Vì sao sông 'nuốt' đất ?

29/03/2023 08:28 GMT+7

Cơ quan chức năng H.Lắk (Đắk Lắk) cho rằng cần phải kiểm tra, xác định chính xác nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Ana, trong khi người dân phản ảnh sạt lở đất là do tình trạng hút cát trên sông.


Chỉ tay về phía con tàu đang nhả khói, thả vòi hút cát giữa sông Krông Ana, bà D.T.C (63 tuổi, trú buôn M'liêng, xã Đắk Liêng, H.Lắk) nói nạn hút cát là nguyên nhân chính khiến gia đình bà mất hơn 2 sào đất. Theo bà C., mấy năm trước tàu hút cát lũ lượt xuất hiện, hoạt động ngày đêm trên sông Krông Ana gây ra cảnh sạt lở bờ sông. Lo mất đất, bà C. và người dân trong buôn M'liêng nhiều lần cùng nhau ra ngăn cản, ném đất đá xuống sông để xua đuổi tàu cát, không cho họ chọc vòi vào sát bờ, nhưng không có kết quả. "Đuổi mãi cũng chán, chúng tôi đành bất lực, bỏ mặc. Khoảng 2 năm trước, sông đã "nuốt" sạch đất của gia đình tôi", bà C. thở dài.

Vì sao sông 'nuốt' đất ?  - Ảnh 1.

Bờ sông sạt lở khiến nhiều cây cà phê bật rễ sát mép nước

HOÀNG BÌNH

Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Ana đã trở thành nỗi lo sợ của nhiều hộ dân buôn M'liêng. "Có nhà gần sông thì lo mất nhà, có đất thì lo mất đất vì sạt lở. Hiện có đoạn sông đã khoét sâu vào khu dân cư, có hộ phải chuyển đi nơi khác vì sợ mùa lũ sẽ nguy hiểm tính mạng", anh D.V.L, một người dân buôn M'liêng, lo lắng. Cũng theo anh L., trước đây vườn nhà anh gần 3 sào đất (gần 3.000 m2), nằm cách sông Krông Ana khoảng 30 m. Đến nay, nhà anh chỉ cách bờ sông khoảng 10 m, vườn còn lại khoảng 1 sào.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện đoạn bờ sông Krông Ana thuộc địa bàn xã Đắk Liêng bị sạt lở khoảng 2 km, nhiều chỗ dấu vết sạt lở còn mới. Đất rẫy của người dân sát bờ sông xuất hiện nhiều vết nứt dài, nhiều gốc cà phê bật rễ, nằm chênh vênh ngay mép nước. Dù sạt lở bờ sông ở đây rất nghiêm trọng nhưng có thể nhận thấy các tàu vẫn hút cát...

CHỜ TÌM NGUYÊN NHÂN

Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng, cho biết sông Krông Ana chảy qua địa bàn xã với chiều dài khoảng 3 km. Thời gian qua, cử tri ý kiến rất nhiều về việc sạt lở đất sản xuất, đất gần khu dân cư với khoảng 10 hộ tại khu vực buôn M'liêng. Về nguyên nhân sạt lở, ông Hoàn cho rằng không hoàn toàn do tàu hút cát mà có thể do cả mưa lũ. "Trước đây tàu hút cát gần khu dân cư, nay đã cấm hút khu vực này nhưng tình trạng sạt lở vẫn đang xảy ra. Chúng tôi đang kiểm kê diện tích để có báo cáo cụ thể lên huyện", ông Hoàn thông tin.

Theo Phòng TN-MT H.Lắk, hiện toàn huyện có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Riêng tại sông Krông Ana có 3 đơn vị: Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa (cấp năm 2012, thời hạn 14 năm), Công ty TNHH VLXD Sông Núi (cấp năm 2009, thời hạn 18 năm) và Công ty TNHH VLXD Tây Nguyên (cấp năm 2009, thời hạn 20 năm).

Ông Phạm Thanh, Trưởng phòng TN-MT H.Lắk, cho biết UBND H.Lắk đã chỉ đạo UBND xã Đắk Liêng tổng hợp cụ thể về vị trí sạt lở, số hộ bị sạt lở, diện tích đất bị sạt lở… để báo cáo lên UBND huyện. "Sau khi có báo cáo, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban liên quan kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở là do lũ, do thủy điện hay do hút cát. Khi làm rõ nguyên nhân sạt lở mới có cơ sở xem xét giải quyết cho các hộ dân bị ảnh hưởng", ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, năm 2016 trên sông Krông Ana cắm 6 biển cấm khai thác cát trên chiều dài 1,8 km; trong đó đoạn qua xã Đắk Liêng 1,2 km, xã Yang Tao 600 m. UBND H.Lắk cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát những khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông, đề xuất đưa vào khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản. Trả lời câu hỏi có tàu cát nào vi phạm, bị lập biên bản xử phạt trong thời gian qua hay không, ông Thanh cho biết sẽ kiểm tra lại vì "mới về nhận công tác, chưa nắm rõ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.