Vì sao nhiều trường đại học thận trọng dạy trực tuyến?

Quý Hiên
Quý Hiên
07/04/2023 07:27 GMT+7

Nhiều trường đại học (ĐH) chuyên đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ cho biết, dù Bộ GD-ĐT cho phép dạy học trực tuyến với thời lượng tối đa 30% nhưng các trường đều hết sức thận trọng, đặc biệt rất tránh áp dụng với sinh viên năm nhất.

Trước việc Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội dạy trực tuyến hàng loạt môn cho sinh viên (SV) năm nhất một số khoa không phải ngành năng khiếu (Báo Thanh Niên ngày 6.4 đã thông tin), PV Thanh Niên tìm hiểu việc dạy học ở một số trường ĐH khối ngành kỹ thuật khác trên địa bàn Hà Nội. Kết quả của việc tìm hiểu này cho thấy, cách làm của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội là quá… "táo bạo", hầu như chưa trường nào dám triển khai.

DẠY QUA NỀN TẢNG SỐ LMS MỚI KIỂM SOÁT ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

Theo TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH GTVT, năm học này trường đã và đang triển khai xây dựng hệ thống LMS (Learning Management System), nhưng với tính chất thử nghiệm, ở một số học phần (môn học). Căn cứ vào đề xuất của bộ môn, trường sẽ cho phép một số môn học được thử nghiệm hình thức dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến (online) B-learning (chỉ có các môn lý thuyết mới được áp dụng dạy học trực tuyến, còn môn học thực hành hoặc thí nghiệm thì 100% trực tiếp). Các bộ môn sẽ xây dựng kịch bản giảng dạy chi tiết và học liệu theo hướng dẫn của nhà trường, nội dung triển khai trực tuyến giới hạn từ 30 - 50% khối lượng môn học. Học liệu sau khi được nghiệm thu được đưa lên hệ thống LMS.

Vì sao nhiều trường thận trọng dạy trực tuyến? - Ảnh 1.

Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT (ngồi) kiểm tra trung tâm sản xuất học liệu trực tuyến của trường

LAN HƯƠNG

Căn cứ vào kịch bản giảng dạy và hướng dẫn của giảng viên, SV đăng nhập vào hệ thống LMS để học qua video, bài giảng và làm bài tập, bài kiểm tra ngay trên hệ thống. Việc tương tác giữa GV và SV được thực hiện trên hệ thống. "Nếu dạy hoàn toàn trực tuyến trên nền tảng Team hay Zoom là chưa đúng với tinh thần yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Bởi chỉ có dạy trên LMS thì nhà trường mới kiểm soát được toàn bộ quá trình hoạt động đào tạo, qua đó kiểm soát về chất lượng", TS Hà nói.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng chia sẻ việc triển khai dạy học trực tuyến của ĐH này thời "hậu Covid-19" khác hoàn toàn, nghĩa là không dạy hoàn toàn online các môn lý thuyết trên nền tảng Team hay Zoom, mà chỉ triển khai có tính chất thử nghiệm hình thức dạy học B-learning một số môn trên nền tảng học tập số LMS. Khi dạy trực tuyến, GV sẽ chuyển phát video trên nền tảng LMS do ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển từ nền tảng mở Moodle.

Việc dạy trên nền tảng LMS này có hẳn một quy chế, có một hội đồng thẩm định các bài giảng, bao gồm: kịch bản dạy học đan xen (ví dụ 30% trực tuyến, 70% trên lớp, có thời khóa biểu, có kiểm soát về thời lượng); các nội dung truyền phát, chủ yếu là video bài giảng, được thẩm định bởi một hội đồng thẩm định chặt chẽ (nếu qua hội đồng thẩm định đó vẫn tiếp tục rà soát, sau đó mới đưa lên chính thức cho SV học). Các nội dung đưa lên cho SV học chủ yếu tập trung vào phần dễ nhất của môn học. Ví dụ các thông tin liên quan tới định nghĩa, khái niệm, những kiến thức mà chỉ cần SV nhớ và hiểu. Còn các vấn đề vận dụng, làm bài tập thì phải học trực tiếp. Hằng kỳ phải xin ý kiến của SV các bài giảng trực tuyến có đáp ứng được yêu cầu của các em hay không.

PHẢI RẤT THẬN TRỌNG

Theo PGS Điền, Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT quy định "đối với đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến", nghĩa là đưa ra một thanh chắn để yêu cầu các trường không được vượt rào, chứ không có nghĩa đề nghị các trường phải thực hiện được 30% khối lượng dạy học trực tuyến.

Vì sao nhiều trường đại học thận trọng dạy trực tuyến? - Ảnh 2.

Giảng viên thực hiện các bài giảng trực tuyến tại trung tâm sản xuất học liệu trực tuyến

LAN HƯƠNG

"Đây là quy định cho phép các trường áp dụng các công nghệ mới trên nền tảng số để dạy học. Mà để có thể làm được điều này một cách có chất lượng thì rất kỳ công, ngay cả những trường có thế mạnh về công nghệ cũng còn lâu mới đạt được tỷ lệ 30% đó. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng còn lâu mới đạt đến 10% khi mới chỉ có hơn 100 môn trên tổng số 2.000 môn học có dùng hình thức dạy online. Sở dĩ phải thận trọng như thế là bởi việc này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo. Phải vừa làm vừa thăm dò hiệu quả, không thể làm ào ào được", PGS Điền cho biết.

Còn TS Hà nhận định, dạy học online là xu thế không thể cưỡng lại, cũng như không thể phủ nhận hiệu quả, nhưng khi tham khảo một số trường ĐH ở các nước có nền giáo dục ĐH phát triển thì thấy họ cũng khá thận trọng. "Đa số các trường ĐH khối kỹ thuật trong nước hiện nay mới chỉ sử dụng dạy học online ở mức độ hỗ trợ cho SV. Các thầy vẫn dạy trực tiếp trên lớp là chính, đồng thời vẫn giới thiệu để các em tham khảo thêm trên bài giảng video lúc các em chưa hiểu, hoặc lúc các em phải nghỉ học. Năm học này Trường ĐH GTVT đang thử nghiệm với 10 môn học, có cả môn cơ sở, cả môn chuyên ngành, sau khi kết thúc học kỳ nhà trường sẽ triển khai đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ở mức độ rộng hơn", TS Hà cho biết.

Còn theo TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường này cũng chỉ mới thực hiện được chưa đến 10% khối lượng nội dung dạy online. "Đặc thù các chương trình đào tạo ngành kỹ thuật là có nhiều nội dung học thực hành, làm thí nghiệm… không dạy trực tuyến được. Chỉ có thể dạy một số nội dung lý thuyết ở các môn đại cương, cơ sở ngành. Có 1.500 môn học, chỉ mới làm khoảng 200 môn, nhưng cũng không dạy trực tuyến hoàn toàn môn nào, mà dạy theo mô hình kết hợp Blended learning, online và offline xen kẽ với nhau, tỷ lệ 30 (trực tuyến) - 70 (trực tiếp), tối đa là 50 - 50. Đây là xu hướng mới, phải vừa làm vừa đánh giá, các bước đi phải thận trọng", TS Thực chia sẻ.

PGS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho biết thời có dịch Covid-19 trường có dạy trực tuyến do tình thế bắt buộc. Tuy nhiên, từ khi cuộc sống trở lại bình thường, nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn, không có một tiết học nào được dạy trực tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.