Vì sao Thủ tướng Nhật có thể chọn công du Việt Nam đầu tiên?

01/10/2020 09:00 GMT+7

Trả lời Thanh Niên hôm qua 30.9, các chuyên gia quốc tế phân tích lý do và thông điệp của ông Yoshihide Suga khi chọn Việt Nam nằm trong lịch trình công du đầu tiên ở vị trí thủ tướng Nhật Bản.

Hôm qua, tờ Sankei và Đài NHK đưa tin tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sắp có chuyến công du đến Việt Nam và Indonesia vào giữa tháng 10 sắp tới. Theo đó, khi chuyến đi chính thức diễn ra thì đây là chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông Suga sau khi thay thế ông Shinzo Abe trong vai trò thủ tướng Nhật Bản.
Tờ Sankei dẫn một số nguồn tin từ chính phủ Nhật cho hay việc cho Việt Nam là địa điểm công du vì “Việt Nam đã kiểm soát tốt bệnh dịch Covid-19 và cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)”.

Vị thế của VN trong Indo-Pacific

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đặt ra 3 lý do tại sao ông Suga có thể chọn Việt Nam và Indonesia là các điểm đến trong chuyến công du đầu tiên với vai trò thủ tướng Nhật Bản.
“Thứ nhất, ông Suga kế thừa chính sách Indo-Pacific của người tiền nhiệm Shinzo Abe. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia là các quốc gia có vai trò quan trọng ở Indo-Pacific. Qua đó, Thủ tướng Suga cũng nhấn mạnh vị thế trung tâm của ASEAN đối với Indo-Pacific”, TS Nagao phân tích.
Thứ hai, theo TS Nagao, sau khi trở lại làm thủ tướng Nhật vào năm 2012, ông Shinzo Abe cũng từng chọn Việt Nam và Indonesia nằm trong số các quốc gia đầu tiên để công du. Vì chính sách đối ngoại của ông Abe được đánh giá là thành công, nên việc công du Việt Nam và Indonesia cũng giúp ông Suga khẳng định sẽ nối tiếp chính sách của người tiền nhiệm.
“Thứ ba, cả Việt Nam lẫn Indonesia đều chia sẻ cùng Nhật Bản trong nhiều vấn đề, nổi bật là các thách thức đang phải đối mặt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thêm vào đó, sự chia sẻ còn bao gồm các vấn đề như đều là quốc gia hàng hải cùng nhiều lợi ích giống nhau”, TS Nagao nhận định và cho rằng nếu ông Suga chọn Việt Nam, Indonesia trong chuyến công du đầu tiên thì đó là quyết định đúng đắn.
Liên quan các thách thức chung, đầu tháng 9, Đài NHK dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra trực tuyến, đã bày tỏ lo ngại về bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đảm bảo an ninh lâu dài ở Indo-Pacific

Thực tế, dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã đóng vai trò tiên phong trong giai đoạn đầu hình thành chiến lược Indo-Pacific mà về sau có thêm những hoạt động mạnh mẽ từ phía Mỹ. Trong chiến lược này, “bộ tứ kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đóng vai trò nền tảng quan trọng.
Không dừng lại ở đó, “bộ tứ kim cương” đang tăng cường hợp tác đa phương. Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ thông tin nước này lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.
Sau khi có thông tin về “bộ tứ kim cương” mở rộng đối thoại với 3 đối tác, trả lời Thanh Niên, GS Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia - Đại học Quốc gia Úc) từng nhận định: “Đối thoại bộ tứ mở rộng có thêm sự tham gia của Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cũng góp phần phối hợp xử lý các vấn đề chung của thế giới, điển hình như hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19”.
Ông Medcalf cho rằng đây là một trong các biện pháp để xây dựng hợp tác sáng tạo để hướng đến đảm bảo an ninh lâu dài ở Indo-Pacific.

Kỳ vọng cam kết từ Tokyo

Cũng trả lời Thanh Niên hôm qua, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) phân tích: “Khi Việt Nam và Indonesia là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của tân Thủ tướng Suga thì đây là thông điệp cam kết mạnh mẽ, lâu dài và liên tục trong chính sách đối ngoại của Tokyo với các quốc gia Đông Nam Á mà Nhật đánh giá là quan trọng đối với mục tiêu chiến lược dài hạn của Nhật”.
“Là những quốc gia có vị thế lớn ở Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của Nhật Bản ở khu vực này”, PGS Nagy đánh giá.
Ông cũng dự báo: “Nếu chuyến thăm diễn ra, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Thủ tướng Suga sẽ tái khẳng định cam kết của Nhật Bản đối với Đông Nam Á và có khả năng hỗ trợ các nước trong khu vực phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt, tăng cường sức mạnh kinh tế cũng như quan hệ giữa các nước”.
Ngoại trưởng Mỹ công du Đông Á
Hãng Reuters ngày 30.9 đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sắp có chuyến công du đến Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc nhằm củng cố mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực, trong bối cảnh mối quan hệ với Trung Quốc đang căng thẳng.
Chuyến thăm kéo dài từ ngày 4 - 8.10 sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông đến Đông Á, kể từ chuyến thăm Thái Lan vào tháng 7.2019. Trong khuôn khổ chuyến đi, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tham dự cuộc họp lần 2 của “bộ tứ kim cương”, gồm các nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc.
Giới phân tích cho rằng chuyến công du của ông Pompeo còn quan trọng vì diễn ra vào thời điểm sắp bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump xem việc tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc là chính sách đối ngoại quan trọng để tái đắc cử. 
Khánh An
Vai trò của Nhật với an ninh khu vực
Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ về các vấn đề an ninh của khu vực Indo-Pacific, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Nhật sẽ tập trận thường xuyên hơn với Mỹ ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Các cuộc tập trận có thể có sự tham gia của nước khác theo hình thức 3 hoặc 4 bên, như cuộc tập trận chung của Mỹ - Nhật - Úc - Hàn Quốc ở đảo Guam gần đây.
Về mặt ngoại giao, Nhật vẫn đóng vai trò hàng đầu trong việc cân bằng sự xâm nhập bằng tài chính của Trung Quốc đối với các nước ven Indo-Pacific. Hỗ trợ tài chính từ Tokyo sẽ cung cấp giải pháp thay thế, cạnh tranh với các dự án vay vốn của Bắc Kinh. Điều này giúp ngăn Trung Quốc thống trị về mặt tài chính đối với các nước đang có các khoản nợ lớn trong khu vực.
GS Yoichiro Sato 
(Chuyên ngành quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.