Việc nhậu đối với giới trẻ hiện nay gần như là một xu hướng trong những dịp gặp gỡ |
THƯỢNG HẢI |
Nhiều lý do để nhậu
Thường đi đến các quán nhậu khoảng tầm 1 - 2 tuần/lần, T.H.P, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay đây là dịp rất tốt để giải quyết nỗi lòng.
“Mình hay đi đến các quán vào những lúc tâm trạng buồn, có tâm sự cần chia sẻ hoặc có dịp vui như gặp gỡ bạn bè, giao lưu hoạt động nào đó thì cũng chính là lý do để mình đến các quán nhậu”, T.H.P chia sẻ.
Cũng thường đi đến những hàng quán nhậu những dịp rảnh rỗi, N.T.T.T (21 tuổi), ngụ tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cho hay: “Thỉnh thoảng 1-2 tuần mình và bạn sẽ rủ nhau đi, còn một số dịp đặc biệt khác nếu có nhiều thời gian rảnh mình sẽ đi nhiều hơn, cũng có những lúc đi tương đối nhiều. Thường mình sẽ đi vào buổi tối, vì ban ngày vẫn đi học và đi làm thêm, nên buổi tối mình sẽ có nhiều thời gian rảnh và thoải mái hơn”.
Không gian thoải mái, món ăn ngon và cơ hội dễ tỏ bày... là những nguyên nhân người trẻ chuộng các quán nhậu |
THƯỢNG HẢI |
Xem việc đi nhậu là đam mê, N.T.C.L, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết tần suất đi “đu đưa” của bản thân khá thường xuyên, khoảng 2-3 lần/tuần với lý do để gặp gỡ và nói chuyện cùng bạn bè.
“Bản thân mình thấy hiện nay người trẻ đi nhậu khá nhiều, vì cứ mỗi đêm ở quanh nơi mình ở thì chỗ mà nhiều người đến nhất chỉ là quán nhậu”, N.T.C.L cho biết.
Các quán nhậu hiện nay có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhiều người trẻ khi đánh vào sự tiện lợi và tâm lý vui chơi, từ việc có chỗ ngồi thoải mái để nói chuyện rôm rả cho đến những thực đơn đa dạng với các món nướng, lẩu… mà giá cả lại khá bình dân, phù hợp với túi tiền của giới trẻ.
“Nhậu ngoài quán sẽ tiện lợi vì không phải tốn thời gian chuẩn bị các món nhậu cũng như nhậu xong là về, đỡ phải dọn dẹp. Ngoài ra, một phần do tâm trạng, như áp lực công việc, học hành, thi cử hay bất kỳ lý do nào muốn giải toả tâm lý thì người trẻ sẽ thường tìm đến những quán nhậu để trò chuyện cùng nhau vì ‘rượu vào lời ra’ và nhiều người muốn khẳng định bản thân mình có khả năng nhậu giỏi để thể hiện với người khác”, H.P nói.
Đồng quan điểm, T.T cũng cho biết nếu muốn có lý do để đi thì người trẻ có rất nhiều, như muốn tụ tập bạn bè để tâm sự, giải tỏa với nhau sau những ngày căng thẳng, cũng có lúc đi vì một dịp sinh nhật hay ăn mừng trong học tập, công việc...
Không phải cứ nhậu là xấu
T.T cũng bộc bạch thêm: “Theo mình, việc đi nhậu cũng không có gì là xấu. Giống như bản thân mình thường đi để giải tỏa căng thẳng, tâm sự của bản thân vì chủ yếu khi đến những nơi này thì bản thân không phải gò bó, khá thoải mái và dễ nói ra những điều trong lòng mà bình thường khó nói. Mỗi lúc như vậy, mình cảm thấy bản thân không còn bị dồn nén và có thể là cảm xúc vui hoặc buồn nhưng được thoải mái với cảm xúc thật của bản thân”.
Giải thích về thực trạng người trẻ thích tìm đến các quán nhậu, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thế Huy, giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng khi nhìn nhận dưới góc nhìn tâm lý học có thể thấy đó là nhu cầu được giao tiếp, kết nối và chia sẻ trong giới trẻ ngày càng nhiều.
Ngày nay việc nhậu đối với nhiều người trẻ là một cơ hội để giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống |
THƯỢNG HẢI |
“Thông qua các buổi nhậu đa phần các bạn trẻ sẽ cảm nhận được sự vui vẻ, nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Đây là kết quả có được sau sự giãi bày, tâm sự và chia sẻ những vấn đề, những khó khăn của nhau trong cuộc sống mà thường khi tỉnh táo rất khó để nói ra và trên bàn nhậu, khi đã ngà ngà say thì các bạn cũng sẽ ít bị phán xét hơn những thời điểm khác", thạc sĩ Huy chia sẻ và cho rằng lý do tìm đến quán nhậu như các bạn trẻ chia sẻ tuy chưa chính đáng nhưng phần nào có thể thông cảm được.
Cũng theo thạc sĩ Huy, thực tế không phải đơn thuần chỉ vì muốn tâm sự mà người trẻ mới hẹn nhau ra quán nhậu. Vì còn rất nhiều những vấn đề khác như là cơ hội kết nối, giao lưu, học hỏi và thậm chí giải quyết công việc. Vì vậy, việc địa điểm không quyết định chuyện đến hay không đến của người trẻ mà mục đích của buổi nhậu mới là nguyên nhân chính thôi thúc giới trẻ tìm đến nhau.
“Nhu cầu được giao tiếp, kết nối và chia sẻ là không thể thiếu trong đời sống của mỗi người. Việc mượn rượu giải sầu, tụ tập với bạn bè nhậu cùng nhau đến say khướt mỗi đêm cũng phần nào phản ánh sự cô đơn của người trẻ trong xã hội ngày nay. Người trẻ rồi cũng sẽ trưởng thành, cũng sẽ trở thành người lớn nhưng quá trình đó thường rất khó khăn và vô cùng áp lực, chính vì thế, thay vì chỉ trích, phán xét hay lên án, chúng ta cần phải thể hiện sự quan tâm và chia sẻ với các bạn ấy nhiều hơn”, thạc sĩ Huy bày tỏ.
Tuy nhiên, thạc sĩ Thế Huy cũng nhìn nhận người trẻ ngày nay đã biết điều tiết cường độ sao cho phù hợp với tính mục đích của buổi nhậu và biết điểm dừng hợp lý để có thể vừa vui mà lại giữ được an toàn cho bản thân và mọi người.
Bình luận (0)