Daria Kuss, phó giáo sư tâm lý học Đại học Nottingham Trent (Anh), cho rằng muốn được thấy, hiểu và thừa nhận là điều bình thường.
Chúng ta đều mong được khen thưởng, công nhận rằng đã hoàn thành tốt việc gì đó ở mọi lứa tuổi hay giai đoạn trong đời. Nhưng trông chờ những thứ này trên mạng xã hội thì không phải điều lành mạnh.
Nhà trị liệu tâm lý Marline Francois-Madden (tại Mỹ) nói với Vice: “Nếu bạn đang cảm thấy bị mắc kẹt trong chu kỳ ám ảnh về lượt like trên mạng xã hội và không thể tìm ra lý do tại sao khó dừng việc đăng bài, thì đây là một số điều có thể xảy ra”:
1. Bộ não đã được huấn luyện để yêu thích lượt “like”
Phó giáo sư Daria Kuss giải thích, nhận được thả tim hoặc bình luận tâng bốc sẽ kích hoạt trung tâm khen thưởng của não bộ, khơi gợi niềm hạnh phúc. Theo thời gian, não liên kết các thông báo trên mạng xã hội với trải nghiệm thú vị, rồi bạn tích cực tìm kiếm lại cảm giác đó và tạo ra một vòng lặp: post bài, chờ phản ứng, khen thưởng, lặp lại.
2. Post quá dễ dàng và được công nhận ngay lập tức
So với việc tốn hàng tháng để hoàn thành nhiệm vụ và nhận lời khen ngợi từ sếp, việc đăng ảnh tự sướng (selfie) và đếm like tốn ít thời gian hơn mà cũng chẳng cần làm việc chăm chỉ để được thưởng.
|
Mặt khác, như Serapio-García, nghiên cứu sinh tại Đại học Cambridge (Anh), chia sẻ trên Vice, khen ngợi trực tuyến rất dễ xuất hiện, khiến bạn coi trọng số lượng hơn chất lượng. Khi một người khen bạn trực tiếp, bạn có thể so sánh nó với tương tác của hàng trăm nghìn cư dân mạng và cảm thấy online như thế có giá trị hơn.
Đồng thời, bạn có thể bỏ lỡ niềm vui kỷ niệm các cột mốc quan trọng với những người thân thiết nhất trong đời sống thật. Đơn giản vì có gì bạn cũng post ngay, chia sẻ với cộng đồng mạng trước khi thông báo chung vui cùng bạn bè hoặc gia đình, để nhận được lượng phản hồi lớn biểu thị sự công nhận thành tựu của bạn ngay lập tức.
3. Bạn đang cố gắng xác định bản thân và chứng minh mình có giá trị
Francois-Madden cho rằng, nếu đăng bài lên mạng xã hội nhằm tìm kiếm sự chú ý, có thể bạn đang vật lộn với vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn như nhu cầu được chấp thuận, nỗi sợ bị từ chối hoặc đánh giá về giá trị bản thân và tự tin thấp.
4. Muốn trưng ra phiên bản cuộc sống mà bạn muốn
Đôi khi, chúng ta tìm kiếm quá nhiều xác nhận từ bên ngoài để che đi nỗi sợ bị mọi người từ chối. Chẳng hạn như khi cặp đôi cãi nhau, một trong hai người đăng ảnh vợ chồng hạnh phúc để che giấu cảm xúc tổn thương, để thấy được công nhận online thay vì thực tế phũ phàng. Francois-Madden giải thích: “Nếu cảm thấy không ổn, họ lên mạng xã hội và đăng bài, sắp xếp một cuộc sống hoặc câu chuyện mà họ muốn bạn tin vì điều đó khiến họ cảm thấy thoải mái”.
Francois-Madden khuyên chúng ta nên đợi 1 giờ sau khi đăng bài để kiểm tra tương tác hoặc tạm dừng theo dõi để bớt tìm kiếm sự công nhận bản thân thông qua mạng xã hội, theo Vice.
Bình luận