Xu hướng bán gạo giá cao, mua gạo nguyên liệu
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 4,7 triệu tấn và kim ngạch trị giá 2,98 tỉ USD. Gạo cũng là mặt hàng có thặng dư thương mại đứng thứ tư trong nhóm ngành nông sản với con số 2,31 tỉ USD. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu gạo lên tới 670 triệu USD, đây là con số tăng rất mạnh so với cùng kỳ những năm trước và gần bằng cả năm 2023 là 860 triệu USD.
VN là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh, đây là điều bất ngờ với nhiều người. Giải thích nghịch lý này, ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro ở TP.HCM chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lương thực, phân tích: Trong những năm gần đây, VN đẩy mạnh thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng hạt gạo nhằm tăng giá trị cho gạo Việt. Theo đó, chuyển dần sang sản xuất các giống gạo thơm, chất lượng cao. Ở nhiều thời điểm, gạo trắng 5% tấm của VN duy trì mức giá cao nhất thế giới. Do đó, chúng ta thiếu hụt một lượng đáng kể gạo nguyên liệu chế biến thực phẩm (bún, bánh phở, hủ tiếu, bột gạo…) và chế biến thức ăn chăn nuôi nên cần phải nhập khẩu. Trong khi diện tích sản xuất có hạn và năng suất sản xuất cũng tới hạn nên việc bán gạo giá trị cao và nhập khẩu gạo nguyên liệu về chế biến là có lợi về mặt kinh tế nên không có gì phải lo.
Một lý do nữa, theo ông Khánh, là doanh nghiệp (DN) không chỉ nhập khẩu gạo cấp thấp từ Ấn Độ mà còn nhập cả lúa gạo chất lượng cao từ nước này và Campuchia, về để xuất khẩu sang nước thứ ba. Do lợi thế vị trí địa lý thuận tiện và uy tín cao trên thị trường quốc tế, VN trở thành thị trường nhập khẩu lúa lớn nhất và thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Campuchia sau Trung Quốc.
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews giải thích thêm nếu một hợp đồng thương mại gạo có khối lượng 10.000 - 20.000 tấn thì DN nhiều nước đủ sức đảm nhận. Nhưng với những hợp đồng từ trên 30.000 tấn đến trên 50.000 tấn thì chỉ có một số ít DN có đủ năng lực thực hiện, trong đó chủ yếu là DN của VN và Thái Lan. "DN ngành gạo VN đang từng bước chuyển dần từ xuất khẩu thông thường để phát triển thành những nhà thương mại gạo quốc tế. Điều này cho thấy sự phát triển lớn mạnh của các DN trong nước cũng như vị thế hạt gạo VN ngày càng gia tăng", bà Hương nhận định.
Lo chăn nuôi teo tóp vì thịt ngoại
Trái ngược với tín hiệu tích cực từ tăng nhập khẩu gạo, thực trạng nhập khẩu thịt heo tăng mạnh trong nửa đầu năm lại đang khiến ngành chăn nuôi trong nước teo tóp, khó khăn hơn.
Theo số liệu, 6 tháng đầu năm nay nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt gần 752 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Giá thịt heo nhập khẩu bình quân chỉ khoảng 56.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt chỉ đạt 82 triệu USD, tăng 20,5%. Có thể thấy, trong khi hàng nhập tăng mạnh thì đầu ra của thịt nội chưa thể tiến mạnh vào thị trường quốc tế, chăn nuôi vẫn phụ thuộc thức ăn nhập khẩu dù giá tăng, cả người nuôi lẫn DN vẫn rất khó khăn.
Thực tế từ nửa năm qua, giá heo hơi cao giúp người chăn nuôi cắt được thua lỗ kéo dài và bắt đầu phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, sức mua không tăng khiến các nhà kinh doanh gặp không ít khó khăn. Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết hiện giá heo hơi tăng cao nhất 2 năm qua khiến chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, sức mua vẫn yếu và giá bán trên thị trường chưa tăng tương ứng nên DN gặp khó khăn, nhất là với Vissan - đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu Vissan chỉ đạt 1.600 tỉ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ và chỉ mới đạt 45% so với kế hoạch đề ra trong năm 2024.
"Ở góc độ DN, chúng tôi phải liên tục nghiên cứu thị trường đưa ra sản phẩm mới và tăng cường các chương trình khuyến mãi để kích cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hợp tác với các công ty du lịch để đưa hàng vào các hoạt động của họ nhằm tăng đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng sức DN cũng chỉ có hạn. Vì thế, ở góc độ quản lý nhà nước, đề nghị các sở ngành tăng cường tổ chức các hoạt động lễ hội, du lịch để kích cầu tiêu dùng. Nếu triển khai được nhiều hoạt động ở nhiều cấp độ khác nhau thì hy vọng sức mua sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm", ông Dũng kiến nghị.
Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh, chia sẻ: Hiện giá heo hơi chỉ còn 63.000 - 64.000 đồng/kg, giảm đáng kể so với lúc đỉnh điểm hồi tháng 5 là 70.000 đồng/kg. Ngoài yếu tố dịch tả heo châu Phi phát triển trở lại ở một số địa phương thì một nguyên nhân quan trọng có thể thấy là nhập khẩu thịt và các sản phẩm dạng thịt gia tăng. Bên cạnh đó cũng không loại trừ yếu tố hàng nhập lậu qua biên giới, khiến người chăn nuôi hết sức lao đao khi đàn heo vừa mới phục hồi. Không chỉ người nuôi heo mà cả ngành gia cầm và gia súc cũng gặp khó khăn.
"Nếu nhập khẩu tiếp tục tăng thì ngành chăn nuôi có thể chìm xuống như năm 2023. Ngành chăn nuôi của VN phục vụ cho thị trường 100 triệu dân, nên nhà nước cần có chính sách phù hợp về hạn ngạch nhập khẩu, hạn chế các loại phụ phẩm dạng thịt và các mặt hàng tạm nhập tái xuất. Chúng ta cứ cho nhập phế - phụ phẩm chăn nuôi với giá bèo như lâu nay khiến ngành chăn nuôi mãi không phát triển được", ông Đoán kiến nghị.
Đại diện những người chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng phân tích hiện nay khâu sản xuất con giống, kỹ thuật và đầu tư hệ thống chuồng trại của VN cơ bản đã bắt kịp với mặt bằng chung của thế giới. Điều khiến giá thành ngành chăn nuôi của VN vẫn còn cao so với mặt bằng chung là do phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Khâu này chiếm tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi của VN. Chính vì vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước cần phải có những chính sách phù hợp về nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần khẩn trương phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu nhằm mở rộng đầu ra cho người chăn nuôi.
Ở VN, ngành điều cũng nhập khẩu nguyên liệu rất lớn về chế biến xuất khẩu để gia tăng giá trị sản phẩm, có lợi cho nền kinh tế. Hay như Hồng Kông, Singapore đâu có sản xuất lúa gạo nhưng vẫn có những DN thương mại gạo lớn có uy tín. Lúa gạo là mặt hàng có tính thời điểm, mùa vụ cao nên việc DN VN phát triển theo hướng thương mại là điều tích cực.
Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro
Bình luận (0)