Công an H.Thường Tín (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với hai bảo mẫu Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi), cùng trú tại H.Phú Xuyên (Hà Nội), để làm rõ tội giết người.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, 2 bảo mẫu đã có hành vi bạo hành dã man bé trai 17 tháng tuổi tại cơ sở trông giữ trẻ của mình chỉ vì cháu khóc, khiến nạn nhân tử vong.
Vừa qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non; một số vụ gây phẫn nộ vì hành vi bạo hành tàn độc, diễn ra trong thời gian dài.
Nghề trông giữ trẻ vốn đòi hỏi nhiều tình thương yêu, trẻ mầm non lại là đối tượng yếu thế, cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Vậy, vì sao các vụ bạo hành trẻ lại xảy ra ngày càng nhiều?
Không đủ yêu thương, xin đừng làm nghề giữ trẻ
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, dùng 2 chữ "ác tính" để nhận xét về hành vi của 2 bảo mẫu trong vụ án xảy ra tại H.Thường Tín.
Ông nói rằng, việc đánh đập bé trai 17 tháng tuổi, theo kết quả điều tra ban đầu, diễn ra trong nhiều ngày chứ không phải nhất thời bột phát, cho thấy nguyên nhân sâu xa thúc đẩy hành vi phạm tội là sự suy thoái về đạo đức, nội tâm chứa đựng sự ích kỷ, vô cảm.
Khi gặp điều không như ý (trẻ quấy khóc), các bảo mẫu không cảm thông, thương yêu mà chỉ thấy khó chịu, bực bội; không tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại khóc mà hướng đến việc sử dụng vũ lực thay vì lựa chọn các cách giải quyết khác phù hợp.
Và hơn hết, hàng loạt vụ bạo hành trẻ thời gian qua cho thấy nhiều chủ cơ sở hoặc bảo mẫu chỉ coi giữ trẻ là một nghề kiếm sống đơn thuần. Họ đều được đào tạo và có chứng chỉ nghiệp vụ, phải hiểu về quyền trẻ em, nhưng đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền này.
PGS - TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia giáo dục trẻ mầm non. "Có 2 yếu tố tiên quyết, thứ nhất phải có lòng yêu mến trẻ, thứ hai phải được đào tạo bài bản chứ không thể tay ngang", ông nói.
Có ý kiến cho rằng giáo viên mầm non lương thấp, hàng ngày phải chăm sóc hàng chục trẻ quấy khóc, khi về lại còn gia đình, con cái, rất nhiều áp lực nên dễ nảy sinh tâm trạng tiêu cực.
Ông Nhĩ cho rằng, bất cứ nghề nào cũng có áp lực, việc lựa chọn là sự tự nguyện của mỗi cá nhân. Trông giữ trẻ cũng vậy, nếu làm thì giáo viên phải xem bản thân có đủ yêu mến trẻ không, thực sự yêu thì hãy quyết định. Khi đã quyết định, giáo viên phải tự học hỏi, nâng cao kiến thức, để có phương pháp giáo dục đúng đắn, không thể lấy lý do vì áp lực.
Rồi chưa kể, đôi khi áp lực đến từ chính các cơ sở và giáo viên trông giữ trẻ. Ví dụ, một người chỉ được giữ 3 - 5 trẻ thì phải thực hiện đúng như vậy, nhưng vì lợi nhuận mà một số trường hợp bao nhiêu trẻ cũng nhận, áp lực sinh ra cũng là từ đó.
Cơ quan quản lý không thể vô can
Vẫn theo PGS - TS Trần Xuân Nhĩ, các vụ việc bạo hành trẻ thường xảy ra ở một số cơ sở giáo dục mầm non không đủ điều kiện hoạt động: giáo viên không đủ điều kiện, không được đào tạo bài bản, không có phương pháp giáo dục trẻ tốt...
Trước hết, trách nhiệm thuộc về cá nhân người gây ra hành vi vi phạm, nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nơi xảy ra sự việc, rằng tại sao để những cơ sở không đủ điều kiện, giáo viên không được đào tạo vẫn được phép hoạt động.
Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là phòng GD-ĐT địa phương phải chấn chỉnh, khảo sát toàn bộ trên địa bàn để nắm bắt cơ sở nào đủ điều kiện, cơ sở nào không; đủ thì cấp phép, không thì phải cương quyết yêu cầu ngừng hoạt động.
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu nhận định, để ngăn chặn các vụ bạo hành trẻ, bên cạnh đạo đức nghề nghiệp của chủ cơ sở trông giữ trẻ và bảo mẫu, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ngành giáo dục, cần làm tốt công tác giám sát, kiểm tra. Cơ sở nào đủ các điều kiện thì cấp phép cho hoạt động tiếp, ngược lại thì đình chỉ và rút giấy phép ngay lập tức.
Bên cạnh đó, lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, bao gồm công an cơ sở, cần tăng cường công tác nắm tình hình thông qua người dân, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường tại các cơ sở trông giữ trẻ.
Một giải pháp có thể cân nhắc, đó là lắp hệ thống camera giám sát nối trực tiếp từ cơ sở giữ trẻ tới trụ sở công an xã, phường. Hệ thống này phải được hoạt động thường xuyên, bảo trì liên tục, lắp đặt ở nhiều góc độ, giúp ngăn ngừa các hành vi bạo hành trẻ từ bảo mẫu.
Cũng không thể không nhắc, các bậc phụ huynh cần quan tâm, quan sát mọi biểu hiện bất thường của trẻ khi về nhà. Nếu trẻ có hiện tượng sợ đến lớp, cha mẹ phải tìm hiểu ngay, có thể hỏi chéo để biết con mình là trường hợp cá biệt hay không.
Phụ huynh còn có thể tìm hiểu, đánh giá cơ sở trông giữ trẻ và bảo mẫu (cơ sở vật chất, giấy phép hoạt động, thái độ ứng xử…) có đủ tin cậy trước khi giao phó con cho họ hay không.
Bình luận (0)