Vì sao nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM vẫn gặp khó?

12/01/2024 20:42 GMT+7

TP.HCM xuất hiện nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao có lợi nhuận lớn nhưng nhìn chung toàn ngành vẫn đang trăn trở tìm cách nâng cao thu nhập cho nông hộ.

Vì sao nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM vẫn gặp khó? - Ảnh 1.

Hoa lan, cây kiểng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM

Q.T

Ngày 12.1, Sở NN-PTNT TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Theo báo cáo, ngành nông nghiệp TP.HCM xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trồng lúa truyền thống giá trị bình quân 70 - 75 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 18 - 20 triệu đồng/ha/năm, thì các sản phẩm chủ lực sẽ có lợi nhuận cao hơn tiêu biểu như: rau ăn lá (mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, rau muống…) lợi nhuận khoảng 805 triệu đồng/năm/ha, rau củ quả (dưa leo, khổ qua, bầu, bí xanh…) lợi nhuận khoảng 365 triệu đồng/năm/ha, sản xuất lan Mokara: lợi nhuận khoảng 126 triệu đồng/1.000m2/5 năm, sản xuất lan Dendrobium: lợi nhuận khoảng 122 triệu đồng/1000m2/năm; chăn nuôi bò sữa: lợi nhuận 103 triệu đồng/hộ/năm, tôm nước lợ (mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh ứng dụng công nghệ cao) lợi nhuận bình quân 1.081 triệu đồng/ha/năm...

Vì sao nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM vẫn gặp khó? - Ảnh 2.

Nuôi cá cảnh là một nghề thu nhập cao đầy tiềm năng tại TP.HCM

CTV

 Hiện nay tỷ trọng GRDP ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ không cao so với GRDP TP.HCM năm 2023 và xu hướng đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm. Tuy nhiên, tương lai ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lực lượng lao động, ngành nông nghiệp còn là nơi cung cấp những mặt hàng nông thủy sản tươi sống thiết yếu như rau, hoa, sinh vật cảnh, thịt, trứng, sữa và thủy sản cho khu vực nội thị, quan trọng hơn là nghiên cứu, sản xuất và cung ứng nguồn giống mới chất lượng cao, các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại cho thành phố và các địa phương trong nước và quốc tế; tạo không gian xanh phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thăm quan, học tập, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của người dân thành phố và khách du lịch, nhất là người dân ở khu vực nội thị; giữ cân bằng sinh thái và giảm thiểu tác động xấu do đô thị hóa, biến đổi khí hậu gây ra.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, phân tích: "Khó khăn của ngành nông nghiệp TP.HCM là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp thành phố bị chia cắt, manh mún. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo công nhân, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm tạo quỹ đất xây dựng dự án…nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. Thực tế cho thấy sản phẩm rau, quả đạt chứng nhận VietGAP tại các hộ nông dân riêng lẻ khó khăn trong tiêu thụ thông qua hợp đồng, giá bán sản phẩm VietGAP so với các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp truyền thống không chênh lệch nhiều". 

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ định hướng trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất; phấn đấu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến, là một trong những thành phố hàng đầu Châu Á về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.