Vì sao nhiều y bác sĩ nghỉ việc?: Kỳ 3 - "Vấn đề đau đầu của bệnh viện"

Lê Lâm
Lê Lâm
17/12/2021 08:41 GMT+7

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, tình trạng y, bác sĩ nghỉ việc đang là vấn đề "đau đầu" của bệnh viện.

Tình trạng y, bác sĩ nghỉ việc đang là vấn đề đau đầu của các bệnh viện.

Sau khi ra trường, bác sĩ (BS) Đ.D.V được nhận vào làm việc tại khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Thống Nhất (Đồng Nai) hơn 3 năm. Mới đây BS V. nộp đơn xin nghỉ việc tại BV.

Điều dưỡng, bác sĩ mới ra trường dựa vào lương là chính

Đề cập đến nguyên nhân nghỉ việc, anh V. cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có thu nhập. BS V. thẳng thắn nói: “Với một BS học hành đến 7 năm mới ra trường, đến khi được nhận vào làm việc ở bệnh viện thì nhận được mức lương rất là thấp với tổng thu nhập khoảng 6-7 triệu. Với mức lương này, nếu sống độc thân còn xoay xở được, chứ đã lập gia đình rồi thì khó mà sống, lo được cho gia đình”.

Nhân viên y tế BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) đang điều trị cho F0

Bệnh viện cung cấp

BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua tình trạng BS nghỉ việc là vấn đề "đau đầu" của BV. "Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính vẫn là chính sách đãi ngộ còn thấp quá. BS cũng như điều dưỡng mới ra trường lương chỉ 3-4 triệu đồng/ tháng thôi, trong khi đó làm công nhân đã 6-7 triệu đồng rồi. Thực tế thì ngoài làm việc ở BV, BS còn làm phòng mạch để kiếm thêm nhưng chỉ số ít thôi; còn BS mới ra trường với điều dưỡng thì đâu làm được, chỉ dựa vào đồng lương là chính”, ông Dũng phân tích.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng các BS thôi việc tại BV công lập trước hết vì mức thu nhập thấp. Cụ thể, hiện nay lương trung bình của một BS mới ra trường với các khoản lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm khoảng 4-5 triệu đồng; BS làm việc trên 5 năm khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng; BS 10 năm khoảng 7-9 triệu; BS trên 15 năm hơn 10 triệu đồng/ tháng.

Số liệu từ Sở Y tế Đồng Nai cho thấy số lượng BS nghỉ việc mỗi năm luôn ở mức cao. Năm 2019: 104 BS; 2020: 80 BS; tính đến thời điểm tháng 11.2021 đến nay có 79 BS nghỉ việc. Đối với điều dưỡng con số lần lượt tương ứng là 156, 131, 151.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nói: “Trong khi đó, tại Đồng Nai hệ thống BV, phòng khám đa khoa tư nhân phát triển rất nhiều, kéo theo nhu cầu tuyển nhân sự, nhất là BS có chuyên môn sâu, chuyên khoa; BS có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên BV tư sẵn sàng đưa ra mức lương cao, gấp 3 - 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 - 6 lần so với BV công”.

Về giải pháp để giữ chân BS cũng như cán bộ y tế tại BV công lập, BS Vũ nói “Nếu như các BS có nguồn thu nhập tốt, lo được cho gia đình, vợ con thì họ sẽ gắn bó với BV công, còn không có thì họ xin thôi việc để ra các BV, phòng khám tư”.

Bản tin Covid-19 ngày 17.12: Cả nước 15.236 ca | Dịch bệnh ở TP.HCM, Bến Tre, Cà Mau đang rất nóng

"Bác sĩ cũng như điều dưỡng mới ra trường lương chỉ 3-4 triệu đồng/ tháng thôi, trong khi đó làm công nhân đã 6-7 triệu đồng rồi. Thực tế thì ngoài làm việc ở bệnh viên, bác sĩ còn làm phòng mạch để kiếm thêm nhưng chỉ số ít thôi; còn bác sĩ mới ra trường với điều dưỡng thì đâu làm được, chỉ dựa vào đồng lương là chính”

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai)

Không chịu nổi áp lực

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, một lý do khác là áp lực công việc, đặc biệt trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, một số nhân viên y tế đã không chịu nổi áp lực và xin nghỉ việc. Số còn lại là lý do gia đình.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một nữ BS đang công tác ở BV Phổi Đồng Nai chia sẻ, cả hai vợ chồng bà đều làm ngành y, thời gian qua luôn ở tuyến đầu chống dịch nên thời gian dành cho gia đình, con gần như không có, trong khi đó con gái của chị năm nay vừa vào lớp 1 nên chị quyết định nghỉ để lo cho con được chu đáo. “Bây giờ bé học online nữa, mình đi làm suốt không kèm cặp, dạy dỗ bé được nên tôi xin nghỉ. Mình sinh con ra thì phải nuôi dạy cho đàng hoàng, việc thì có thể bỏ chứ con sao bỏ được”, BS này tâm sự.

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

Lê lâm

Tương tự, một nữ điều dưỡng có 13 năm công tác tại BVĐK Thống Nhất vừa mới nghỉ việc, chia sẻ: “Tôi cũng không muốn nghỉ nhưng hoàn cảnh bắt buộc”. Chị nói rằng bây giờ dịch bệnh không biết khi nào hết, công việc thì nhiều rủi ro, bản thân nhiễm Covid-19 thì không sao nhưng nếu lây cho 2 đứa nhỏ (đứa 4 tuổi, đứa 10 tháng) thì tội nghiệp tụi nó. Hằng ngày vợ chồng chị phải gửi 2 đứa con cho hàng xóm, bởi cả nội lẫn ngoại đều ở quê xa không vào trông cháu giúp được.

BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất nhìn nhận có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc trong thời điểm dịch Covid-19 do làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm, căng thẳng. "Hiện tại số lượng bệnh nhân ở BV ngày một đông, trung bình 100 ca cấp cứu/ngày. Ngoài ra, 60-70% là F0 có bệnh nền nên một số BS và điều dưỡng nghỉ việc cũng kẹt cho BV", BS Dũng chia sẻ.

Ngày 17.12: Cả nước 15.236 ca Covid-19, 31.057 ca khỏi | TP.HCM 1.040 ca | Bến Tre 1.246 ca

Quyết liệt tìm giải pháp

Mới đây, Sở Y tế Đồng Nai đã thực hiện phát phiếu khảo sát, nhằm tìm giải pháp ngăn BS BV công thôi việc với tên gọi “Đánh giá thực trạng bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Đồng Nai”.

Theo BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, việc làm này nhằm mục đích tìm ra các giải pháp để thu hút và giữ chân BS yên tâm công tác tại các đơn vị trực thuộc, hạn chế tình trạng thôi việc.

“Câu chuyện BS công thôi việc, sang làm ở BV tư không phải mới và không riêng gì ở Đồng Nai. Tuy nhiên, lần này Sở Y tế phát phiếu khảo sát đánh giá thực trạng đã cho thấy sự quyết liệt hơn trong việc tìm giải pháp cho vấn đề này”, BS Vũ tâm sự.

Gần hai năm nay xảy ra đại dịch, nhân viên y tế, y, bác sĩ luôn trong tình trạng làm việc quá sức (Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho người dân P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

lê lâm

Bảng khảo sát gồm 8 trang, tổng cộng 43 câu hỏi, bao quát các vấn đề như thu nhập; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; môi trường, điều kiện làm việc; chế độ, chính sách đối với việc thu hút nhân tài và cuối cùng là về quản lý, sử dụng nhân lực trong ngành y tế.

(Còn tiếp)

Thiếu bác sĩ, Bình Phước “trải thảm” chính sách hỗ trợ cao đến 400 lần

Theo thống kê của ngành y tế Bình Phước, đến nay nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh này vẫn còn thiếu hụt rất nhiều. Dự báo năm 2025, tỉnh thiếu đến 282 BS. Trong khi đó, từ năm 2017 đến nay đã có trên 50 BS tại các BV, cơ sở y tế công lập chuyển sang BV tư nhân làm việc khiến nguồn nhân lực càng thiếu, tạo áp lực công việc cho số BS ở lại.

Trong năm 2021, Bình Phước đã có chính sách “trải thảm” đặc biệt nhằm thu hút 83 vị trí BS đa khoa, BS chuyên khoa cấp I và II, thạc sĩ y học, tiến sĩ y học, giáo sư y học và cả các sinh viên đang theo học BS đa khoa hệ chính quy tại các trường đại học y… Theo đó, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, tỉnh có chính sách hỗ trợ 1 lần từ 100 lần đến 400 lần mức lương cơ sở (từ 149 triệu đồng đến 596 triệu đồng/ người).

Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước, việc ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ sẽ góp phần giải bài toán thiếu nhân lực hiện tại, thu hút thêm nguồn nhân lực mới có chuyên môn tay nghề cao, giữ chân những y, BS trong hệ thống công lập hiện tại cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh.

Hoàng Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.