Viễn cảnh đào hầm biến mặt trăng thành thuộc địa

13/05/2019 09:31 GMT+7

Trong hội nghị ở Ý, các chuyên gia trên toàn thế giới đã thảo luận về khả năng đào các đường hầm để thỏa mãn tham vọng chiếm cứ mặt trăng của con người trong tương lai.

Tại Đại hội Đường hầm thế giới 2019 được tổ chức từ ngày 3 - 9.5 tại Naples (Ý), các chuyên gia từ khắp nơi trên địa cầu đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết các thách thức, mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan không gian khác đang phải đối mặt, trong nỗ lực biến mặt trăng thành căn cứ tương lai.
[VIDEO] Tỉ phú Jeff Bezos tiết lộ kế hoạch thám hiểm mặt trăng trong năm 2024

Định cư trong lòng đất ở mặt trăng

Trên thực tế, bề mặt vệ tinh tự nhiên của mặt trăng không phải là nơi lý tưởng để con người định cư. Bên cạnh các mối đe dọa thường trực từ thiên thạch, các phi hành gia sống ở đây phải hứng chịu bức xạ vũ trụ liên tục. Để bảo vệ họ, giới chuyên gia cho rằng cần phải đưa các cỗ máy đào đất lên mặt trăng, nạo vét và tạo ra những đường hầm phục vụ cho việc định cư trong lòng đất.
“Cứ thử tưởng tượng một hòn đá cỡ nắm tay lao đến với tốc độ từ 10 - 12 km/giây, nó có thể tông trúng bất kỳ thứ gì trên bề mặt chị Hằng và phá hủy ngay mục tiêu”, theo chuyên trang Tech Times dẫn lời ông Jamal Rostami, Giám đốc Viện Cơ khí địa cầu của Trường Khai khoáng Colorado (Mỹ). Và ông cho rằng trong mỗi kế hoạch thiết lập nên môi trường sống của con người trên mặt trăng, nhất thiết phải bao gồm hạng mục đào hầm, trước khi tạo nên cấu trúc và bao phủ nó bằng đất đá khai thác tại chỗ.
[VIDEO] Nhật Bản sẽ đưa thiết bị dò tìm nước lên Mặt Trăng

1.000 người trên không gian năm 2050

Nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ Mỹ United Launch Alliance dự đoán sẽ có khoảng 1.000 người sống trên không gian vào năm 2050, với một số sẽ ở trên quỹ đạo xung quanh hoặc trên bề mặt mặt trăng. Mỹ và các cơ quan khác, bao gồm Trung Quốc, bày tỏ mong muốn tạo nên một căn cứ tại đây. Vì thế, các cỗ máy đào đất có thể đảm đương thêm nhiệm vụ quan trọng là tìm kiếm các khoáng sản quý giá trên bề mặt mặt trăng. “Mục tiêu đầu tiên là nước”, Giám đốc Rostami chỉ ra.
“Chúng ta biết được có nước dưới dạng băng tại lưỡng cực, nơi nhiệt độ có thể xuống thấp đến -190 độ C”, theo ông Rostami. Hiện đã có một số kế hoạch khai thác nước trên mặt trăng, chẳng hạn làm bay hơi hoặc để băng tự tan, nhằm phục vụ cho nhu cầu hoạt động của các phi hành gia trong nỗ lực thám hiểm các khu vực xa xôi của vũ trụ, để một ngày nào đó nhân loại có thể thiết lập thuộc địa tại những nơi khác.
Sắp tới, NASA muốn xây dựng trạm Gateway trên quỹ đạo mặt trăng, cho phép các nhà khoa học thám hiểm chị Hằng, trước khi thay thế Trạm không gian quốc tế trong vòng vài năm nữa.
[VIDEO] Cách nào tiện lợi nhất để xây nhà trên sao Hỏa?
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 3 kêu gọi NASA hãy sử dụng “bất kỳ biện pháp nào” để đưa phi hành gia nước này lên trạm không gian xung quanh mặt trăng, trước khi “chiếm cứ” cực Nam của vệ tinh tự nhiên của trái đất vào năm 2024.
Theo trang Tech Crunch dẫn kết quả nghiên cứu, phải có hơn 450 triệu tấn băng tại hai cực, và Mỹ muốn kiểm soát một cực để khai thác băng và biến chúng thành nhiên liệu cho tên lửa đẩy, phục vụ cho những chuyến thám hiểm xa hơn.
[VIDEO] Tên lửa hình dáng lạ thêm một lần phóng - hạ thành công
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.