Vì sao TP.HCM chưa giải quyết dứt điểm người lang thang xin ăn?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
02/08/2024 14:29 GMT+7

Mặc dù, có nhiều nỗ lực, TP.HCM vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin ăn. Có nhiều nguyên do, chủ yếu là mặt chủ quan khi còn nhiều quận, huyện chưa quyết liệt vào cuộc.

Sáng 2.8, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 812 năm 2023 của UBND TP.HCM về cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an TP.HCM, cho hay kể từ khi triển khai Quyết định 812, lực lượng công an đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, tuần tra, phối hợp 55.566 lượt; phát hiện và ghi nhận hơn 4.300 trường hợp thuộc diện trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.

Trong số đó, đã giao 570 trường hợp (409 nam, 161 nữ) về cho gia đình, địa phương quản lý (do xác định rõ nơi cư trú hiện tại); lập hồ sơ hơn 2.500 trường hợp để đưa vào cơ sở xã hội… và chưa ghi nhận, xử lý trường hợp nào là đối tượng chăn dắt.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tình trạng người lang thang xin ăn vẫn còn nhiều, xuất hiện nhiều nhất vào các dịp lễ, tết, tại các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, TP.Thủ Đức hay gần gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng dầu, chợ truyền thống.

Vì sao TP.HCM chưa giải quyết dứt điểm người lang thang xin ăn?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phát biểu tại hội nghị

T.N

Lý giải nguyên do, theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện đời sống người dân còn nhiều khó khăn; nhiều người di cư vào TP.HCM đi xin ăn kiếm sống qua ngày và điều này dẫn đến tạo áp lực về an sinh xã hội, việc làm nói chung của địa phương.

Khi công tác thu dung người lang thang xin ăn được thực hiện quyết liệt hơn, nhiều người có hành vi đối phó với lực lượng chức năng. Điển hình việc người lang thang xin ăn giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su…, hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các quận, huyện.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, việc chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng người lang thang xin ăn chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác trợ giúp xã hội và quản lý tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn; công tác thu dung người lang thang xin ăn ở nhiều nơi chưa đồng bộ, thường xuyên, còn mang tính hình thức, chưa triệt để.

Tham luận tại hội nghị này, bà Trần Thanh Túc, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH Q.3, cho hay UBND Q.3 đã lập 12 tổ công tác ở mỗi phường và các phường ký liên tịch với nhau thành 5 cụm để tuần tra, khảo sát ở những tuyến đường trọng điểm như Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, khu vực chùa Vĩnh Nghiêm, nhà thờ Vườn Xoài, chợ Bùi Phát…

Tuy nhiên, Q.3 cũng cho rằng, hoạt động của các tổ công tác chưa đồng đều do các thành viên đều kiêm nhiệm. Trong khi đó, người lang thang xin ăn trên địa bàn chủ yếu từ địa phương khác về; tỷ lệ người tái lang thang xin ăn còn cao, dù địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống.

Không trực tiếp cho tiền người xin ăn

Vì sao TP.HCM chưa giải quyết dứt điểm người lang thang xin ăn?- Ảnh 2.

TP.HCM đối diện gánh nặng giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn

NHẬT THỊNH

Theo UBND Q.1, để hạn chế và từng bước đẩy lùi thực trạng ăn xin, TP.HCM cần triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xử lý răn đe các đối tượng chăn dắt trẻ em, người già, người khuyết tật đi xin ăn. Đặc biệt, TP.HCM cần đẩy mạnh truyền thông đến người dân việc không trực tiếp cho tiền người lang thang xin ăn, tránh nguy cơ "tiếp tay" cho đối tượng chăn dắt.

Cũng nêu ý kiến này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng các cơ quan liên quan nên có giải pháp định hướng lại việc làm từ thiện của người dân và nhiều hội nhóm thiện nguyện hiện nay (ví dụ như phát quà từ thiện ngoài đường), tránh tình trạng hỗ trợ không thiết thực, không đúng diện người cần thụ hưởng. Đồng thời, có giải pháp tránh mất sức cho đội ngũ cán bộ, bởi hiện nay, tính theo quy mô thì các tổ công tác phải kiểm tra 13 người thì mới phát hiện 1 người lang thang xin ăn.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề xuất TP.HCM giao Công an TP.HCM chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra phối hợp; rà soát, lập danh sách và tập trung điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng liên quan đến tổ chức chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đi xin ăn để đưa ra truy tố trước pháp luật.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ địa bàn; chủ động rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú và phối hợp chặt chẽ Công an TP.HCM nhằm phát hiện, ngăn chăn kịp thời các đối tượng chăn dắt, lợi dụng người yếu thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.