằm có thời gian chữa trị cho người bệnh Covid-19 tốt hơn.
Trong trường hợp khu vực nào lây trong cộng đồng thì phải bảo vệ người già, người có yếu tố nguy cơ để không phải nhiễm bệnh, để không trở thành gánh nặng cho ngành y tế, cho xã hội và gia đình.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, ở nhà  cũng nên thường xuyên rửa tay, mở cửa phòng cho thoáng khí cũng là cách hữu hiệu phòng chống Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.