Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét như trên khi nói về một "Sài Gòn hào sảng". Đây cũng là ý kiến của nhiều người trong cuộc khảo sát của chúng tôi sau khi TP.HCM giữ vị trí quán quân về nơi nhiều người muốn sống nhất.
"Vùng đất hứa" bao dung
Báo cáo "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023" vừa được công bố cho thấy TP.HCM là địa phương mà người dân các tỉnh thành khác muốn di cư đến nhiều nhất, tiếp theo là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Lâm Đồng. Vì sao TP.HCM kẹt xe, ngập nước, giao thông ùn tắc lại là sự lựa chọn của nhiều người dân ngoại tỉnh?
Hỏi câu này với Nguyễn Thanh Sang, quê Cần Thơ, lên TP.HCM học nghề cơ khí và đang làm việc tại đây, cậu nói đơn giản: TP.HCM cho cậu công việc, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gửi về cho gia đình. Sang kể: "Gần 5 năm ở TP.HCM, nhưng hết 2 năm bấp bênh, nhiều tháng thất nghiệp vì dịch Covid-19. Sau đại dịch, em cũng đã định về quê sống, vào Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) xin việc nhưng không ổn. Thu nhập thấp hơn và vẫn phải thuê nhà, thế là em khăn khói quay lại TP.HCM. Ở đây có việc làm ổn định, tuy ở trọ, nhưng cũng dành dụm được tiền thỉnh thoảng gửi giúp má nuôi em ăn học".
Chị Văn Thị Sửu (Q.Tân Phú, TP.HCM), quê Hà Tĩnh vào TP.HCM từ năm 1999, khi Q.Tân Phú chưa được thành lập. Làm công nhân tại nhà máy sản xuất giày Bita's trên đường Âu Cơ được 3 năm, sau nhà máy dời ra Hương Lộ 2, Q.Bình Tân, chị nghỉ việc vì đi xa, chuyển sang bán cà phê cóc trên đường Độc Lập (Q.Tân Phú) mưu sinh. Rồi lập gia đình, có 2 đứa con, đến nay chị vẫn ở trọ tại Q.Tân Phú, chuyên giúp việc theo giờ cho nhiều gia đình trong quận. "Mình không được học hành, ở quê quá khó khăn, hồi đó vào TP.HCM nghĩ làm gì cũng được, miễn đủ sống. Sau có con cái, đã đôi lần có ý định về quê vì ở quê có nhà cửa vườn tược thoải mái, nhưng về đó chỉ có cái nhà để ở, biết lấy gì mà nuôi con ăn học? Nên bám lại TP.HCM và cho đến nay thì không nghĩ sẽ rời đây nữa. TP.HCM dù có ở trọ vẫn thấy dễ sống, con cái không phải bỏ học…", chị Sửu bộc bạch.
Khác với 2 trường hợp trên, anh Nguyễn Chánh Tuệ (Q.7, TP.HCM) từng học ngành marketing tại một trường đại học quốc tế tại TP.HCM, cơ hội du học đối với Tuệ cũng không quá khó khi anh từng đạt học bổng của 2 trường tại Mỹ. Song do đại dịch bùng phát, nên anh buộc phải chuyển hướng, quyết định rời Đà Nẵng vào TP.HCM đi học và đi làm. Nguyễn Chánh Tuệ có quan điểm khá rõ ràng: "TP này có nhiều cơ hội phù hợp với ngành nghề để lứa trẻ theo đuổi. Đây cũng là môi trường năng động và thay đổi liên tục, đáp ứng xu hướng thời đại và thích hợp để phát triển kinh tế. Tôi thích thành phố này vì tính năng động, hiện đại và trẻ trung của nó". Hiện Nguyễn Chánh Tuệ đang làm việc tại một trường đại học của Mỹ, đặt tại TP.HCM và anh cho biết khá hài lòng với công việc, cuộc sống ở TP này.
Người ngoại tỉnh đóng góp lớn cho TP
Trong thực tế, TP.HCM không chỉ là nơi "cưu mang" cho những người vào đây lập nghiệp, ở trọ, kiếm sống đơn thuần, ngay cả với người đã có cuộc sống ổn định, đóng đô tại TP này quá nửa đời người, có nhiều cơ hội thay đổi môi trường sống, thì họ vẫn chọn ở lại.
Chị Nguyễn Thị Quốc Khánh, hoạt động trong ngành logistics, văn phòng đặt tại Q.1, nhận xét ngắn gọn: TP này dễ kiếm việc làm, cơ hội làm giàu không hiếm, TP cung ứng việc làm cho thành phần lao động phổ thông, từ lao động chân tay đến vị trí quản lý cao cấp trong các tập đoàn nước ngoài. Nói chung, một nơi có nhiều cơ hội việc làm, nơi đó có thể khiến bạn giàu có hơn, thoải mái và tạo dựng cuộc sống bền vững hơn.
"Đặc biệt, dịch vụ tại TP.HCM từ vui chơi, giải trí đến giáo dục, y tế đều tốt hơn. Bên cạnh đó, thời tiết tại TP.HCM không khắc nghiệt như ở miền Trung hay miền Bắc. TP.HCM không có mùa lạnh tê tái, cắt da cắt thịt, cũng không có nồm ẩm khó chịu. Đó là điểm cộng mà không chỉ với người trong nước, ngay nhiều bạn trẻ người nước ngoài cũng thích sống tại TP này", chị Quốc Khánh chia sẻ và nói thêm ngay chung cư nơi chị đang sinh sống, còn có những hàng xóm "trên cả tuyệt vời": "Họ là người Sài Gòn gốc và cả dân tứ xứ về đó mua nhà ở, nhưng nét chung là chúng tôi tạo lập được môi trường sống tình cảm, hòa nhã, thân thiện và tin cậy. Trong không gian đó khiến mình yêu thành phố nơi mình sống hơn".
PGS-TS Phan An nhận xét một thành phố được coi là đầu tàu kinh tế của quốc gia chắc chắn phải hội đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". TP.HCM hoàn toàn có đủ các yếu tố đó. Sống gần 50 năm ở TP, ông theo dõi những chuyển đổi của TP theo từng giai đoạn, từ góc phố đến hàng cây ven đường. "Chính vì đây là nơi mang đến cho dân chúng niềm tin về tương lai, công việc, cuộc sống, học hành… nên mấy mươi năm qua, nhiều cuộc di dân từ thôn quê lên thành thị, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn là vậy. Không chỉ với người dân trong nước, ngay cả nhiều người nước ngoài cũng thích cuộc sống tại đây", ông nhận xét.
Tuy vậy, chính vì là "vùng đất hứa" của nhiều người, nên chất lượng không khí, môi trường, giao thông... quá tải là điều khó tránh khỏi. Đó là những vấn đề TP phải cải thiện nhanh chóng bài bản để giữ được sự hấp dẫn của mình.
"Bởi người các nơi muốn di cư đến đây không chỉ là để kiếm sống mà họ cũng đang đóng góp cho sự phát triển của TP. Sức hấp dẫn nhà đầu tư đến TP cũng một phần nằm ở lực lượng lao động từ các nơi, kể cả nhân sự cao cấp. Nếu không có người công nhân may áo, doanh nghiệp không có hàng để xuất khẩu, đóng thuế cho TP, TP cũng không thể thu ngân sách từ các dịch vụ logistics, thuế nhà ở… Để giữ được ngôi đầu bảng là vùng đất hứa của nhà đầu tư, của người dân nhiều nơi, TP cần có tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch. Phải phát triển mạnh mẽ các dự án hạ tầng, giao thông. Quan sát cho thấy bộ mặt của TP có nhiều đổi thay nhưng có vẻ chững lại trong vài năm gần đây, một phần có thể do ảnh hưởng dịch bệnh. TP cần có những dự án mang lại sự mới mẻ, hiện đại cả về hình thức lẫn nội dung", PGS-TS Phan An khuyến nghị.
TP.HCM còn rất trẻ so với các thành phố lớn trên thế giới, tiềm năng phát triển còn rất lớn. Thế nên, phải hướng đến xây dựng một siêu đô thị, phải có những thành phố nhỏ trong một thành phố lớn, bởi cứ để phát triển tự nhiên thế này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, thậm chí nhếch nhác cho TP, khi muốn sửa đổi, sẽ rất khó. Chính sách giãn dân bằng cách đầu tư hạ tầng, phát triển văn hóa đô thị tại các TP nhỏ. Nơi đó ngoài những tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính số, cũng phải có bảo tàng, nhà hát… Phải tạo không gian sống đúng nghĩa cho thế hệ tương lai. Làm được những điều này, chỉ có lợi cho TP và tiến đến một siêu đô thị văn minh, có tầm vóc hơn.
PGS-TS Phan An
Bình luận (0)