Vì sao nhiều y bác sĩ nghỉ việc?: Kỳ 5 - 'Xin nói câu tận đáy lòng'

Duy Tính
Duy Tính
19/12/2021 09:38 GMT+7

Lý do chính nghỉ việc được đưa ra là do công việc cá nhân, gia đình. Còn những lý do nào khác khiến y, bác sĩ nghỉ việc ?

Năm 2020, ngành y tế công TP.HCM có 597 người nghỉ việc, nhưng chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có đến 988 người nghỉ việc. Theo Sở Y tế TP.HCM, số nhân viên y tế nghỉ việc rơi vào chủ yếu ở Trạm y tế (TYT).

Lý do nghỉ việc chính được các y, bác sĩ đưa ra là do công việc cá nhân, gia đình, nhưng lý do thật sự là gì?

"Dứt áo" vì đâu ?

Ra trường và được nhận vào làm ở bệnh viện hạng 1 là ước mơ của nhiều bác sĩ trẻ. Nhiệt huyết và cống hiến hết mình nhưng chỉ sau hơn 2 năm công tác, bác sĩ K. - công tác tại bệnh viện hạng 1 thuộc Sở Y tế TP.HCM xin nghỉ việc.

Bác sĩ Trạm y tế P.12 Q.Tân Bình đến nhà kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân

DUY TÍNH

Bác sĩ K. nhẩm tính: Lương 7 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản khác cũng chỉ nuôi mình. Bác sĩ trẻ ít chỗ làm thêm nên thu nhập thấp nên phải bám trụ ở bệnh viện công. Nhưng nghỉ việc thì hơi khó khăn, vì phải bồi thường một số khoản gồm, tiền thời gian thực hành 2 triệu đồng/tháng nhân cho 18 tháng học việc (thời gian thực hành để lấy chứng chỉ hành nghề) và trả lại toàn bộ các khoản ngoài lương cho bệnh viện bao gồm thu nhập tăng thêm hay tiền thưởng… tổng cộng khoảng 100 triệu đồng. Nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ, bác sĩ K. cũng chấp nhận bồi thường để ra đi vào tháng 10.2020. Giờ đây, bác sĩ K. cũng đã phát triển dự án riêng.

"Mục đích của bác sĩ trẻ khi vào bệnh viện công là để lấy chứng chỉ hành nghề. Còn riêng tôi đi vì không thấy tương lai. Làm ở bệnh viện rất tốt ở mặt chuyên môn nhưng càng làm càng bị ràng buộc chứ không thấy mình đạt được gì sau 5 hay 10 năm. Có lắm thì cũng tấm bằng sau đại học", bác sĩ K. tâm sự

Bác sĩ trẻ như bác sĩ K. là vậy, còn BS M. có thâm niên công tác, là Trưởng khoa của 1 bệnh viện hàng đầu thuộc Sở Y tế TP.HCM cũng "dứt áo" ra đi đầu quân cho bệnh viện tư nhân. Theo BS M., ông nghỉ việc không phải vì thu nhập là chính mà là cộng hưởng nhiều yếu tố. "Môi trường làm việc chưa thoải mái, phương tiện chưa đầy đủ nên luôn căng thẳng, bệnh nhân quá tải nhưng nhân lực ít. Khi dịch dã đến thì vừa khám chữa bệnh, vừa chống dịch, công việc thì gấp đôi, trợ cấp cắt gần hết", BS M. tâm sự và cho biết thêm, ông ra đi tháng 12.2020, vì...nản.

Ngày 19.12: Cả nước 16.110 ca Covid-19, 10.799 ca khỏi | TP.HCM 1.014 ca

'Xin nói câu tận đáy lòng'

Một sự thật là sau đợt chống dịch Covid-19 vừa qua, một số bác sĩ ở TYT xin nghỉ việc vì quá hãi công việc mình làm nhưng đãi ngộ và sự nhìn nhận chưa được thỏa đáng. Nghỉ việc vì lý do cá nhân, gia đình là cái cớ để họ rời bỏ ngành y tế. "Dự định nghỉ việc từ đầu năm nhưng dịch dã ập đến, tôi nhủ lòng khi dịch bệnh ổn sẽ nghỉ. Và tôi đã nghỉ cách đây 2 tuần", BS N. công tác trại một TYT quận ở TP.HCM chia sẻ với PV Thanh Niên.

Tổ cấp cứu 2 người của Trạm y tế lưu động số 7 (P.14, Q.10, TP.HCM) trên đường đi cấp cứu cho bệnh nhân

khánh trần

Theo bác sĩ N., chị học bác sĩ y học dự phòng, về làm việc tại trung tâm y tế quận, sau đó luân chuyển xuống TYT. Sau 3 năm làm việc, lương và chế độ khoảng 8 triệu đồng, đến cuối năm thì được 10 -12 triệu đồng. Từ khi dịch vào cao điểm tháng 6, đến tháng 9 thì chị phải ở luôn TYT, nhưng tiền chống dịch để quyết toán thì quyết toán rất khó, từ tháng 5 đến khi nghỉ việc chị còn chưa nhận được. Trong khi chị phải thuê nhà, chi tiêu dè sẻn chỉ vừa đủ cho bản thân, thu nhập không ổn định lại bị áp lực chi tiêu sinh hoạt.

Tiền lương bổng là vậy, nói về công việc của bác sĩ TYT thì giọng chị chùn xuống. Theo chị N., hiện bác sĩ y học dự phòng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN), mà muốn có CCHN thì bắt buộc thực tập ở bệnh viện, nhưng làm ở Trung tâm y tế (TYT trực thuộc trung tâm y tế) thì làm sao thực hành ở bệnh viện, nó không phù hợp với nguyện vọng. Nên dù làm bao lâu nữa cũng khó có cơ hội có CCHN để phát triển.

Chị N. bày tỏ với chúng tôi 'xin nói câu tận đáy lòng', chị nói: "Thật ra, mùa dịch vừa qua chắc chắn nhân viên y tế ở tuyến TYT quá tải, điện thoại cháy máy liên tục. Bệnh nhân, người dân thì lo lắng hoang mang, nhân viên y tế thì kiệt sức, stress, sẽ trở nên nóng tính hơn bình thường. Nên nếu người dân nào không may gặp tình huống mà nghĩ là "TYT bỏ rơi mình" thì cũng thông cảm giúp. Nhân viên TYT bản chất cũng là một người dân, cũng là F0, F1 trong đợt dịch bệnh vừa qua nhưng vẫn phải gồng mình chống dịch. Quá tải, stress, nóng tính hơn bình thường là điều không thể tránh khỏi. Đợt dịch vừa qua tôi trở nên nóng tính hơn. Nên thực sự tôi rất có lỗi, cảm thấy tiếc vì mình không thể làm tốt hơn, bình tĩnh hơn". Chị tiếp: Tôi đổi công việc luôn, không làm việc liên quan lâm sàng và tiếp xúc với bệnh nhân nữa.

Bác sĩ Trung tâm y tế Q.3 (TP.HCM) tại Trạm y tế lưu động

ĐỘC LẬP

Còn chị H. cũng là bác sĩ y học dự phòng làm ở TYT một phường của TP.HCM mới nghỉ việc hơn 1 tháng nay. Chị H. tâm sự: "Có 5 người làm quay cuồng với đủ thứ công việc, đủ thứ chương trình, quá tải công việc, chủ yếu là giấy tờ mà không sắp xếp khoa học, trong khi đó giờ giấc thì không rõ ràng. Quá stress!". Chị H. nói tiếp: “Mỗi người kiêm nhiệm 2-3 chương trình. Khi chương trình quá nhiều thì chỉ biết “vẽ” con số cho đẹp, lấp chỗ trống. Khi có dịch bệnh thì được trả thêm, mỗi tháng tổng cộng thu nhập là 10 triệu đồng, đủ sống 1 mình. Còn nếu không có dịch bệnh thì tổng cộng chỉ khoảng 5,5 triệu đồng”. Nói về dự định trong tương lai, chị H. quả quyết: 'Chắc bỏ nghề y luôn'.

"Thật ra, mùa dịch vừa qua chắc chắn nhân viên y tế ở tuyến trạm y tế (TYT) quá tải, điện thoại cháy máy liên tục. Bệnh nhân, người dân thì lo lắng hoang mang, nhân viên y tế thì kiệt sức, stress, sẽ trở nên nóng tính hơn bình thường. Nên nếu người dân nào không may gặp tình huống mà nghĩ là "TYT bỏ rơi mình" thì cũng thông cảm giúp. Nhân viên TYT bản chất cũng là một người dân, cũng là F0, F1 trong đợt dịch bệnh vừa qua nhưng vẫn phải gồng mình chống dịch. Quá tải, stress, nóng tính hơn bình thường là điều không thể tránh khỏi"

Một bác sĩ tuyến trạm y tế

TP.HCM “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, phát hiện hàng vạn người chưa tiêm vắc xin Covid-19

Đề xuất cơ chế thu hút, 'giữ chân' nhân viên y tế cơ sở

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH xin ý kiến hồ sơ dự thảo Nghị quyết của HĐND TP.HCM về các cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để có cơ sở hoàn thiện dự thảo trình HĐND TP.HCM theo đúng quy định.

Trong tờ trình, UBND TP.HCM cho biết tổng số biên chế phân bố năm 2022 cho 310 TYT theo định mức đề xuất là 4.156 (định mức biên chế này không bao gồm số lượng hợp đồng lao động), tức tăng 1.869 biên chế so với tổng số biên chế năm 2021 đã phân bổ cho TYT (2.287 biên chế). Nhưng việc tuyển dụng nhân viên y tế cho TYT hiện nay rất khó khăn. Để sử dụng có hiệu quả số lượng biên chế theo định mức đề xuất như trên, cần ban hành các cơ chế chính sách thu hút và tăng cường nguồn nhân lực.

Theo đó, sinh viên y khoa mới tốt nghiệp tham gia công tác tại các đơn vị y tế tuyến cơ sở, hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng cho các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên mới tốt nghiệp đăng ký và tham gia thực hành tại TYT (mức lương cơ sở vùng tại TP.HCM ở H.Cần Giờ là hơn 3,9 triệu đồng, các quận huyện còn lại là hơn 4,4 triệu đồng).

Đối với bác sĩ nghỉ hưu hợp đồng dịch vụ, mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm. Đối với nhân viên y tế khác (điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, y sĩ, y tế công cộng, dược sĩ... ) nghỉ hưu, mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Đối với lực lượng tình nguyện viên (không có chuyên môn y tế), mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm…

Bên cạnh đề xuất lương, hỗ trợ sinh hoạt phí cho những đối tượng mới, TP.HCM còn đề xuất chính sách giữ chân nhân viên y tế yên tâm công tác. Theo đó, đề xuất, đối với bác sĩ mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 4 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm (hiện tại là 1,49 triệu đồng). Đối với nhân viên y tế khác có trình độ đại học và y sĩ, mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 3 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm. Đối với nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp: mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.