Vì sao nhà xe Thành Bưởi ngang nhiên vi phạm kéo dài?: Không thể để tung hoành bất chấp

12/10/2023 06:03 GMT+7

Nhằm triệt nạn "xe dù,bến cóc" ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, quy định pháp luật hiện hành cấm nhà xe lập bến bãi trái phép, cấm xe hợp đồng hoạt động biến tướng thành xe chạy tuyến cố định.

Thực hiện quy định đó, một công cụ đã được triển khai để quản lý chặt chẽ ô tô tham gia vận tải hành khách, đó là thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị này được gắn trên từng xe khách, kết nối dữ liệu liên thông về Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) và được phân cấp đến từng Sở GTVT tỉnh, thành trực tiếp quản lý. Chính vì vậy, thông tin về hoạt động của xe khách như tốc độ, hành trình, điểm đi - điểm đến… đều nằm trong tầm quản lý của ngành giao thông và các cơ quan liên quan. Vậy thì ai đã để nhà xe Thành Bưởi có thể tung hoành bất chấp trong thời gian dài?

Không thể để tung hoành bất chấp - Ảnh 1.

Bất chấp quy định pháp luật, bãi xe “lậu” của nhà xe Thành Bưởi vẫn hoạt động ở địa bàn P.An Phú, TP.Thủ Đức

TRẦN DUY KHÁNH


6 LẦN BÁO CÁO VI PHẠM VẪN KHÔNG GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ

Tại TP.HCM, việc quản lý địa bàn và các vấn đề liên quan đối với bến xe "lậu", được phân cấp về cho UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm. Như Thanh Niên đã điều tra, chỉ tính ở địa bàn TP.Thủ Đức, nhà xe Thành Bưởi đã ngang nhiên lập nhiều bến "lậu", hoạt động bất chấp, xem thường pháp luật. Nhưng vấn đề không chỉ từ hành vi của phía Thành Bưởi mà mấu chốt còn là trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương cũng như việc vào cuộc giải quyết triệt để của cấp có thẩm quyền đối với các vi phạm.

Căn cứ vào nội dung báo cáo bằng văn bản của UBND P.An Phú (TP.Thủ Đức), có thể khẳng định công tác quản lý nhà nước của cấp có thẩm quyền được giao đối với trường hợp nhà xe Thành Bưởi là "có vấn đề". Cụ thể, ngày 11.10, UBND P.An Phú có báo cáo lên cấp trên (UBND TP.Thủ Đức) để tiếp tục kiến nghị xử lý bến xe "lậu" của Thành Bưởi, vì việc xử lý này vượt quá thẩm quyền của cấp phường.

Theo báo cáo của UBND P.An Phú, ngày 10.10, UBND và Công an P.An Phú tổ chức kiểm tra tại thửa đất số 23, tờ bản đồ số 26, 27 (đường trục chính, KP.3) thì phát hiện 7 xe (nhãn hiệu Thành Bưởi) biển số 50F-054.13, 50F-042.56, 50E-252.88, 51B-060.28, 50F-042.16, 51B-278.97, 50F-053.99. Trong đó, tổ công tác ghi nhận xe khách giường nằm 50F-053.99 (34 chỗ) có 34 hành khách trên xe và ghi nhận có hợp đồng vận chuyển hành khách.

Đồng thời, tổ công tác ghi nhận tại thửa đất nói trên có các công trình tạm (khung sắt, bạt kéo có lắp bánh xe) và thùng container sử dụng làm nhà vệ sinh… Xác định đây là công trình vi phạm, UBND P.An Phú đề nghị Công ty TNHH Thành Bưởi tháo dỡ và di dời công trình, trả lại hiện trạng ban đầu.

Trước đó trong các tháng 6, 7, 9 và ngày 4, 6.10, UBND P.An Phú đã 5 lần gửi báo cáo liên quan đến hoạt động đón trả khách gây mất an toàn giao thông của bến xe "lậu" nhà xe Thành Bưởi tại 97 Mai Chí Thọ (KP.3, P.An Phú) đến UBND TP.Thủ Đức và đề nghị lập đoàn kiểm tra, xử lý.

Cũng theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Thành Bưởi không còn hoạt động đón trả khách trái phép tại 97 Mai Chí Thọ. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát địa bàn, UBND P.An Phú phát hiện Công ty TNHH Thành Bưởi lén lút hoạt động đón trả khách trái phép tại thửa đất số 23, tờ bản đồ số 26, 27, KP.3 (đường trục chính - Báo Thanh Niên đã phản ánh).

"Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đang phản ánh rất nhiều vi phạm về hoạt động vận tải hành khách của Công ty TNHH Thành Bưởi, trong đó có hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định và thành lập bến bãi không phép trên địa bàn P.An Phú. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND phường kiến nghị UBND TP.Thủ Đức thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra tổng thể hoạt động vận tải hành khách của Công ty TNHH Thành Bưởi trên địa bàn P.An Phú và TP.Thủ Đức. Đề nghị Thanh tra giao thông, Sở GTVT hỗ trợ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động vận tải hành khách của nhà xe nói trên", báo cáo nêu.

Vi phạm của nhà xe Thành Bưởi có tính lặp lại, ngang nhiên lập bến xe "lậu" ngay khu vực trung tâm TP.Thủ Đức nhưng vì sao UBND TP.Thủ Đức không xử lý và công khai kết quả xử lý để lập lại trật tự an toàn giao thông, đô thị, nhất là để cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh?

Không thể để tung hoành bất chấp - Ảnh 2.

Bất chấp quy định pháp luật, bãi xe “lậu” của nhà xe Thành Bưởi vẫn hoạt động ở địa bàn P.An Phú, TP.Thủ Đức

TRẦN DUY KHÁNH

Trách nhiệm quản lý của ai?

Trả lời Thanh Niên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN, nói: "Thông qua dữ liệu truyền về từ thiết bị giám sát hành trình, các Sở GTVT địa phương sẽ nắm được xe đó (xe khách - PV) chạy theo tuyến nào, từ đâu tới đâu, từ tỉnh nào tới tỉnh nào".

Từ câu chuyện Thành Bưởi là xe hợp đồng nhưng trá hình chạy tuyến cố định, cũng như một số nhà xe bỏ bến xe ra ngoài chạy như xe hợp đồng, đại diện Cục Đường bộ VN nói thêm: "Cơ quan quản lý đã nhận thấy những bất cập này và đang xin ý kiến để sửa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo đó, đang xin ý kiến sửa Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ, Thông tư 12 năm 2020 của Bộ GTVT để quản lý chặt chẽ xe kinh doanh vận tải".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định quản lý với xe kinh doanh vận tải đã tương đối chặt chẽ, song việc thực thi, giám sát tại chỗ của địa phương đang còn nhiều bất cập. Về trách nhiệm quản lý, theo đại diện Cục Đường bộ VN, các Sở GTVT địa phương quản lý hoạt động của phương tiện, còn "bến cóc, bến dù" (bến "lậu") thì thẩm quyền quản lý của UBND phường, xã, quận tại địa bàn, hoàn toàn có thể xử phạt. Chính quyền địa phương phải kiểm tra xử lý với các bến trá hình này.

Đừng để "cái sảy nảy cái ung"

Theo số liệu của Cục Đường bộ VN, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 18.800 đơn vị đăng ký kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch với hơn 224.800 xe (chiếm gần 71% tổng số xe khách). Theo khoản 3 điều 7 Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe), chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết…

Đã có những quy định rất cụ thể như trên, nhưng dù đăng ký giấy phép kinh doanh là vận tải hành khách theo hợp đồng, nhà xe Thành Bưởi lại biến tướng trong hoạt động. Thực tế cho thấy hoạt động vận tải hành khách trá hình này gây mất trật tự, an toàn giao thông và không đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách... và một vấn đề mấu chốt là vì sao vi phạm của nhà xe Thành Bưởi chưa bị xử lý triệt để?

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng "một bàn tay không tạo tiếng vỗ", nhà xe Thành Bưởi qua mặt được các cơ quan chức năng trong một thời gian dài thì phải xét trách nhiệm của địa phương, phải kiểm tra liệu có ai đó "bật đèn xanh" hay không.

Luật sư Tú nhấn mạnh: "Trước khi xử lý sai phạm của doanh nghiệp thì cần kiện toàn tổ chức để những sai phạm không dễ gì lọt qua. Mục đích chính là đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, từ đó góp phần đảm bảo về an toàn giao thông đường bộ. Mỗi một khâu, giai đoạn, nhiệm vụ chỉ cần lỏng tay thì "cái sảy nảy cái ung"… (còn tiếp)

Hiệu quả giám sát hành trình tới đâu?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), điều 11 Nghị định 10 nêu rõ đơn vị kinh doanh vận tải phải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải. Hơn nữa xe khách kinh doanh vận tải hành khách phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Đồng thời, Nghị định 47 năm 2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10, có hiệu lực từ 1.9.2022) nhấn mạnh: Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải bảo đảm tối thiểu yêu cầu "thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục CSGT), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng chống buôn lậu.

Từ quy định trên, luật sư Hậu cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát, quản lý từ thiết bị giám sát hành trình, đồng thời thay đổi quy định pháp luật để xử lý tình trạng "nhờn luật" của đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm. Chẳng hạn, thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn trong lần vi phạm đầu tiên, sau đó khắc phục mà vẫn vi phạm thì thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Phan Thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.