Nhập viện vẫn phải ôn bài: Sao nói chương trình giảm tải mà học nặng thế?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/12/2022 17:28 GMT+7

Nói chương trình giảm tải mà tôi thấy nặng hơn trước; Chủ trương không giao bài tập về nhà mà ngày nào cũng một đống bài tập; Con tôi 10 giờ đêm cô còn gởi bài tập… Hàng loạt bạn đọc gửi bình luận về Báo Thanh Niên .

Học sinh than chương trình nói giảm tải mà rất nặng, nhập viện vẫn không dám ngừng ôn bài vì sắp kiểm tra kỳ 1
thúy hằng

Bài viết Học trong sợ hãi: Nhập viện cũng phải ôn bài đăng trên Thanh Niên thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, giáo viên. Rất nhiều người cho rằng đừng chỉ cho rằng phụ huynh đang “ép” con học, mà vì chương trình học nặng, không giảm tải.

Học sinh cứ lảm nhảm khi đi trên đường

Một bạn đọc lấy tên “Phụ huynh học sinh” cảm thán: “Sự học bây giờ sao khó khăn quá, tui đã chứng kiến có những học sinh cứ lảm nhảm khi đi trên đường. Có lẽ đang dò bài trước khi đến lớp? Tội cho các cháu quá".

Bạn lyrin1811 nói: “Chương trình giáo dục là gánh nặng của cả gia đình, ngày nào phụ huynh cũng nhận tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm: "Em... không làm bài tập về nhà, em... chưa thuộc bài". Cứ vài năm lại thay đổi, thí điểm".

Bạn đọc Hà chia sẻ: "Thay sách mà có giảm tải đâu. Nói thì hay nhưng làm thì vẫn cứ như cũ".

Đồng quan điểm này, phụ huynh Sy Ngyen cho biết: “Con tôi học lớp 1 chương trình mới nói giảm tải mà tôi thấy nặng hơn. Học sinh lớp 1 mà cuối học kỳ 1 phải đọc lưu loát, nghe viết chính tả. Toán thì phải học khối lập phương”.

Nói giảm tải mà ngày nào cũng một đống bài tập về nhà

Nỗi khổ bài tập về nhà “đè nặng” lên đôi vai của học sinh và không ít phụ huynh khi kèm cặp học bài cùng con.

Một phụ huynh có con học lớp 7 than: “Con tôi học lớp 7 mà có khi gần 10 giờ tối giáo viên mới gởi bài làm thêm. Thì thời gian đâu mà ngủ chứ đừng nói tới giải trí nữa”.

Phụ huynh Se Ri thẳng thắn: “Nói là giảm tải chương trình, chủ trương không giao bài tập về nhà. Ngày nào cũng một đống bài tập các môn, đặc biệt nhiều hơn khi đến lúc thi, vừa bài tập, vừa kiểm tra thường xuyên, vừa ôn thi. Ai có con đi học kiểu đó mới biết, áp lực từ chính thầy cô, chứ không phải phụ huynh. Vậy lỗi do ai? Do chương trình hay do thầy cô?”.

Học sinh stress trong học tập, có phải là lỗi do chương trình nặng quá?

Các giáo viên, chuyên gia chia sẻ với PV Thanh Niên những góc nhìn về áp lực của học sinh đang gặp ở nhà trường hiện nay.

Áp lực học tập đang đè nặng lên học sinh
ngọc dương

Phan Thị Mỹ Huệ, giáo viên ngữ văn trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết stress trong học tập có nhiều nguyên nhân. Có những học sinh chương trình nặng vì khả năng tiếp nhận của các em đó yếu hơn các bạn. Mỗi học sinh có một thiên hướng riêng, với những em này cần bố mẹ động viên, thấu hiểu.

Với những học sinh khác, stress trong học tập có thể do chưa biết cách học, chưa có kế hoạch và không biết sắp xếp thời gian. Những em này thì cần thầy cô và bố mẹ hỗ trợ các em phương pháp và kế hoạch khoa học. Còn một số học sinh thì lại ham chơi, không thích học bởi còn nhiều thú vui khác hấp dẫn hơn.

“Với những em này thì gia đình và nhà trường cần quan tâm sát sao hơn, nhất là tạo động lực cho các em học tập. Giáo dục là như vậy, tùy từng trường hợp, từng hoàn cảnh mà mỗi giáo viên, đồng hành cùng gia đình cùng uốn nắn để các em ngày càng tốt hơn”, cô Huệ chia sẻ.

Vì sao có những học sinh học trong sợ hãi, có phải tất cả đều do chương trình học quá nặng không? Thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên hóa học Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có thể tóm lược trong 3 nguyên nhân: Học sinh bước vào trường với trạng thái uể oải, vật vờ, ngồi học cho có, như bị ép đi học chứ không phải đi học là vui vẻ; phương pháp học tập chưa hiệu quả; chưa quản lý được thời gian học tập.

Về phương pháp học tập, theo thạc sĩ Nam, ông bà ta thường dạy “cần cù bù thông minh” nhưng lời dạy đó không còn phù hợp trong thời đại công nghệ 4.0 nữa.

Học sinh nhiều em cứ nghĩ ngồi học càng lâu thì hiệu quả sẽ càng cao, nhưng sự thật không phải như vậy. Có bạn từng băn khoăn “tại sao bạn này đi chơi nhiều vậy, có thấy học gì đâu mà sao vẫn làm bài được điểm cao?”.

Do đó, thạc sĩ Nam cho rằng một việc cực kỳ quan trọng để có được một kết quả học tập tốt, đó chính là bạn phải có một phương pháp học tập tốt. Phương pháp học tập mà học sinh có thể tham khảo đó là tập trung 100% vào việc học; biết được năng lực hiện tại của mình; đặt câu hỏi khi gặp khó khăn.

Để quản lý thời gian học tập hiệu quả, theo thạc sĩ Nam là cần liệt kê công việc cần thực hiện; xây dựng thời gian biểu; nói không với trì hoãn; đặt ra deadline cho bản thân.

Học sinh thường ít nhiều đối diện với nhiều áp lực trong học tập, vậy từ phía gia đình, làm sao nhận biết được trẻ đang âu lo, stress, cùng con vượt qua? Theo thạc sĩ Nam, là cha mẹ, chắc có lẽ ai cũng đều mong muốn con cái của mình phải thật giỏi giang và đạt được nhiều thành tích tốt. Tuy nhiên, điều này đã vô tình gây nên áp lực lên con. Do đó cha mẹ thấu hiểu được những cảm xúc, những khó khăn mà con của mình đang gặp phải là vô cùng cần thiết.

“Các cha mẹ xin hãy thường xuyên sẻ chia với con của mình, hãy trở thành một người bạn của con để dễ dàng tiếp cận những gì mà con muốn nói. Thay vì trách mắng, la rầy và phê phán con cái thì các bậc cha mẹ hãy lắng nghe và cảm nhận nhiều hơn. Thường xuyên dành thời gian để tâm sự, giãi bày cùng với con để cho con thấy cha mẹ luôn sát cánh bên mình”, thạc sĩ Lê Văn Nam nói.

"Nên giảm tải chương trình, nhưng không nên giảm cường độ học”

một góc nhìn khác, ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về hướng nghiệp, nghề nghiệp, khởi nghiệp, tác giả sách Hướng nghiệp 4.0 cho biết trách nhiệm của mỗi người thầy bên cạnh truyền đạt kiến thức còn là cho học sinh thấy được cảm hứng học tập và cách thức học tập. Bài tập về nhà nên chú trọng chất lượng hơn là số lượng. Ông Vũ Tuấn Anh cho biết nhiều người than học sinh học toán khó thế, vật lý nhiều thế làm gì, sau đó có ứng dụng được đâu, nghĩ như thế là chưa được.

“Học toán là rèn luyện cường độ làm việc cao từ trong ghế nhà trường, rèn khả năng tư duy sâu sắc và có hệ thống, rèn năng lực làm việc với những con số. Giống như việc để chạy marathon 42 km được thì người ta phải học chạy, luyện tập chạy từ cự ly thấp, từ 5 km trở đi. Tôi ủng hộ việc giảm tải chương trình học, nhưng không giảm cường độ học. Ví dụ các em cần phải luyện được việc tập trung học vài tiếng đồng hồ, ngồi trong phòng thi 180 phút, để rèn luyện tư duy của mình”, ông Vũ Tuấn Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.