Nước ngọt phải được dán nhãn “không lành mạnh”
Singapore sẽ áp dụng các quy định về việc bắt buộc dán nhãn cảnh báo “không lành mạnh” cho sức khỏe và cấm hoàn toàn các quảng cáo đối với đồ uống có hàm lượng đường cao từ năm 2020, The Straits Times dẫn thông tin vừa được Bộ Y tế Singapore công bố. Đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế việc tiêu thụ đường, giảm nguy cơ gia tăng bệnh tiểu đường tại Singapore. Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người uống từ 1 - 2 lon nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 tăng 26%; từ năm 1975 đến nay, số người béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần.
Các đồ uống trong diện bị ảnh hưởng bởi quy định trên bao gồm các loại nước đóng hộp, chai và lon có chứa nhiều đường: nước ngọt có ga, nước trái cây, sữa chua dạng uống liền, cà phê hòa tan. Theo The Straits Times, các loại thức uống sẽ được dán nhãn với mã màu cho biết là thức uống lành mạnh, trung tính hoặc không lành mạnh. Việc làm này đã được thực hiện tại hơn 30 quốc gia và mang lại hiệu quả cao. Ví dụ như ở Chile, doanh số bán đồ uống mang nhãn “không lành mạnh” đã giảm 25% sau hơn 1 năm áp dụng biện pháp này.
Nhiều tác hại đối với sức khỏe
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Nhung, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Nước ngọt có ga là loại thức uống chứa CO2 bão hòa, chất làm ngọt, hương liệu tạo vị, phẩm màu, phụ gia, chất bảo quản… Thông thường, nước ngọt có ga còn chứa các acid như malic, tartric, citric, phosphoric… cộng với chất đường. “Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác hại phổ biến của nước ngọt có ga đối với sức khỏe con người, đặc biệt là tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường”, bác sĩ Nhung khuyến cáo.
Uống nhiều nước ngọt có ga tăng nguy cơ tử vong sớmMột nghiên cứu mới được công bố còn khuyến cáo uống nhiều nước ngọt có ga (kể cả loại không đường), đồ uống có đường và chất tạo ngọt nhân tạo có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm, theo The Guardian.
Nghiên cứu của các chuyên gia ở Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, được công bố trên chuyên san Jama Internal Medicine, cho biết những người uống 2 ly hoặc nhiều hơn 250 ml nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 17% so với những người uống ít hơn 1 ly một tháng.
Xem xét các nguyên nhân cụ thể gây tử vong, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêu thụ thường xuyên nước ngọt có vị ngọt nhân tạo liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn do các bệnh tuần hoàn, trong khi nước ngọt có đường có nguy cơ tử vong cao hơn do bệnh tiêu hóa. Nước giải khát nói chung cũng có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn do bệnh Parkinson.
|
Bác sĩ Nhung giải thích: Vai trò chính của insulin trong cơ thể là hướng dẫn glucose từ máu vào tế bào một cách chính xác. Tuy nhiên, việc tiêu thụ dư đường dưới dạng nước ngọt có ga buộc tuyến tụy phải tạo ra ngày càng nhiều insulin để xử lý. Điều này dẫn đến tình trạng kháng insulin, gây nguy cơ phát triển các bệnh lý tiêu cực, sau đó thường tiến triển đến trục trặc về chuyển hóa năng lượng như tiểu đường.
“Nước ngọt có ga cũng giống như nhiều loại đồ uống có chứa chất cồn như rượu bia ở chỗ chúng chứa nhiều ga và calo. Chính vì vậy, tiêu thụ nhiều sẽ dẫn tới đầy hơi, khó tiêu, tăng lượng mỡ thừa quanh bụng dẫn đến nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường, tăng huyết áp”, bác sĩ Nhung nói thêm.
Trường Y tế Công cộng Harvard T.H.Chan (Mỹ) thông tin: Đồ uống có đường là loại đồ uống có thêm đường hoặc chất làm ngọt (như si rô ngô hàm lượng đường cao, sucrose, nước trái cây cô đặc…). Các đồ uống này bao gồm soda, cola, nước tăng lực...
Khi nói đến việc xếp hạng đồ uống tốt cho sức khỏe thì đồ uống có đường rơi vào cuối danh sách vì chúng cung cấp rất nhiều calo và hầu như không có chất dinh dưỡng nào khác. Thường xuyên uống những đồ uống chứa đường này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và các bệnh mạn tính khác. Hơn nữa, tiêu thụ đồ uống có đường cao cũng có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm, theo nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H.Chan.
Các nguy cơ tổn hại sức khỏe do dùng nhiều đồ uống có đường được các chuyên gia cảnh báo là: tăng cân và béo phì, tiểu đường, các bệnh về tim mạch, gout và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương.
Bình luận (0)