Vì sao nhà trường cần dạy lao động và trung thực cho học sinh?

27/02/2023 09:23 GMT+7

Bây giờ, học sinh ngoài giờ học chính chỉ biết bù đầu vào học thêm. Lên lớp thì chưa biết cầm chổi quét lớp, cũng chẳng biết trực nhật là gì. Tất cả những 'lao động bất tiện' ấy đã được giải quyết bằng cách thuê người làm thay. Tại sao lại có lối giáo dục kỳ lạ như vậy?

Tôi đã đọc đâu đó một câu nhận xét thế này về người Phần Lan: "Người Phần Lan đánh giá cao sự thẳng thắn hơn là mồm miệng giỏi". Thật ra bây giờ, trên thương trường, "mồm miệng giỏi" cũng là một lợi thế, có khi là lợi thế quan trọng.

Thế nhưng từ đại dịch Covid-19 có thể thấy ngay câu chuyện "mồm miệng giỏi" không qua mặt được con virus corona chủng mới vì… nó không nói dối. Nó bóc trần tất cả, tàn phá tất cả, và không có bất cứ tiêu chí đạo đức hay phi đạo đức nào.

Nhưng chính vì thế, những người trung thực, sống vì người khác đã và sẽ hiện ra rõ ràng, chân thật khi đối mặt với dịch bệnh. Virus trong trường hợp này là thuốc thử, dù là thứ thuốc thử vô cùng khắc nghiệt.

Với Covid-19 thì không thể "mồm miệng đỡ chân tay", không thể nói dối. Những bác sĩ, y tá, hộ lý và những chiến sĩ tham gia dập dịch là những người dám đối mặt, đủ dũng cảm để không sợ hãi một kẻ thù giấu mặt nguy hiểm, và họ là những người sống thực, nói thực, nhất là khi kể về mình, về những thành tích của mình. Họ không giấu những việc họ làm được, nhưng không nói quá lên, không vẩy trang kim lấp lánh lên trên câu chuyện của mình.

Tôi đã sống, tới nay cũng 77 năm rồi. Thời thơ ấu thì chưa biết lý luận gì về tính trung thực, nhưng mình đã không quen nói dối, dù nhiều khi nói dối cũng tránh được một số bất tiện như bị ăn đòn chẳng hạn.

Lớn lên, tôi được học trong một môi trường giáo dục khuyến khích lòng ham mê lao động, và kèm theo, là tính trung thực. Người lao động lương thiện thường là người thật thà. Họ không "chém gió" theo kiểu nói bây giờ. Tôi lớn lên trong môi trường đó, và lao động (chân tay) đối với tôi không chỉ là một nghĩa vụ, mà còn là một niềm vui.

Dạy lao động và trung thực - Ảnh 1.

Cần ưu tiên giáo dục về lao động và trung thực cho học sinh (ảnh minh họa)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngày học cấp 1 ở trường học sinh miền Nam, đám trẻ chúng tôi rất vui khi lao động, khi thi đua với nhau xem ai gánh được nhiều bó lúa hơn mỗi dịp về nông thôn giúp dân trong vụ thu hoạch. Ngày ấy, lao động thực sự là một niềm vui. Vậy thì, sự trung thực là sự đương nhiên. Sự thật thà cũng đến tự nhiên với mỗi đứa trẻ.

Bây giờ, học sinh ngoài giờ học chính chỉ biết học thêm, bù đầu vì học thêm. Lên lớp thì chưa biết cầm chổi quét lớp, cũng chẳng biết trực nhật là gì. Tất cả những "lao động bất tiện" ấy đã được giải quyết bằng cách thuê người làm thay. Tại sao lại có lối giáo dục kỳ lạ như vậy?

Hỏi nhiều người quen ở Mỹ thì biết giáo dục nước này đầu tiên là giáo dục lao động, tôi mới vỡ lẽ, chính mình và thế hệ mình ở miền Bắc hồi xưa đó đã được thụ hưởng tư tưởng giáo dục này-giáo dục tình yêu lao động.

Vì sao nhà trường cần dạy lao động và trung thực cho học sinh? - Ảnh 2.

Cần cho học sinh tự làm những việc đơn giản để giáo dục các em về tình yêu lao động

THÚY HẰNG

Bây giờ thì tập gym, tập yoga, tập thiền rất nhiều, nhưng đó không phải là lao động chân tay. Hồi xưa ấy, chúng tôi chỉ tập lao động, chỉ tập quen với lao động trên đồng ruộng của người nông dân, không học thêm học bớt gì cả, vậy mà xem ra, thế hệ chúng tôi hồi ấy, dù rất thiếu thốn, rất cực khổ, nhưng không thiếu người giỏi, thậm chí, có nhiều người tài. Vậy thì sao nhỉ?

Chúng ta cải cách giáo dục liên tục, thay sách giáo khoa liên tục, nhưng những bài học cơ bản làm người lao động thật thà lương thiện thì không thấy dạy cho học sinh. Nếu chỉ "học thêm, học thêm nữa, học thêm mãi" thì cuối cùng, những "bài mẫu" có mang lại kiến thức đích thực cho học sinh hay không? Điều này, cần có điều tra xã hội học cụ thể và trung thực để có câu trả lời chính xác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.