(TNO) Nếu bộ phận thuộc phần cánh máy bay được tìm thấy ở đảo Reunion thật sự là của chiếc MH370 như tuyên bố của chính phủ Malaysia, vật thể được phát hiện tại đảo quốc Maldives không thể thuộc chiếc Boeing 777 xấu số của Malaysia Airlines, một nhà nghiên cứu hải dương học khẳng định.
>> 5 thuyết âm mưu kỳ quặc về MH370
>> [Infographic] Bí ẩn chuyến bay MH370, 17 tháng nhìn lại
>> Mảnh vỡ ở đảo Reunion là của máy bay MH370
Máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines - Ảnh: AFP |
Trong vài tuần lễ qua, nhiều vật thể không xác định đã được người dân tại quần đảo san hô ở phía bắc Maldives phát hiện và giao lại cho nhà chức trách, trang tin news.com.au (Úc) cho biết ngày 10.8. Vật lớn nhất dài khoảng 2,4 m, rộng gần 0,6 m. Chính phủ Malaysia ngày 10.8 thông báo sẽ cử một nhóm chuyên gia sang Maldives để giám định các vật thể trên.
Tuy nhiên, ông Charitha Pattiaratchi, chuyên gia nghiên cứu hải dương thuộc Đại học Tây Úc, cho rằng các vật thể đang được chính phủ Maldives lưu giữ không thể trôi đến từ vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, nơi được cho là địa điểm chiếc MH370 rơi.
“Nếu mảnh vỡ xuất phát từ điểm chúng ta đang dự đoán ở nam bán cầu, thì nó không thể nào trôi về hướng bắc được”, Giáo sư Pattiaratchi bình luận.
“Chúng không thể băng qua giữa 2 bán cầu do hướng di chuyển của gió và các luồng hải lưu”, theo chuyên gia hải dương học.
Ông cũng nói thêm rằng sẽ khó có thể lý giải được làm thế nào mảnh vỡ của MH370 có thể trôi đến đảo Reunion và Maldives cùng lúc.
“Việc mảnh vỡ xuất hiện ở Reunion và Maldives sẽ là một việc khó hiểu. Rất khó có khả năng cả hai cùng xuất phát từ máy bay MH370”, Giáo sư Pattiaratchi cho hay.
Vật thể lớn nghi là mảnh vỡ máy bay MH370 được tìm thấy ở đảo quốc Maldives - Ảnh: news.com.au |
Sáng ngày 6.8, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở đảo Reunion chính là một phần của bộ phận cánh liệng treo thuộc chiếc Boeing 777, chuyến bay số hiệu MH370, mất tích ngày 8.3.2014. Trong khi đó, các công tố viên tại Pháp, nơi đang giám định mảnh vỡ, chỉ nói “có khả năng rất cao”.
Mảnh vỡ này được một lao công quét dọn bờ biển phát hiện vào ngày 29.7. Một số chuyên gia phỏng đoán bộ phận thuộc phần cánh máy bay này đã dạt vào bờ biển Reunion khoảng đầu tháng 5.
Giáo sư Pattiaratchi cho rằng việc không xác định được thời điểm mảnh vỡ trôi vào bờ khiến các nhà điều tra khó xác định được khu vực máy bay rơi.
“Nếu không biết được ngày mảnh vỡ trôi vào bờ, thì không thể biết được dòng hải lưu nào đã cuốn nó vào. Hai tháng là một khoảng thời gian rất dài”, ông nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu hải dương học này vẫn cho rằng khu vực tìm kiếm hiện tại ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương chính là nơi chiếc Boeing 777 chở theo 239 người đã rơi.
Trung Quốc từ chối chi tiền để duy trì hoạt động tìm kiếm MH370 Mặc dù hơn phân nửa số hành khách trên chuyến bay MH370 là người Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã quyết định không chi tiền cho cuộc tìm kiếm xác máy bay tại nam Ấn Độ Dương, khiến Úc thấp thỏm trước viễn cảnh phải “gồng mình” lo kinh phí. News.com.au cho biết trong tổng số 239 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay MH370, có 153 công dân Trung Quốc. Mặc dù cũng từng gửi tàu quân sự hỗ trợ hoạt động tìm kiếm trong những ngày đầu, nhưng Bắc Kinh hiện cương quyết từ chối hỗ trợ tài chính cho hoạt động này. Một phát ngôn viên giấu tên của Văn phòng Phó Thủ tướng Úc đã xác nhận với news.com.au rằng Trung Quốc trước đây từng yêu cầu chia 3 kinh phí với Úc và Malaysia. “Trung Quốc đã ngừng góp nguồn lực hoặc trang thiết bị cho chiến dịch dò tìm (xác máy bay) dưới đáy biển”, người phát ngôn này cho hay. Văn phòng Phó Thủ tướng Úc công bố nước này cho đến nay đã chi 76 triệu USD và Malaysia chi 40 triệu USD để tìm máy bay MH370. Mặc dù từng công khai cam kết sẽ bỏ ra số tiền ngang với Úc, nhưng Malaysia hiện cũng đã ngừng góp tiền. Trong tổng số hành khách có mặt trên máy bay, có 6 người Úc và 38 người Malaysia. News.com.au cho hay chính phủ Úc đã thông qua một khoản ngân sách 14 triệu USD để duy trì cuộc lùng tìm, dự kiến sẽ kéo dài thêm một năm nữa. |
Bình luận (0)