Triệu chứng say xe rất dễ nhận biết. Khi ngồi trên một số phương tiện như xe buýt hay tàu thuyền, người say xe sẽ bị chóng mặt, tăng tiết nước bọt, nhức đầu, đổ mồ hôi, ợ và nôn mửa, theo Reader’s Digest.
Chứng say xe chỉ bắt đầu xuất hiện khi con người tạo ra các phương tiện giao thông giúp đi lại nhanh hơn. Cơ thể con người không được phát triển để đi trên những phương tiện như vậy, các chuyên gia giải thích.
Sự thay đổi tốc độ khi ngồi trên phương tiện làm gián đoạn sự kết nối giữa thị giác và hệ thống tiền đình, vốn có chức năng giúp cơ thể giữ thăng bằng. Hệ quả là gây say xe với cảm giác chóng mặt, buồn nôn điển hình, giáo sư Fred Mast tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) giải thích, theo Reader’s Digest.
Các thống kê cho thấy trung bình cứ 3 người thì có 1 người gặp tình trạng say xe tại một số thời điểm nào đó. Đặc biệt, một số người lại dễ bị say xe hơn người khác.
Những đối tượng dễ bị say xe gồm trẻ em, thanh thiếu niên, những người đang mắc chứng đau nửa đầu, phụ nữ đang đến kỳ kinh nguyệt.
Say xe không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi phương tiện ngừng di chuyển thì say xe cũng không còn.
Một số lọai thuốc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khi đi xe, tàu thuyền hay bất kỳ phương tiện nào có thể gây say xe như thuốc kháng histamine không kê đơn.
Tuy nhiên, người bị say xe cần lưu ý là một số loại thuốc chống say xe có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và không phù hợp với những người trực tiếp điều khiển phương tiện.
Chứng say xe không thể trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị hiện tại chỉ có hiệu quả một phần nào đó.
Ngoài ra, cần chọn vị trí ngồi để giảm bớt tình trạng say xe. Ví dụ khi đi xe buýt, chọn ngồi ở hàng ghế đầu và nhìn về phía trước sẽ giúp chúng ta cảm nhận được chuyển động khi xe di chuyển. Nếu đi máy bay thì hãy chọn ngồi gần cánh máy bay, theo Reader’s Digest.
Để ngăn các triệu chứng say xe, mọi người cần tránh uống rượu bia hay ăn quá no khi đi ô tô, tàu thuyền hay máy bay.
Khi ngồi trong ô tô, hít thở được không khí trong lành có thể giúp giảm buồn nôn do say xe. Nhìn ra xa về hướng chân trời cũng giảm sự mất kết nối giữa thị giác và hệ thống tiền đình, từ đó giúp giảm cảm giác chóng mặt, theo Reader’s Digest.
Bình luận (0)