Vì sao sạt lở đất thường xảy ra ban đêm, kèm theo tiếng nổ lớn?

31/10/2020 12:52 GMT+7

Sạt lở đất thường xảy ra vào ban đêm, kèm theo những tiếng nổ lớn và gây ra thiệt hại thảm khốc về tài sản cũng như tính mạng con người.

Nhìn lại các trận sạt lở đất gần đây ở Trạm kiểm lâm 67, Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; sạt lở đất ở Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quảng Trị) làm 22 sĩ quan, chiến sĩ hy sinh, hay 2 vụ trượt lở đất xảy ra ở Quảng Nam khiến hàng chục người chết và mất tích, có một điểm chung là những vụ sạt lở này là đều xảy ra trong đêm tối.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Trao đổi với Thanh Niên ngày 31.10, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) cũng cho rằng, qua thống kê các vụ sạt lở đất đều thấy rằng, hiện tượng này có xu hướng xảy ra vào ban đêm, gây thiệt hại rất lớn và có hai khả năng để lý giải về hiện tượng này.
Thứ nhất là sự tương tác liên quan đến trái đất và mặt trời, sẽ khiến nhiệt độ, độ ẩm về ban đêm chênh lệch ban ngày, điều này liên quan trực tiếp đến áp lực nước lỗ rỗng trong đất. Khi thay đổi từ trạng thái ngày, đêm khiến áp lực lỗ rỗng thay đổi tác động đến cường suất trong khu vực địa hình sườn dốc sẽ kích thích sạt, trượt lở đất.
PGS.TS-Tran-Tan-Van

PGS.TS Trần Tân Văn giải thích về trượt lở đất đá

Ảnh Phan Hậu

Còn khả năng thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra nhiều hơn là, sạt lở đất đá khi một sườn dốc bị bão hoà nước. Qua các vụ sạt lở đất các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam thì những khu vực này đã mưa quá nhiều, mưa lớn dai dẳng trong nhiều ngày. Đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở.
“Ở khả năng thứ hai này thì trượt lở, sạt lở đất nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù ban ngày hay ban đêm. Nhưng nếu ban ngày, người dân quan sát được, có đủ thời gian chạy thì thiệt hại sẽ giảm. Còn trượt lở vào ban đêm, không quan sát được và đây là thời điểm người dân đang ngủ, không có sự đề phòng gì nên thiệt hại thường rất lớn, thảm khốc hơn so với các vụ xảy ra vào ban ngày”, ông Văn nói.

Kinh hoàng cảnh lũ quét cuốn trôi hàng chục nhà dân ở Quảng Nam

Đá bị va chạm mạnh, phá vỡ cấu trúc  gây ra tiếng nổ

Theo lời kể của những chân chứng thoát nạn trong các vụ trượt lở đất gần đây, trước khi sạt lở đất họ đều nghe thấy tiếng nổ chát chúa cùng với đó là bún đất, đá ầm ầm đổ xuống vùi lấp mọi thứ.
Điều này được PGS.TS Trần Tân Văn lý giải: "Trong nghiên cứu, chúng tôi gọi là trượt lở. Bởi tại điểm trượt bao giờ nó cũng có một khối rất lớn nằm ở phía trên, gọi là khối trượt. Còn bên dưới mặt trượt thường là mặt phẳng, hoặc vòng cung, bên dưới nữa là phần đất đá ổn định chưa bị trượt".
Khi trượt lở xảy ra, toàn bộ khối trượt sẽ di chuyển xuống phía dưới các sườn dốc, khối trượt và mặt trượt cọ sát tạo nên một lực ma sát rất mạnh dẫn đến các tiếng động lớn. Ngoài ra khi trượt lở như thế, lực ma sát làm phá hủy, phá vỡ toàn bộ cấu trúc đất đá cũng gây ra tiếng động, tiếng nổ lớn. “Qua thực tế có nhiều khối đá rất lớn đang nguyên vẹn nhưng khi trượt lở thì nó bị va chạm, chà xát nên bị nứt vỡ, phá thành nhiều khối khác nhau, tạo ra tiếng nổ”, ông Văn giải thích.

Bão Goni giật cấp 17 quần thảo "làm khổ" khoảng 30 triệu người Philippines

PGS.TS Trần Tân Văn cho rằng, ứng phó với với trượt lở, lũ quét là những hiện tượng cơ bản xảy ra một cách đột ngột, bất thần thì phổ biến vẫn là cảnh báo. Nghĩa là dựa trên hiện trạng, các yếu tố có thể góp phần gây ra trượt lở, lũ quét...để có những cảnh báo rằng khu vực này, khu vực kia có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét cao.
Còn nếu một địa điểm cụ thể có nguy cơ trượt lở, lũ quét cao và đã bắt đầu có những dấu hiệu sắp sửa xảy ra,  với một số vị trí quan trọng như một trung tâm dân cư lớn, một cơ sở hạ tầng thiết yếu thì người ta có thể lắp đặt các thiết bị quan trắc, có thể dự báo được khá chính xác thời điểm xảy ra trợt lở.
Nhưng việc này thường đắt tiền, đòi hỏi công nghệ cao và chỉ một số quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... mới hay làm và chỉ làm ở một số rất ít vị trí thiết yếu, còn cơ bản ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng làm giống như Việt Nam, họ đều sử dụng các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở đất.

Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất từ Nghệ An đến Phú Yên

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.