Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Nguyễn Thùy An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, gan nhiễm mỡ hay còn gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là tình trạng tích tụ mỡ trong gan không liên quan đến việc tiêu thụ rượu bia. Thông thường, bệnh này gắn liền với béo phì, tiểu đường loại 2 và hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh này, thậm chí không ít người còn chủ quan, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Người có vóc dáng gầy hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường vẫn có thể mắc gan nhiễm mỡ
Ảnh: AI
Theo bác sĩ Thùy An, mặc dù béo phì là yếu tố nguy cơ chính, nhưng người có vóc dáng gầy hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường vẫn có thể mắc gan nhiễm mỡ. Một nghiên cứu trên tạp chí Gastroenterology năm 2019 cho thấy tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ trong số người béo phì là khoảng 50-70%, phần còn lại thuộc về nhóm người gầy. Tại Việt Nam, gần 30 triệu người bị gan nhiễm mỡ, trong đó 30-35% có nguy cơ tiến triển thành xơ gan. Hiện chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ người gầy mắc bệnh, nhưng thực tế lâm sàng cho thấy đây là một tình trạng không hiếm gặp.
Vì sao người gầy vẫn bị gan nhiễm mỡ?
Các nguyên nhân chính gây gan nhiễm mỡ ở người gầy?
Mỡ nội tạng là loại mỡ tích tụ xung quanh gan, lòng mạch và ruột. Không giống như mỡ dưới da, mỡ nội tạng dễ gây ra các bệnh chuyển hóa, kể cả ở người có vóc dáng gầy. Bình thường, gan chuyển hóa đường thành năng lượng. Nếu cơ thể thiếu đường (do ăn uống không đầy đủ hoặc giảm cân quá mức), gan buộc phải sử dụng mỡ thay thế. Lượng mỡ dồn về gan lâu ngày sẽ gây tích tụ và hình thành bệnh.
Di truyền và rối loạn chuyển hóa: Một số người có gien di truyền khiến họ dễ bị rối loạn chuyển hóa mỡ, làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Tiểu đường và đề kháng insulin: Đường huyết cao làm gan dễ bị tích mỡ, ngay cả ở những người không thừa cân.
Chế độ ăn uống thiếu cân đối: Tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa, đường, thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng tích tụ mỡ trong gan, dù không gây tăng cân đáng kể.
Ăn chay không khoa học hoặc kiêng khem quá mức khiến cơ thể thiếu dưỡng chất cần thiết, gây mất cân bằng trong chuyển hóa mỡ.
Thiếu vận động: Người gầy nhưng ít vận động cũng có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa chất béo, dẫn đến gan nhiễm mỡ. Tác dụng phụ của thuốc và các yếu tố khác.
Một số loại thuốc như corticosteroid, tamoxifen, dẫn xuất amiodarone có thể làm tăng tích tụ mỡ trong gan. Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu dù không béo vẫn có thể khiến gan bị tổn thương và tích tụ mỡ.
Ăn chay không khoa học cũng có thể gây mất cân bằng trong chuyển hóa mỡ
ẢNH MINH HỌA: AI
Triệu chứng và cách chẩn đoán?
Gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Một số trường hợp có thể gặp như mệt mỏi kéo dài, cảm giác nặng nề, khó chịu ở vùng bụng trên bên phải; xét nghiệm máu có thể có men gan tăng; siêu âm, chụp CT hoặc sinh thiết gan có thể phát hiện mỡ tích tụ.
Nếu không kiểm soát, gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), gây xơ gan, suy gan, thậm chí ung thư gan.
Cách phòng ngừa và điều trị?
Dù bạn có vóc dáng gầy hay không, để bảo vệ gan, bạn cần:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein.
- Hạn chế đường, thực phẩm chế biến sẵn, dầu mỡ động vật, đồ uống có cồn.
- Tăng cường vận động: Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, duy trì thói quen vận động để hỗ trợ chuyển hóa mỡ hiệu quả hơn.
- Kiểm soát bệnh lý nền: Nếu bạn có tiểu đường, rối loạn lipid máu, huyết áp cao, hãy kiểm soát chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh các yếu tố nguy cơ: Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
- Cẩn trọng khi sử dụng thuốc có thể gây hại cho gan, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm đối với người bình thường và ít nhất 2 lần đối với người có bệnh nền để kiểm soát tình trạng sức khỏe một cách toàn diện. Đối với người bệnh đã ghi nhận có các bệnh nền cần theo dõi nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo tình trạng bệnh được kiểm soát ở mức an toàn.
"Gan nhiễm mỡ không chỉ là bệnh của người thừa cân. Người gầy, nếu có lối sống thiếu lành mạnh hoặc bị rối loạn chuyển hóa, cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Hiểu rõ nguyên nhân và điều chỉnh lối sống hợp lý sẽ giúp bạn phòng tránh và bảo vệ sức khỏe gan hiệu quả", bác sĩ Thùy An chia sẻ.
Bình luận (0)