Không chỉ có NVYT trẻ, cả những người có thâm niên cũng đối mặt với áp lực công việc, nguồn thu giảm sâu; sức lực bị vắt kiệt với gần 2 năm chống dịch, nhiều đợt ảnh hưởng dịch bệnh triền miên ở tâm dịch Đà Nẵng. Công việc gia tăng gây áp lực, thu nhập hơn nửa năm qua bị cắt giảm, nhưng nhiều y, bác sĩ (BS) vẫn không dám nghỉ việc.
'Cơm, cá trộn rau, trộn luôn nước mắt'
Hơn 2 năm trước, trước khi có dịch Covid-19, BS N.N.T, hiện làm việc tại một bệnh viện (BV) lớn ở TP.Đà Nẵng, đánh liều vay ngân hàng để mua đất, định bụng trả hết nợ sẽ từ từ tích góp làm một ngôi nhà nhỏ để con cái có chỗ ở riêng. Nhưng dịch ập đến, mọi thứ chệch khỏi sự tính toán trước đó của cả hai vợ chồng đều là BS làm việc tại các BV công lập, chỉ riêng khoản tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng gần 12 triệu đồng là không thay đổi.
Nhân viên y tế tuyến cơ sở tại Đà Nẵng tham gia truy vết, xét nghiệm Covid-19 |
an dy |
Các khoản thu nhập của BS N.T chỉ còn chừng một nửa so với trước. “Hiện tại, thu nhập chính của tôi chỉ còn lương cứng nhân hệ số là gần 5 triệu đồng/tháng, còn các khoản phúc lợi giảm sâu vì thời gian dài ảnh hưởng bởi hoạt động khám chữa bệnh, thu nhập của các BS ngồi phòng khám của bệnh viện công đều không còn được bao nhiêu do không có bệnh nhân. Mức thưởng lễ tết vừa qua cũng giảm còn chưa đến 10% so với trước dịch. Không nghĩ có lúc thu nhập của BS với gần 10 năm vất vả, học từ BS đa khoa sang BS nội trú, giờ lại ở mức như vậy”, BS N.T cám cảnh.
BS N.T cho hay sẽ không thể quên được cảm giác vừa nhận chi phí hỗ trợ 68.000 đồng cho 3 ngày tăng cường phục vụ tiêm vắc xin Covid-19. “Trời mưa lạnh, chạy xe máy đi xa cả chục cây số. Quá trưa ngớt người khám, tư vấn theo dõi, mới cầm hộp cơm thì cơm đã nguội lạnh. Vì giờ giao cơm thì người khám còn quá nhiều... Cơm, cá, rau trộn lẫn với nhau, trộn luôn nước mắt tủi thân với nghề”, BS N.T kể.
BS V.T.N, có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại một BV chuyên khoa tại TP.Đà Nẵng, cũng cám cảnh với thu nhập hiện tại. “Biết là khó khăn chung, khó khăn cả hệ thống. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ thu nhập theo thâm niên của mình chỉ vỏn vẹn chục triệu đồng như lúc này. Nuôi hai đứa con ăn học cũng đã khó, chứ nói gì sống thoải mái hay khá giả với nghề”, BS T.N tâm sự.
Nhưng theo BS T.N, dù sao các BS vẫn còn gắng gượng được vì có hệ số lương cao hơn, chứ các điều dưỡng thì còn khó nữa. “Có những điều dưỡng trẻ thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Người có thâm niên thì nhỉnh hơn, nhưng cũng chỉ chừng 4 hay 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, áp lực công việc tăng gấp 3 lần vì phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân thay cho người nhà, từ vệ sinh, ăn uống, thủ tục hành chính cho đến các công việc chuyên môn khác. Có nhiều bạn vì quá khó khăn cũng tranh thủ bán thêm hàng online, nhưng sự thực thời gian làm việc không kịp thở, điện thoại phải tắt liên tục... nên các bạn cũng đành bỏ”, BS T.N nói.
"Không nghĩ có lúc thu nhập của bác sĩ với gần 10 năm vất vả, học từ đa khoa sang bác sĩ nội trú, giờ lại ở mức như vậy”
Bản tin Covid-19 ngày 17.12: Cả nước 15.236 ca | Dịch bệnh ở TP.HCM, Bến Tre, Cà Mau đang rất nóng |
Vẫn bám trụ với công việc
Dù phải đối mặt với áp lực công việc, thu nhập thấp hơn nhiều so với trước, nhưng đa phần các NYTT ở Đà Nẵng vẫn bám trụ với công việc chứ không còn lựa chọn nào khác, càng không có ý định nghỉ việc, bỏ việc. “Vài ngày trước, NVYT tại BV tôi công tác được nhận bảo hiểm thất nghiệp. Mức lương của BS trẻ như chúng tôi thì chỉ được hỗ trợ tầm hơn 2 triệu đồng thôi, nhưng thấy mọi người mừng mà tôi cũng ứa nước mắt. Không nghĩ có ngày BS được nhận ít tiền trợ cấp mà vui đến vậy”, BS N.T kể.
Áp lực công việc, thu nhập giảm sâu nhưng nhiều y, bác sĩ ở Đà Nẵng vẫn bám trụ công việc |
an dy |
Cũng như nhiều đồng nghiệp, BS N.T nhìn nhận khó khăn lúc này là khó khăn chung, không chỉ riêng ngành y tế. “Nghỉ chỗ này qua chỗ khác cũng khó, nên có khó cũng làm và chờ đợi khó khăn đi qua chứ không ai dám nghỉ. Y tế công lập khó khăn thì y tế tư nhân cũng vậy, họ tự chèo chống cũng không biết được bao lâu khi dịch giã kéo dài...”, BS N.T nhận định.
Đồng quan điểm, BS T.N lý giải ở miền Trung cơ hội việc làm thấp hơn các tỉnh phía nam. NVYT ở TP.HCM không làm chỗ này có thể làm chỗ khác, không làm trong ngành y tế cũng có thể làm công việc khác. Nhưng ở Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, không đơn giản như vậy. “Người miền Trung mình cùng chịu thương chịu khó, ăn chắc mặc bền nên dù khó khăn họ cũng sẽ vẫn cầm cự với công việc đến cùng, stress lên tới não cũng phải làm chứ không dám nghỉ. Mong mọi thứ sớm ổn định trở lại”, BS T.N hy vọng.
Huy động nguồn lực chia sẻ khó khăn chung
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cũng khẳng định khó khăn, áp lực hiện tại là khó khăn chung của các cơ sở y tế. Tại BV Đà Nẵng cũng không ngoại lệ khi dịch giã kéo dài, hoạt động khám chữa bệnh bị đình trệ, giãn cách, đi lại giữa các tỉnh thành bị hạn chế nên lượng bệnh nhân khám bệnh ngoại trú cũng giảm nhiều.
“Ngoài việc đảm bảo lương cơ bản, chúng tôi cũng cố gắng duy trì ổn định các hoạt động phòng chống dịch, khám chữa bệnh dịch vụ... để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho từng NVYT", BS Nhân cho biết. Cũng theo BS Nhân, hiện tại bên cạnh đảm bảo công tác phòng chống dịch để duy trì hoạt động khám chữa bệnh an toàn, tin cậy..., BV Đà Nẵng cũng dành thời gian để tập trung phát triển, triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó ở các chuyên khoa lồng ngực, tim mạch... để thu hút BN đến khám và điều trị.
Nhân viên y tế tuyến cơ sở tại Đà Nẵng tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 |
an dy |
Chia sẻ với những áp lực của các NVYT ở thời điểm hiện tại, bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của TP.Đà Nẵng đều tập trung cho NVYT, đầy đủ và kịp thời. Bên cạnh đó, những nguồn hỗ trợ đóng góp cho tuyến đầu chống dịch của các tổ chức, đơn vị, cá nhân cũng ưu tiên hướng về NVYT.
“Chúng tôi cân đối, huy động nguồn lực toàn hệ thống để chia sẻ, tăng cường, chia sẻ áp lực công việc cho nhau. Còn áp lực thu nhập hiện tại là áp lực chung của toàn ngành chứ không riêng gì Đà Nẵng, khi nguồn thu từ công tác khám chữa bệnh giảm sâu, y tế tuyến cơ sở, quận huyện còn khó khăn nữa. Rất may là các anh chị em y, bác sĩ tâm huyết, đồng lòng gắn bó vì mục tiêu chung. Vì thực sự, qua 2 năm dịch giã thì khó khăn là khó tránh khỏi”, bà Thủy chia sẻ.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)