Vì sao nhiều bệnh nhân vẫn mong muốn chuyển tuyến?

Liên Châu
Liên Châu
04/01/2024 17:41 GMT+7

Mặc dù chuyển tuyến bảo hiểm y tế rất khó nhưng nhiều người bệnh vẫn mong muốn chuyển tuyến.

Theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), các cơ sở khám, chữa bệnh cơ bản được giao nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu. Cơ sở khám, chữa bệnh chuyên sâu được giao nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu cho một số nhóm đặc thù theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Người tham gia bảo hiểm y tế đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, tuyến quận, huyện và tỉnh.

Vì sao nhiều bệnh nhân vẫn mong muốn chuyển tuyến?- Ảnh 1.

Dù đi lại xa xôi nhưng nhiều người vẫn mong muốn lên tuyến trên chữa bệnh

ĐINH HUY

"Do điều kiện khám, chữa bệnh tuyến cơ sở còn hạn chế chuyên môn (trang thiết bị, danh mục thuốc…), nhiều người bệnh, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng, có chỉ định điều trị phức tạp thì tâm lý muốn lên tuyến trên là đúng", một chuyên gia của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định.

Chia sẻ thực tế trường hợp tự chuyển tuyến khám bệnh, con gái của một bệnh nhân nữ (58 tuổi) cho biết: "Mẹ của tôi có bệnh tuyến giáp. Khi khám tại địa phương thì bác sĩ có dự kiến mổ, cho rằng bệnh có nguy cơ ung thư. Vì quá lo lắng, gia đình đưa mẹ tôi lên khám tại bệnh viện tuyến T.Ư (Hà Nội). Tại đây, bác sĩ khám, chỉ định xét nghiệm và đánh giá bệnh của mẹ tôi chưa có chỉ định mổ, hầu như không có nguy cơ ác tính.

Gia đình đưa mẹ tôi lên T.Ư khám là tự chi trả, vì không thể xin được chuyển bảo hiểm. Nhưng nếu không lên tuyến trên thì không yên tâm".

Minh bạch và chất lượng để "giữ chân" người bệnh

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, quy định về chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là cần thiết để đảm bảo ổn định hệ thống y tế. Quy định này thuận lợi cho người bệnh không phải di chuyển xa khi cần khám, chữa bệnh hay chăm sóc y tế.

Vì sao nhiều bệnh nhân vẫn mong muốn chuyển tuyến?- Ảnh 2.

Phân tuyến điều trị, chuyển tuyến bảo hiểm y tế đúng chuyên môn đảm bảo quyền lợi người bệnh, ổn định hệ thống y tế

NGỌC THẮNG

"Nhưng thực tế thực hiện còn bất cập. Vì có bệnh nhân nặng cần chuyển tuyến mà bệnh viện vẫn giữ, gây bức xúc; cũng có tình trạng bệnh nhẹ, bệnh thông thường mà bệnh nhân và gia đình vẫn muốn lên tuyến trên", bà Trang đánh giá.

Bà Trang cho rằng để đảm bảo quyền lợi người bệnh bảo hiểm y tế, việc chuyển tuyến cần minh bạch, tránh phiền hà, chuyển tuyến đúng chuyên môn.

Đại diện Ban Thực hiện chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) lưu ý, các địa phương cần nâng cao chất lượng về nhân lực, trang thiết bị, chất lượng chẩn đoán, điều trị để người bệnh yên tâm tại y tế cơ sở, giảm tâm lý mong muốn chuyển tuyến.

Riêng tại tuyến xã, hiện có khoảng 10.000 trạm y tế xã có khám, chữa bệnh ban đầu. Danh mục thuốc, dịch vụ cho y tế xã được bảo hiểm y tế thanh toán đã mở rộng nhiều nhưng nhiều nơi không triển khai được do không đủ điều kiện. Chi phí bình quân cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn "đổ" về tuyến trên.

Theo thống kê năm 2022, tại tuyến huyện, chi phí bình quân cho một đợt điều trị nội trú là hơn 2,2 triệu đồng. Tại tuyến tỉnh, chi phí bình quân cho một đợt điều trị nội trú là hơn 5 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 50% so với tuyến T.Ư (11 triệu đồng/đợt điều trị nội trú).

Theo Bộ Y tế, tình trạng người bệnh đổ xô lên tuyến trên càng khiến cho y tế cơ sở không phát triển được kỹ thuật. Vì đã là bác sĩ thì cần nhiều bệnh nhân, nhiều tình huống bệnh để khám, thực hành điều trị. Nếu không có bệnh nhân thì không phát triển được y tế cơ sở, ngay cả khi được đầu tư về trang thiết bị.

Nhiều bệnh viện đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến, "giữ chân" người bệnh sau thời gian tiếp nhận kỹ thuật, đầu tư thiết bị, thu hút bác sĩ giỏi công tác.

Trong các năm 2016 - 2020, thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, nâng cao năng lực tuyến dưới đối với chuyên ngành cấp cứu, chống độc, các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai (tuyến T.Ư) đã giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên.

Cụ thể, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 4,6% xuống 2,6%; tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 5,8% xuống 4,8%; tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, tỷ lệ này giảm từ 23,5% xuống 17,2%.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.