Vì sao nhiều người không nghỉ tết 'thả cửa', chọn 'bật công tắc' khởi động?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/02/2024 14:07 GMT+7

Ngày mai 15.2 (mùng 6 tháng giêng) nhiều người lao động, học sinh sẽ quay trở lại với công việc, trường học. Còn ở TP.HCM và nhiều nơi, học sinh được nghỉ tết tới hết ngày mùng 9 tháng giêng.

Vì sao nhiều người không nghỉ tết 'thả cửa', chọn 'bật công tắc' khởi động?- Ảnh 1.

Nghỉ tết là rất vui, nhưng nhiều người không chọn cách 'nghỉ tết là quên hết công việc, học tập'

NGỌC LONG

Nhưng không chọn cách nghỉ tết "thả cửa", bỏ bê hết công việc, bài vở cho tới ngày đi học, đi làm trở lại, nhiều người chọn "bật công tắc" khởi động từ những ngày đầu năm mới. Vì sao vậy?

Không bỏ hẳn một thói quen rồi mới quay lại

"Thói quen dù nhỏ được hình thành đều đặn sẽ dễ "khởi động", còn chuyện lớn hơn là bỏ hẳn một thói quen trong khoảng thời gian nhất định rồi quay lại. Đó là lý do trong thời gian nghỉ tết tôi vẫn tranh thủ mỗi ngày một đến hai tiếng để làm việc và đọc sách, nghe podcast về sức khỏe tinh thần vào đầu ngày, khoảng thời gian còn lại thì mới đi du xuân, vui chơi cùng họ hàng, bạn bè… Nhờ điều này mà việc "khởi động" lại sau tết không quá khó khăn", thạc sĩ Vinh San Phạm, Giám đốc truyền thông toàn quốc DOL English, chia sẻ.

Thạc sĩ Vinh San Phạm thường làm 3 điều này trong kỳ nghỉ tết để bắt nhịp được cường độ làm việc ngay từ đầu năm mới.

Điều đầu tiên là đọc nhiều, gặp gỡ nhiều. Đọc báo chí trong nước và quốc tế để biết tình trạng suy thoái kinh tế vẫn tồn tại dai dẳng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao và cuộc sống đang ngày càng thách thức… Lắng nghe nhiều để biết rằng nhiều người đang rất chật vật để kiếm sống từng ngày. Do đó, nếu mình còn có một công việc để cố gắng mỗi ngày, có mục tiêu để theo đuổi thì điều đó trở thành động lực, vượt qua khỏi những lúc thấy tinh thần mình đang đi xuống.

Sống có mục tiêu thì mỗi ngày mới đều háo hức

Thứ hai, trong kỳ nghỉ tết nên vạch ra những điều được và mất khi mình chỉ sống theo bản năng mà không học hỏi, cố gắng. Anh Vinh San Phạm nói: "Con người thường có khuynh hướng thích sống trong trạng thái thoải mái nhất - còn có tên gọi tên là "lười", nhưng điều này chỉ cho ta sự thoải mái, dễ chịu nhất thời nhưng lâu dài thì đối mặt với nguy cơ mất việc, giảm thu nhập, giảm giá trị bản thân... Có một điều thú vị là khi chúng ta thấy một điều gì đó khó nhưng chúng ta vẫn cố gắng làm và làm được thì tâm trạng sẽ thoải mái, hưng phấn hơn rất nhiều, do não tiết ra chất dẫn truyền thần kinh có tên dopamine".

Vì sao nhiều người không nghỉ tết 'thả cửa', chọn 'bật công tắc' khởi động?- Ảnh 2.

Sống có mục tiêu thì mỗi ngày mới đều đến cùng sự háo hức

MINK

"Tôi tin là ở những người độ tuổi trưởng thành sẽ cảm nhận được trạng thái bình yên, an toàn thật sự khi bản thân không ngừng học hỏi, đổi mới. Thời đại AI trỗi dậy, nếu chúng ta không ngừng học hỏi thì sẽ nhanh chóng bị đào thải. Đừng sợ AI trở nên mạnh mẽ hơn, mà điều thật sự đáng sợ là con người chúng ta đang dần bị thui chột đi nhiều kỹ năng, thậm chí kỹ năng căn bản", anh chia sẻ thêm.

Điều thứ ba, cần dành thời gian suy nghĩ nhiều về mục tiêu, tham vọng đặt ra. Để đạt được tham vọng đó thì mỗi ngày và mỗi tháng, cần luôn đặt chỉ tiêu phải học được bao nhiêu điều mới và đều đặn kiểm tra "KPI" đã đạt được.

"Sẽ đến một giai đoạn chúng ta nhận thấy việc tạo ra nhiều giá trị, sống có mục tiêu rõ ràng sẽ khiến bản thân hạnh phúc hơn là chỉ thuần kiếm ra nhiều tiền. Khi sống có mục tiêu thì mỗi ngày mới đều sẽ đến cùng sự háo hức, bạn sẽ bắt tay vào "guồng quay" công việc ngay khi thức dậy. Tuổi trẻ có tham vọng mãnh liệt sẽ giúp chúng ta sống chứ không chỉ tồn tại", đại diện DOL English nêu quan điểm.

Câu chuyện của nữ sinh lớp 12 chuyên toán giành nhiều thành tựu

Nguyễn Ngọc Minh Anh, lớp 12 chuyên toán, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, học toán chuyên từ năm lớp 9 và đạt được 2 giải nhất học sinh giỏi cấp thành phố, sau đó đậu vào trường THPT mơ ước và bắt đầu mở rộng con đường học tập của mình.

Học sinh tài năng này đã giành được hàng loạt kết quả ấn tượng như được chọn tham gia "Trường hè toán học miền Nam 2021", đại diện trường và miền Nam tham gia cuộc thi "Toán mô hình quốc tế" đồng thời tham gia một số dự án nghiên cứu khoa học cấp trường.

Vì sao nhiều người không nghỉ tết 'thả cửa', chọn 'bật công tắc' khởi động?- Ảnh 3.

Nguyễn Ngọc Minh Anh, học sinh đạt IELTS 8.0 và SAT 1520/1600 trong năm vừa qua

NVCC

Đây cũng là một trong những học sinh thành lập CLB Cộng tác viên thư viện vào năm lớp 10 với mong muốn đem đến trải nghiệm học tập và đọc sách tại thư viện trường rất năng động và không hề nhàm chán. Nhóm của Minh Anh chuẩn bị những buổi workshop vào các ngày lễ như Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, tết trung thu, Giáng sinh, tổ chức các buổi giao lưu với nhà văn, viết các bài review sách, tổ chức hoạt động thiện nguyện ở chùa… Đâu là cách Minh Anh có thể vừa học tốt, vừa làm được nhiều hoạt động như vậy?

Kinh nghiệm của bạn là sắp xếp thời gian hợp lý cho việc học và cho sinh hoạt cá nhân, không chỉ là trong ngày thường mà còn vào các kỳ nghỉ, như Tết Nguyên đán. Do đó, không có chuyện nữ sinh nghỉ tết "thả cửa", quên hết việc học tập, sắp xếp mục tiêu.

Vào năm học lớp 10, Minh Anh thường tận dụng thời gian nghỉ giữa giờ trên lớp và nghỉ trưa để hoàn thành các bài tập về nhà của chính ngày hôm đó để tránh việc dồn bài tập vào một buổi tối trước ngày nộp bài. Bạn sắp xếp 4-5 ngày trong tuần để học toán chuyên cùng các bạn cùng lớp vào buổi tối, những buổi còn lại sẽ dành cho các môn còn lại hoặc làm các dự án. Khi lên lớp 11 và 12, nữ sinh tập trung vào các môn thi đại học và những hoạt động nghiên cứu nhiều hơn. Bạn phân bổ hai ngày cuối tuần cho việc học 3 môn chính toán, hóa, sinh, làm đề, để các ngày trong tuần cho các môn còn lại.

Học sinh lớp chuyên toán Trường Phổ thông Năng khiếu cho biết khi trên lớp, bạn luôn cố gắng hỏi nhiều nhất về cách tư duy đằng sau những lý thuyết, đó là học theo hướng đặt câu hỏi "tại sao?" thay vì hỏi "cái gì?". Chính nhờ cách học này nói chung và học tiếng Anh theo phương pháp tư duy, Mai Anh đã đạt IELTS 8.0 và SAT 1520/1600 trong năm vừa qua dù là dân chuyên toán.

"Em cũng có những lúc thấy mình bị quá tải vì bài vở, đặc biệt là những thời gian ôn thi, khi đó em thường sẽ dành ra 20-30 phút để xem một chương trình gameshow hoặc video ngắn của các trang YouTube em yêu thích để giảm stress tức thời. Một cách nữa em có thể làm bất cứ ở đâu chính là nghe nhạc không lời và viết xuống những điều em đã làm được và cần làm trong ngày", nữ sinh lớp 12 nêu kinh nghiệm.

Rèn luyện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần

Nghỉ tết thì cũng đừng quên rèn luyện cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đó là lời khuyên của các chuyên gia.

Có sự liên quan mật thiết giữa hai yếu tố này, ví dụ khi tập thể dục đều đặn cùng cường độ phù hợp thì não sẽ tiết ra hàng loạt các chất dẫn truyền thần kinh như endorphin, dopamine,oxytocin, serotonin… giúp cho tâm trạng chúng ta luôn thoải mái, vui vẻ, giảm bớt các nỗi đau đang có. Khi tâm trạng thoải mái, cơ thể khỏe khoắn, việc học tập, làm việc sẽ hiệu quả.

"Mỗi người sẽ có một nhịp sinh học khác nhau, nên quan sát và chọn thời điểm bản thân học tập, làm việc hiệu quả nhất để học và làm việc. Điều này kết hợp với sự tư duy sẽ khiến kết quả công việc, học tập vượt trội hơn hẳn", thạc sĩ Vinh San Phạm trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.