Vì sao Nga không muốn cùng Mỹ lập trạm không gian trên mặt trăng?

Khánh An
Khánh An
13/10/2020 15:00 GMT+7

Nga có thể không tham gia lập trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng với Mỹ vì cho rằng trạm “lấy Mỹ làm trung tâm quá mức”.

Tờ The Moscow Times ngày 13.10 dẫn lời một quan chức Nga cho hay nước này có thể không tham gia kế hoạch lập trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng của Mỹ, đánh dấu khả năng chấm dứt sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 bên trên Trạm không gian quốc tế (ISS) suốt 2 thập niên.
ISS là trạm không gian trên quỹ đạo tầm thấp của trái đất, trong khi trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng, có tên là Gateway, là dự án tham vọng của Mỹ nhằm tạo bước đệm khám phá mặt trăng và xa hơn là sao Hỏa.
Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cho rằng trạm Gateway “lấy Mỹ làm trung tâm quá mức”, nên Nga “có khả năng không tham gia quy mô lớn”.
Phát biểu trực tuyến tại Đại hội Vũ trụ quốc tế (IAC) lần thứ 71, ông Rogozin mô tả trạm ISS là “một dự án quốc tế thực sự”, trong khi Nga có thể sẽ không tham gia trạm Gateway.
Trạm ISS được đưa lên năm 1998 và có các phi hành gia ở lại thời gian dài đầu tiên từ ngày 2.11.200. Dự án có sự tham gia của Nga, Mỹ, châu Âu, Canada và Nhật Bản.
Roscosmos và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cùng chung tay vận hành ISS, và các phi hành gia Mỹ từng sử dụng tên lửa Nga để lên trạm kể từ năm 2011. Tuy nhiên, ISS có thể sẽ hết thời hạn sử dụng vào năm 2030, và NASA đơn phương tiến hành chương trình thám hiểm mặt trăng mà không tham vấn trước với Nga và các đối tác khác.
Gateway được công bố dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong kế hoạch đưa người Mỹ trở lại mặt trăng vào năm 2024, lần đầu tiên kể từ năm 1972, dưới chương trình Artemis.

Mỹ soạn thảo hiệp ước khai thác Mặt trăng

NASA khẳng định dự án mang tính hợp tác quốc tế và đang muốn các nước khác tham gia, sau khi Canada, Nhật và Ý ký các thỏa thuận. Trong bài phát biểu, ông Rogozin để ngỏ khả năng về một số hợp tác trong tương lai.
Ông cho hay Nga ủng hộ “tiêu chuẩn hóa các giao thức” để các tàu vũ trụ Nga có thể ghé trạm. “Một chuyến bay đến mặt trăng luôn có nguy cơ cao. Đó là lý do vì sao chúng ta cần ít nhất 2 hệ thống vận chuyển”, ông phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.