Vì sao tiêu, điều rơi vào tầm ngắm kẻ gian?

22/06/2024 06:25 GMT+7

5 lô hàng trong container bị "rút ruột" mới đây không phải là vụ đầu tiên hàng hóa bị mất trộm trên đường xuất khẩu. Rất nhiều lô hàng hạt điều, hồ tiêu đã trở thành mục tiêu trộm cắp, lừa đảo trong 10 năm qua. Vì sao tiêu, điều lại lọt vào tầm ngắm?

Mất trộm bí hiểm

Cho đến ngày hôm qua 21.6, cuộc điều tra vụ mất trộm hàng trong container hạt tiêu, cà phê xuất phát từ cảng Cát Lái vẫn chưa có tiến triển khả quan. Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị VN (VPSA), cho hay: "VPSA đã có buổi gặp gỡ trực tiếp đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị quản lý Cảng Cát Lái, nhưng sau đó vẫn chưa có thông tin gì tích cực, dấu hiệu rút ruột container vẫn chưa được làm rõ. Trước mắt, một số doanh nghiệp (DN) tạm thời giao bù lượng hàng bị mất để tránh ảnh hưởng uy tín, mặt khác tiếp tục chờ đợi kết quả điều tra". Theo VPSA, đối với các lô hàng xuất khẩu, có DN mua bảo hiểm nhưng cũng có DN không mua đầy đủ. Mà dù có mua bảo hiểm thì vẫn phải đợi kết quả từ phía cảng và cơ quan chức năng để có cơ sở giải quyết các bước tiếp theo.

Vì sao tiêu, điều rơi vào tầm ngắm kẻ gian?- Ảnh 1.

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, nhiều DN hội viên VPSA thông báo tình trạng thiếu hụt một lượng hồ tiêu và cà phê so với hợp đồng đã ký kết được phát hiện tại cảng đến. Thống kê cho thấy khối lượng hàng hóa bị mất chiếm từ 7 - 28%, đều cùng một cảng hạ tại Cát Lái và đều nằm tại cảng trong một thời gian do tàu bị hoãn. Tổng cộng có hơn 18,5 tấn cà phê, hồ tiêu (trị giá 2,7 tỉ đồng) của 5 DN xuất khẩu đã bị "rút ruột", khiến đối tác nước ngoài không nhận đủ số lượng như đã ký. Trong đó, tiêu bị mất hơn 8,2 tấn, còn cà phê là 10,3 tấn.

Trước đây, hồ tiêu, hạt điều, cà phê từng trở thành đích ngắm của những đối tượng trộm cắp, lừa đảo nước ngoài. Vào năm 2022, Hiệp hội Điều VN (VINACAS) phát hoảng vì hàng trăm container hạt điều xuất khẩu có dấu hiệu bị lừa đảo, bị kẻ gian dùng thủ thuật chiếm đoạt ở cảng đến, nguy cơ mất hàng trăm tỉ đồng. Sau đó, với sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo cũng như hỗ trợ của thương vụ VN tại nước ngoài, các lô hàng đã lần lượt thu hồi về được nhưng cũng gây không ít thiệt hại về giá bán, chi phí vận chuyển…

Cùng năm 2022, một DN khác xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria, qua trung gian là một công ty đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng, nhưng khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là Công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách gian lận thương mại từ tháng 6.2022. Theo hải quan cảng Mostaganem, Công ty Eurl ATS Food mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, cũng như đổi DN nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng. Theo hải quan nước sở tại, hơn 5 tháng nằm ở cảng, hải quan Algeria được quyền bán đấu giá lô hàng này.

Năm 2023 lại xảy ra vụ 5 container hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi trị giá gần nửa triệu USD đã bị lừa đảo tại thị trường Dubai. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan chức năng, các lô hàng đã được đưa về, tuy vậy thiệt hại để theo đuổi các vụ kiện là cực kỳ lớn. Từ đó, phía Hiệp hội đề nghị DN thận trọng khi giao dịch với các DN có dấu hiệu đáng ngờ.

Bên cạnh rủi ro gặp các đối tác lừa đảo, DN xuất khẩu tiêu, điều còn đối mặt nguy cơ bị tài xế "rút ruột" trên đường vận chuyển. Trong vòng 10 năm qua, tình trạng kẻ gian lấy trộm mặt hàng xuất khẩu liên tiếp xảy ra, nhiều vụ đã được công an điều tra, giải quyết, bắt giữ thủ phạm, tuy nhiên vẫn chưa thể chấm dứt hẳn nạn trộm cắp hàng hóa.

Vì sao nhắm đến tiêu, điều ?

Vì sao các đối tượng trộm cắp, lừa đảo lại thường xuyên nhắm đến mặt hàng tiêu, điều? Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực VINACAS, lý giải: "Hiện nay các mặt hàng nông sản của VN đang tăng giá rất cao, hạt tiêu đang có giá cao kỷ lục từ trước đến nay, hạt điều năm nay cũng mất mùa, khiến giá bán tăng 40 - 50%, cà phê có hiện tượng tăng giá thần tốc, vượt mức cao nhất trong lịch sử. 

Mặt khác, nếu trộm cắp các mặt hàng quần áo, giày dép, lúa gạo… thì giá trị thấp, hàng hóa cồng kềnh, tiêu thụ khó khăn. Mặt hàng thủy sản, trái cây thì phải bảo quản trong container lạnh. Còn đối với mặt hàng cà phê, hồ tiêu, hạt điều…, nguồn cung trong nước không còn nhiều, giá tăng cao nên chắc chắn rằng chỉ cần rút ruột được 15 - 20% số hàng hóa trong container thì kẻ trộm đã có được tài sản lớn, việc tiêu thụ hàng gian cũng dễ dàng vì nhu cầu thu mua nguyên liệu rất lớn".

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, bức xúc: "Công ty tôi từng là nạn nhân của tình trạng "rút ruột" container, không phải một lần mà rất nhiều lần, đến mức hiện nay chúng tôi phải đầu tư một đội container của riêng mình để kéo điều nhân xuất khẩu, hạn chế nạn trộm cắp nói trên". Theo ông Vũ Thái Sơn, mặt hàng tiêu, điều thường trở thành mục tiêu dòm ngó của kẻ gian, đồng thời là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo quốc tế vì giá trị khá cao. 

"Đối với mặt hàng hạt điều, chỉ cần rút nửa container thì đã kiếm được 50.000 USD. Một điểm yếu khác là việc cân đối chiếu tại các cảng trong nước hiện nay cũng chỉ thực hiện một cách chiếu lệ chứ chưa phải cân chính xác thật sự. Nếu làm nghiêm ngặt việc cân trọng lượng thì kẻ gian muốn rút ruột phải chuẩn bị nhiều công cụ phức tạp hơn, ví dụ như phải dùng gạch đá, hoặc thùng nước để thay thế vào lượng hàng hóa rút ra", ông Vũ Thái Sơn nhận định.

Đối với tình trạng lừa đảo quốc tế, đã có nhiều DN xuất khẩu là nạn nhân, tuy nhiên trong số các vụ việc gây chú ý nhất thì mặt hàng tiêu, điều vẫn là tâm điểm. Giải thích về hiện tượng này, lãnh đạo VINACAS phân tích: "Mặt hàng hạt điều có giá trị rất cao, có nhu cầu tiêu thụ ở cả châu Mỹ, châu Âu, châu Á nên chỉ cần lừa đảo được 1 container hạt điều thì đã có hàng trăm ngàn USD. Trong khi đó, các DN chế biến điều nhân xuất khẩu luôn chịu áp lực phải bán hàng ra để duy trì vòng vốn, việc mua bán lại phụ thuộc khá nhiều vào các đối tác môi giới, giao tiếp qua internet nên dễ dàng mắc lừa do tâm lý chủ quan, nôn nóng".

Mới đây, VSPA đã ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo quốc tế, trong đó nêu danh sách cụ thể 39 DN có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị các hội viên cẩn trọng khi giao kết hợp đồng. VPSA khuyến cáo: Đối với khách hàng mới giao dịch lần đầu, có thể nhờ Thương vụ VN tại nước sở tại kiểm tra thông tin DN nhập khẩu. 

Nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao dịch kinh doanh thương mại với đối tác các nước tại Tây Á, Bộ Công thương và các hiệp hội cũng khuyến nghị DN hết sức lưu ý đối với các hợp đồng giá trị lớn, nhất là với các đối tác tìm kiếm qua mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.