Vì sao người Mỹ cho rằng Trung Quốc gian lận thương mại?

13/07/2016 21:24 GMT+7

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói người Trung Quốc gian lận và thao túng thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump đúng khi nói Bắc Kinh chơi chưa đẹp trong chuyện này.

Theo CNN, tỉ phú Donald Trump từng nói rõ rằng nếu ông trở thành tổng thống, Mỹ sẽ không còn chịu thiệt nhiều trước Trung Quốc. Để làm được điều này, ông cho hay sẽ áp thuế 45% đối với hàng hóa Đại lục nhập khẩu vào Mỹ.
Như ứng viên đảng Cộng hòa thường nói, hiện có sự mất cân bằng lớn trong thương mại Mỹ - Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ mua gần 500 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Ngược lại, họ chỉ bán đi số hàng hóa, dịch vụ có tổng trị giá 165 tỉ USD cho người Hoa.
Nhiều chuyên gia cho hay ông Trump nói đúng khi nhận định Trung Quốc không chơi đúng luật trong thương mại. Dù vậy, họ cũng cảnh báo chính sách thuế “khủng” của ông sẽ là sai lầm, vì động thái này có thể châm ngòi cuộc chiến thương mại vốn không giải quyết được nhiều vấn đề hệ trọng.
Có danh sách dài về những gì Trung Quốc chơi theo cách của riêng họ, nhưng vấn đề số một là nhiều doanh nghiệp Đại lục lấy bí mật kinh doanh và công nghệ của Mỹ. Trung Quốc không muốn mãi mãi là nhà sản xuất giày và quần áo rẻ. Họ muốn đi lên, đối mặt với Mỹ trong nền kinh tế công nghệ cao. Họ làm mọi thứ để bắt kịp Mỹ.
“Trung Quốc đang cố gắng bằng bất cứ cách nào có thể để có được khoa học công nghệ tiên tiến. Họ sẽ mua nếu họ có khả năng. Họ sẽ ép buộc các công ty Mỹ… sau đó có hành vi lấy trộm”, học giả Derek Scissors tại American Enterprise Institute nói.

tin liên quan

Mỹ sẽ ngăn cản thương vụ thâu tóm lớn nhất từ Trung Quốc?

Hãng sản xuất chip quốc doanh lớn nhất Trung Quốc Tsinghua Unigroup vừa ngã giá 23 tỉ USD để mua lại hãng chip Mỹ Micron. Song Mỹ rất có thể từ chối lời đề nghị dự kiến sẽ là thương vụ thâu tóm công ty Mỹ lớn nhất của một doanh nghiệp Trung Quốc.

Làm cách nào để mang việc làm từ Trung Quốc về Mỹ?
Mỗi năm, doanh nghiệp Đại lục lấy bất hợp pháp trên 200 tỉ USD bí mật kinh doanh từ người Mỹ, còn gọi là sở hữu trí tuệ, theo báo cáo công bố năm 2013. Trung Quốc cố gắng sao chép phim ảnh, thiết bị điện tử, phần mềm và “chế tạo” chúng với giá rẻ hơn.
Hơn 2 triệu việc làm sẽ trở về nước Mỹ nếu Trung Quốc có nhiều luật bảo vệ bí mật kinh doanh như Mỹ, báo cáo của ủy ban chuyên trách bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ kết luận. Trung Quốc đã và đang là câu chuyện quan trọng trong chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton.
“Nếu Trung Quốc không dừng các hoạt động bất hợp pháp của họ, bao gồm hành vi trộm cắp bí mật thương mại Mỹ, tôi sẽ dùng mọi quyền tổng thống hợp pháp để khắc phục tranh chấp thương mại, bao gồm cả việc áp thuế”, ông Trump nói hồi cuối tháng 6. Bà Clinton thì cho hay sẽ đáp trả lại các hành vi bất hợp pháp của Đại lục.
Thêm nhiều phương diện Trung Quốc chưa chơi công bằng
Tàu chở hàng Trung Quốc Shutterstock
Chính phủ Trung Quốc đã và đang có tiếng về việc thay đổi luật lệ bất chợt và dành nhiều ưu tiên cho doanh nghiệp nội. Quốc gia Đông Á không hề giấu diếm ý định thống trị một số ngành công nghiệp nhất định. Đơn cử, họ thường xuyên bị cáo buộc bán phá giá thép trên thị trường thế giới. Đại lục phủ nhận cáo buộc này, nhưng các nhà sản xuất thép Mỹ và châu Âu thì cho hay hành động trên nhằm không để họ có cơ hội làm ăn.
Bắc Kinh cũng trợ cấp lớn cho một số ngành công nghiệp và đây là điều đi ngược với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sân chơi quốc tế mà Trung Quốc gia nhập từ năm 2001. Báo cáo từ Technology and Innovation Foundation, một viện chính sách Mỹ, liệt kê chi tiết kế hoạch bơm 100 tỉ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn của Đại lục và hạn chế nhập khẩu từ Mỹ. Giới doanh nghiệp ngoại làm đúng luật không thể cạnh tranh với cách can thiệp như trên từ chính phủ.
Ngoài ra, các hãng nước ngoài như Google, Apple đang muốn hoạt động trên đất Trung Quốc đều bị kiểm duyệt nặng nề. Vừa qua, Đại lục cho đóng Apple iBooks và iTunes Movies với ít lời giải thích.
Tiền tệ rẻ
Nhiều nước cho rằng Trung Quốc cố tình giữ nội tệ của họ là nhân dân tệ ở mức rất thấp. Điều này giúp hàng hóa Đại lục trông rẻ hơn với khách mua ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và mọi nơi khác. Cả ông Trump và bà Clinton đều muốn chính thức dán mác Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”.
Đây là khía cạnh mà Trung Quốc đã và đang cho thấy nhiều dấu hiệu của sự thay đổi. Hai năm qua, nước này thực sự có nâng giá trị nội tệ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn đánh giá rằng nhân dân tệ “không còn bị định giá thấp”. Tuy nhiên, vấn đề trên vẫn có thể dễ dàng quay lại. Hậu Brexit, tức nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nhân dân tệ vừa giảm giá.

tin liên quan

Đồng nhân dân tệ không còn bị định giá thấp
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa bác bỏ nhận định cho rằng đồng nhân dân tệ (RMB) bị định giá thấp, tăng cường khả năng đồng tiền Trung Quốc có thể được đưa vào rổ tiền dự trữ quốc tế của IMF.
Mỹ có thể làm gì?
Nhiều chuyên gia chia sẻ với hãng tin CNN rằng giải pháp thuế quan của ông Trump là quá cực đoan. Nó giống như chuyện cố đóng đinh bằng chiếc xe tải 18 bánh.
“Hàng rào thuế quan không hợp lý. Nó trừng phạt cả các doanh nghiệp Trung Quốc không gian lận”, nhà tư vấn có thâm niên Scissors, người nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Đại lục, cho hay.
Thuế suất cũng khiến rất nhiều thứ đắt đỏ hơn tầm với của người nghèo và tầng lớp trung lưu Mỹ. Một gia đình Mỹ trung bình sẽ phải trả thêm từ 800 USD đến 2.200 USD nếu chính sách của ông Trump có hiệu lực, theo giới chuyên gia kinh tế.
Thay vì áp thuế “khủng”, chủ tịch Information Technology and Innovation Foundation, ông Robert Atkinson, cho hay tổng thống Mỹ tiếp theo nên bắt đầu với một số chiến thuật, chẳng hạn như: ngừng cho phép Trung Quốc đầu tư vào Mỹ nếu nước này không tạo thêm điều kiện để doanh nghiệp Mỹ làm ăn trên đất Trung Quốc, từ chối cho Trung Quốc truy cập vào hệ thống ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán Mỹ, áp đặt lệnh trừng phạt vào các doanh nghiệp đã đánh cắp công nghệ từ Mỹ, liên minh với Nhật Bản và châu Âu để hành động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.