Hơn 1.000 người lang thang xin ăn ở TP.HCM nằm trong độ tuổi lao động

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
02/08/2024 10:21 GMT+7

Trong số 2.353 người lang thang xin ăn mà TP.HCM thu dung, lập hồ sơ đưa vào cơ sở xã hội khoảng 1 năm qua, thì có tới 1.059 người (chiếm 45%) nằm trong độ tuổi lao động.

Sáng 2.8, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 812 năm 2023 của UBND TP.HCM về cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn.

Theo báo cáo của đơn vị, tính đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp với tổ công tác tại xã, phường, thị trấn kiểm tra, tuần tra, phối hợp 55.566 lượt; phát hiện và ghi nhận 4.356 trường hợp.

Trong số đó, đã giao 570 trường hợp (409 nam, 161 nữ) về cho gia đình, địa phương quản lý (do xác định rõ nơi cư trú hiện tại); lập hồ sơ 2.353 trường hợp đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội (có 368 trường hợp thuộc diện tâm thần lang thang); phối hợp với cơ sở y tế để điều trị 4 trường hợp nhiễm HIV, 1.429 trường hợp còn lại lập hồ sơ theo quy định diện khác nằm ngoài Quyết định 812.

Ngoài ra, TP.HCM cũng lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội 220 trường hợp người có quốc tịch nước ngoài lang thang xin ăn và đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác xác minh, bàn giao cho nước sở tại đảm bảo an toàn, theo quy định.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã bố trí 16 cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận, sàng lọc và phân loại đối tượng, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng.

Theo đơn vị, con số 2.353 người lang thang xin ăn được đưa vào cơ sở xã hội tăng 49% so với cùng kỳ (1.578 người). Trong đó, có 145 trẻ em (chiếm 6%), 336 người cao tuổi (14%), 96 người khuyết tật (4%), 92 hộ gia đình, lang thang xin ăn (4%), 368 người bệnh tâm thần (16%), 37 người trợ giúp khẩn cấp (2%), 1.059 người trong độ tuổi lao động (từ đủ 16 - 60 tuổi) lang thang xin ăn (chiếm 45%) và 220 diện khác (9%).

Xét về nơi cư trú, có 557 người lang thang xin ăn có đăng ký thường trú ở TP.HCM nhưng không thường xuyên sinh sống (chiếm tỷ lệ 24%), 1.065 người có đăng ký thường trú ở tỉnh và các thành phố khác (45%), 509 người không có nơi cư trú (22%), 220 là trường hợp khác (9%).

Qua 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 812, giám đốc các cơ sở trợ giúp xã hội đã ban hành 1.092 quyết định dừng trợ giúp xã hội để bàn giao các diện về cho gia đình, cộng đồng tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng, chiếm tỷ lệ 46% so với số tiếp nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.