Vì sao Tân Tạo, MIM bị kiểm toán từ chối?

Mai Phương
Mai Phương
28/02/2024 12:16 GMT+7

Một số doanh nghiệp niêm yết như Tân Tạo, Công ty Khoáng sản và Cơ Khí (MIM) đã bị các công ty kiểm toán từ chối thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) công bố thông tin bất thường về việc xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính và báo cáo thường niên năm 2023. Theo đó, Tân Tạo đã có công văn gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về lý do xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính.

Vì sao Tân Tạo, MIM bị kiểm toán từ chối?- Ảnh 1.

Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo bị 30 công ty kiểm toán từ chối

ITA

Cụ thể, đầu tháng 5.2023, công ty đã ký hợp đồng kiểm toán về soát xét báo cáo tài chính 2023 với Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán phía Nam (Công ty kiểm toán AASCS). Nhưng vào ngày 29.12.2023, công ty AASCS đột ngột gửi thông báo không thực hiện nội dung kiểm toán cho ITA do không thu xếp được nhân sự và thời gian, đồng thời thanh lý hợp đồng kiểm toán đã ký.

Theo ITA, AASCS ngừng thực hiện bởi hai kiểm toán viên là ông Phùng Văn Thắng và Tạ Quang Long dù đã thực hiện kiểm toán cho ITA báo cáo tài chính năm 2022 và bán niên soát xét năm 2023 đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tước giấy phép hành nghề trong 2 năm. Đây là trường hợp bất khả kháng để xin tạm hoãn công bố các báo cáo tài chính theo quy định.

Hơn nữa, Tân Tạo cho biết đã liên hệ với 30 công ty kiểm toán được chấp thuận trên thị trường, nhưng các công ty này đều lo sợ khi các công ty kiểm toán cho ITA đều bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tước giấy phép hành nghề như hai cá nhân nêu trên tại AASCS. Công ty cũng cho biết, trước đó, kiểm toán viên cho ITA tại Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cũng bị tước giấy phép hành nghề.

Trường hợp bị từ chối kiểm toán của Công ty Tân Tạo không phải mới nhưng cũng thuộc trường hợp hy hữu. Bởi một số công ty trước đó bị các công ty kiểm toán từ chối thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính do vướng vào các vụ án hình sự như trường hợp Tập đoàn FLC. Cụ thể, trong năm 2022, liên tục FLC cho biết không tìm được công ty kiểm toán chấp thuận ký hợp đồng để thực hiện báo cáo tài chính năm 2021. Đến cuối tháng 9.2022, FLC mới ký hợp đồng cung ứng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Tuy nhiên, cho đến nay giữa FLC và UHY vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm 2021. Do đó, FLC vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính năm 2021, năm 2022 và năm 2023 theo quy định.

Trong khi đó, có khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đã bị kế toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính dù vẫn thực hiện kiểm toán. Ví dụ đầu năm nay, Công ty CP Khoáng sản và Cơ khí (mã chứng khoán MIM) bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cảnh báo cổ phiếu MIM có khả năng bị hủy niêm yết do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022. Lý do đơn vị kiểm toán không thu thập được các hồ sơ, chứng từ liên quan đến các khoản phải thu, phải chi, thỏa thuận với các cá nhân mượn tiền...

Tương tự, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán TAR) cũng bị đơn vị kiểm toán AASCS từ chối đưa ra kết luận với báo cáo tài chính 6 tháng năm 2023 đã được soát xét của gạo Trung An (các báo cáo năm 2022 do đơn vị khác kiểm toán và cho ý kiến chấp nhận toàn phần). Theo đó, AASCS cho biết gạo Trung An đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13.9.2023 bao gồm: chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021; việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên báo cáo tài chính năm 2022 với giá trị hơn 1.255 tỉ đồng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.