Học trong sợ hãi: Nhập viện cũng phải ôn bài

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/12/2022 06:11 GMT+7

Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM) một ngày trong tuần, học sinh P.N.N tay cắm kim truyền dịch, mặt mũi phờ phạc vẫn len lén những lúc không có bác sĩ qua lại để mở cuốn đề cương.

Nhập viện vì loét dạ dày, N. vẫn không dám nghỉ học bài, vì sợ hãi kỳ thi trước mắt.

Không chịu nổi mới đi bệnh viện

Bên hành lang Khoa Nhi - Nhiễm, N. (học sinh lớp 10, ban khoa học tự nhiên, một trường THPT tại H.Nhà Bè, TP.HCM) cho biết mình bị đau bụng dai dẳng 6 tháng nay nhưng không dám đi khám. Cách đây 3 ngày, em không chịu nổi nữa nên phải nhập viện điều trị vì bệnh loét dạ dày. “Nghỉ học ngày nào là mất kiến thức ngày đó, thi học kỳ I rất khó nên em vẫn phải ôn tập”, N. nói.

N. cho biết thêm do trú ở Q.8, mỗi sáng em đi khoảng 30 phút mới tới trường, sau đó tiếp tục làm bài tập cùng với các bạn. Chương trình lớp 10 mới khó hơn, khối lượng bài tập về nhà nhiều, các môn toán, lý, hóa, lịch sử… đều có bài tập về nhà, mỗi môn đều có thêm cuốn đề cương riêng để ôn tập.

Trong bệnh viện, nữ sinh P.N.N kể với PV Thanh Niên những nỗi sợ hãi học tập

THÚY HẰNG

Chỉ có học và học

“7 giờ chuông reo, 7 giờ 30 vào học, nhưng em không có thời gian ăn sáng vì lo ôn bài.

8 giờ 15 ra chơi thì em xuống căn tin mua sữa hoặc nước uống đỡ để kịp vào học tiếp. Trưa ăn cơm bán trú, chiều tan học lúc 15 giờ hoặc 16 giờ 15. Mỗi tuần em học thêm IELTS 3 buổi và học thêm toán 2 buổi. 19 giờ 30 thì về tới nhà, ăn uống, tắm rửa xong, em ngồi học tiếp. Ngày nào cũng học tới 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng. Có lúc căng nhất, nhiều bài quá em học tới 3 giờ sáng, 5 giờ hơn lại dậy”, N. kể.

N. luôn là học sinh (HS) giỏi trong suốt 9 năm học. Năm lớp 9, em còn đạt giải ba HS giỏi môn sinh cấp quận. Ở tuổi 15, N. nặng 82 kg, em được chẩn đoán là thừa cân, béo phì. Nữ sinh buồn bã cho biết dù rất yêu thích hoạt động ngoại khóa, võ vovinam nhưng em không có thời gian.

Khi nghe bác sĩ nói con phải nhập viện điều trị, câu đầu tiên nhiều phụ huynh thốt lên là “trời ơi sắp thi rồi”, “trời ơi mai kiểm tra rồi”. Nhiều người còn kiên quyết viết giấy cam kết, không cho con nhập viện vì để về đi thi đã.

Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà (Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Quận 8, TP.HCM)

“Mẹ em luôn nhắc em phải học giỏi, để sau này thi đậu ĐH, làm nghề gì có nhiều tiền. Lần nào điểm em bị sụt là mẹ la, trách. Em biết mẹ bắt em học cũng vì mong em đỡ khổ như mẹ nên không dám làm mẹ buồn. Em cứ ráng học, dù nhiều lúc mệt lắm. Đầu óc quay cuồng, ngồi vào bàn không có định hướng, không biết phải làm gì trước, làm từ đâu”, N. xúc động kể.

Sợ con nằm viện lỡ ngày học, ngày thi

Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM), cho biết ở đây không hiếm gặp những trường hợp HS sợ học nhưng vẫn phải quay cuồng học ngày học đêm, nhịn ăn, căng thẳng học tập đến mức vào nhập viện trong tình trạng loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu… Nhưng đáng buồn là nhiều cha mẹ khi thấy con đau bụng, sốt, gia đình không cho con tới bệnh viện ngay mà chỉ ra tiệm thuốc mua thuốc uống qua loa vì sợ con phải nằm viện thì lỡ ngày học, ngày thi.

“Khi nghe bác sĩ nói con phải nhập viện điều trị, câu đầu tiên nhiều phụ huynh thốt lên là “trời ơi sắp thi rồi”, “trời ơi mai kiểm tra rồi”. Nhiều người còn kiên quyết viết giấy cam kết, không cho con nhập viện vì để về đi thi đã. Hay có em, đến khi bị đau đầu choáng váng tới ngất xỉu tại trường mới vô viện cấp cứu. Không thi đợt này sẽ thi được đợt khác, nhưng tính mạng con người có thể lấy lại được không?”, bác sĩ Thanh Hà bức xúc.

Hiện nay, với áp lực học tập, HS đều “bớt xén” thời gian ngủ đêm của mình để học (ảnh minh họa)

đào ngọc thạch

Quá trình thăm khám, điều trị, trò chuyện với các bệnh nhi, bác sĩ Thanh Hà cho biết tình trạng quen thuộc của các em là học bài đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng nhưng tới 5 rưỡi đã dậy để chuẩn bị đi học tiếp. Nhiều em học rất giỏi, nhưng cha mẹ vẫn đặt áp lực phải điểm cao hơn. Có em đã điều trị khỏi bệnh loét dạ dày, nhưng ra viện một thời gian lại tái phát vì tiếp tục căng thẳng kéo dài, nhịn ăn sáng để kịp đi học, ăn uống không đúng bữa.

“Có em kể với tôi trước ngày thi là thức trắng đêm ôn thi. Nhiều đêm trước thì học hành căng thẳng quá đi ngủ gặp ác mộng, đau bụng không rõ lý do, vào giờ thi, giờ kiểm tra thì tay run bần bật, mồ hôi túa ra sợ hãi không viết được gì”, bác sĩ Thanh Hà kể.

Vì sao nhiều HS học trong sợ hãi, lo lắng ?

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phó chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ VN, cho rằng HS học trong sợ hãi, do áp lực từ thành tích học tập là một phần. Hiện nay nhiều HS còn gặp các vấn đề khác như bị bắt nạt trong trường học (không chỉ bị đánh mới là bắt nạt, có thể còn là sự cô lập, cách ly, không chơi chung từ phía bạn bè).

Hoặc trong số những bạn gặp áp lực học tập có bạn học rất giỏi, nhưng kỳ vọng từ phía gia đình hoặc kỳ vọng từ chính bản thân bạn cũng quá lớn. Nếu không giải tỏa được áp lực này thì rất nguy hiểm.

“Hiện nay nhiều HS bị rối loạn giấc ngủ. Đó là giấc ngủ không được đảm bảo về số lượng (thời gian ngủ) và chất lượng, trong giấc ngủ bị ngáy, nói mớ, gặp ác mộng, cử động bất thường... Có nhiều HS nghĩ là đêm nay không ngủ để làm bài, ôn tập, chỉ cần ngủ bù cả ngày hôm sau là được. Nhưng thực tế không phải vậy. Thiếu ngủ ban đêm sẽ khiến cơ thể rất mệt mỏi nhiều ngày, có khi cả một tuần sau”, thạc sĩ, bác sĩ Khuê nói.

Hiện nay, với áp lực học tập, HS đều “bớt xén” thời gian ngủ đêm của mình để học, tình trạng phổ biến là học tới hơn 1 giờ sáng và 6 giờ sáng lại dậy để chuẩn bị cho một ngày đi học tiếp theo.

“Đừng bắt con cá leo cây”

Làm sao để giảm bớt những nỗi sợ hãi trong hành trình học tập của con em mình? Các chuyên gia cho rằng cần sự đồng hành của cha mẹ và con cái.

Anh Phạm Chí Mỹ, gia sư nhiều năm ôn thi đánh giá năng lực cho HS THPT tại TP.HCM, cho hay anh luôn gặp những phụ huynh mong muốn, thúc ép con học nhiều hơn để đậu vào những trường ĐH top, ngành xịn, bỏ qua năng lực của con đến đâu, con có thích hay không.

Theo anh Mỹ, dù những mong muốn đó xuất phát từ ý tốt của cha mẹ, nhưng nó có thể dẫn đến kết quả ngược. Đứa trẻ có thể vui vẻ, tự tin, hạnh phúc mỗi ngày với ngành học và ngôi trường từ đầu mình đã không chọn không?

Làm sao để trẻ học trong niềm vui, chứ không phải trong sợ hãi? Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà mong rằng các cha mẹ hãy bỏ bớt cái “tôi” của mình xuống, đừng vì muốn con trở thành ông này bà nọ, điểm số đẹp rạng ngời rồi bắt con học suốt ngày mà hãy quan tâm xem con có thật sự khỏe, có vui vẻ khi được học không. Bác sĩ cũng mong muốn chương trình được giảm tải, để trẻ không bị gánh nặng bài tập về nhà đè bẹp, khiến trẻ không có thời gian hoạt động thể chất, học kỹ năng sống.

“Trẻ thật sự thấy mỗi ngày đi học là một ngày vui khi chúng được ngủ đủ giấc, ăn đủ no, không phải làm bài tập về nhà đến mức một đêm chỉ được ngủ 3 - 4 tiếng đồng hồ. Mỗi đứa trẻ có mỗi khả năng, cha mẹ hãy biết thế mạnh thật sự của con là gì, để cho con được học vừa sức, theo đuổi thế mạnh, đừng bắt con cá phải biết leo cây”, bác sĩ Phan Thị Thanh Hà nói.

Còn thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê cho hay gia đình, cha mẹ cần đồng hành cùng con, hướng con tới mục tiêu vừa sức, để con luôn cảm thấy vui, yêu thích với việc học tập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.