Vì sao ngành công nghệ Trung Quốc 'hạ nhiệt'?

Thu Thảo
Thu Thảo
14/11/2018 15:17 GMT+7

Tại Trung Quốc, khởi nghiệp công nghệ từng là xu hướng hot hồi năm 2015 song giờ đây, kỳ vọng và ước mơ của nhiều doanh nhân công nghệ có vẻ xa rời thực tế.

Wang Miaoyi có căn hộ một phòng ngủ nhỏ với đầy tạp chí game và hộp tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Nhà phát triển game 30 tuổi là một trong những người lớn lên giữa thời bùng nổ công nghệ Trung Quốc. Wang học tại một trong các trường đại học hàng đầu nước này, và doanh nghiệp của cô có game thắng giải được đăng trên nền tảng game PC Steam. Hiện tham vọng của Wang cùng nhiều người khác làm công nghệ Đại lục vướng một loạt chướng ngại.
[VIDEO] Vì sao giới công nghệ Trung Quốc lao đao?
“Năm 2015, khởi nghiệp phổ biến. Nhiều bạn trẻ thành lập công ty nhỏ như phát triển trò chơi và mơ ước về ngày kiếm nhiều tiền, được tự do. Bây giờ họ nhận ra rằng chuyện đó không thực tế”, Wang chia sẻ, cho biết thêm hiện cô đã từ bỏ hy vọng phát hành game trên các nền tảng mới ở Trung Quốc, đóng studio lúc đầu mở để phát triển game. Cô cũng chuyển từ trung tâm công nghệ Zhongguancun ở Bắc Kinh sang vùng ngoại ô rẻ hơn để giảm chi phí.
Wang không phải người duy nhất phải làm thế. Khi phỏng vấn hàng chục người hiểu rõ về ngành công nghệ, từ nhân viên cho đến các nhà đầu tư, hãng tin Reuters nhận được câu trả lời chung rằng những ngày bùng nổ lợi nhuận dễ dàng giờ đã tan.
Đến cuối năm 2017, ngành công nghệ Trung Quốc vẫn còn tận hưởng nhiều năm phát triển chóng mặt. Các công ty trong đó có Alibaba và Tencent gần như tăng đôi giá trị trong năm 2017. Họ đầu tư lớn, có nỗ lực trị giá hàng tỉ USD để mở rộng quy mô kinh doanh vào mảng đám mây, bán lẻ online và tài chính.
Cô Wang Miaoyi Ảnh: Reuters
Song hiện giờ, thị trường yếu. Số nhân viên thuê tuyển hạ, biên lợi nhuận doanh nghiệp mỏng hơn và cổ phiếu công nghệ thì lao dốc. Từ đầu năm đến nay, gần nửa nghìn tỉ USD vốn hóa các hãng công nghệ hàng đầu Đại lục bị thổi bay. Những tên tuổi lớn nhất ngành vướng không ít lo ngại, trong đó có cả Alibaba, Baidu.
“Đầu tư vào mảng công nghệ chắc chắn đã hạ nhiệt xét theo hầu hết các khía cạnh, chẳng hạn như số lượng thương vụ, quy mô thương vụ và số tiền gọi vốn. Tôi nghĩ rằng năm nay là lần đầu tiên trong 30 năm qua, lòng tham mang đến nỗi sợ hãi”, Zhang Chenhao, đối tác quản lý tại quỹ Prometheus Fund tập trung vào mảng công nghệ, cho hay.
Công nghệ Trung Quốc đối mặt rất nhiều thách thức lớn. Trước hết là kinh tế sụt giảm. Tăng trưởng GDP Trung Quốc quý 3/2018 rơi về mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhân dân tệ mất giá so với USD và thị trường nội địa thì lao dốc mạnh.
Thứ nhì là cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” bằng thuế quan với Mỹ. Mỹ cáo buộc Đại lục ăn cắp công nghệ, cản trở nhiều thương vụ thâu tóm, sáp nhập bằng cách đưa công ty Trung Quốc vào diện theo dõi hoặc danh sách đen.
Căng thẳng thương mại với Mỹ là một trong các yếu tố gây nhiều khó khăn cho ngành công nghệ Trung Quốc Ảnh: Reuters
Cuối cùng là sự kiểm duyệt, kiểm soát ngày càng gắt gao hơn trong nước. Cổ phiếu Tencent giảm hơn 25% năm nay vì lệnh cấm cấp giấy phép trò chơi tạm thời làm ảnh hưởng doanh thu hãng. Tại diễn đàn internet diễn ra hồi tuần trước, giới chức Bắc Kinh ra tín hiệu họ sẽ nỗ lực quản lý các hãng công nghệ lớn trong nước.
Tỉ phú sáng lập Alibaba Jack Ma phát biểu tại sự kiện diễn ra ở Thượng Hải hồi tuần trước: “Những người lo lắng về công nghệ trước hết là người già hơn, thứ nhì là chính phủ và thứ ba là người thành công. Họ ghét và lo lắng về nó”. Năm nay, Alibaba cắt giảm dự báo doanh thu lần đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2014. Trong khi đó, hãng gọi xe Didi Chuxing do SoftBank hậu thuẫn, cũng giảm trợ cấp cho tài xế sau khi bị buộc phải đóng cửa dịch vụ đi chung xe.
Sự lạnh lẽo trong ngành công nghệ còn thể hiện qua số liệu tuyển dụng. Theo thống kê của trang web việc làm Zhaopin.com, nhu cầu việc làm trong mảng IT, internet giảm 51% trong tháng 9 so với cách đây một năm. Nhiều doanh nghiệp giảm tốc độ tuyển dụng các vị trí như bán hàng, phát triển phần mềm và nhân sự. Giám đốc mảng IT Mocca Wang tại hãng tuyển dụng quốc tế Spring Professional chia sẻ: “Nhìn chung họ đang giảm số lượng nhân viên, hoặc không chuẩn bị ngân sách lớn để săn thêm nhân sự”. Spring Professional làm việc với các hãng như Alibaba, Tencent và Baidu.
Đặc biệt các startup nhỏ hơn, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng mảng công nghệ ngày trước, gặp nhiều khó khăn vì tiếp cận tín dụng chặt chẽ hơn. Cô Wang cho hay: “Các hãng này không thể gọi vốn và không thể đầu tư. Họ phá sản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.