Vì sao TP.HCM khó kéo giảm nhanh số nam giới hút thuốc lá?

Duy Tính
Duy Tính
30/03/2024 13:27 GMT+7

Đối với người hút thuốc lá lâu năm thì bỏ là việc rất khó. Nhiều người bỏ thuốc lá điếu thì chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử.

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo về chỉ tiêu giảm tác hại của thuốc lá của nam giới tại TP.HCM đến năm 2025.

Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành là 44,4%. Phấn đấu đến năm 2025, TP.HCM giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống còn 37%.

Vì sao TP.HCM khó kéo giảm nhanh số nam giới hút thuốc lá?- Ảnh 1.

Khó kéo giảm nhanh tỷ lệ người hút thuốc lá

DUY TÍNH

Nhưng theo Sở Y tế TP.HCM để đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là khó vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất đó là sự xuất hiện của thuốc lá điện tử trong vài năm gần đây, đặc biệt tập trung nhóm tuổi thanh thiếu niên, vị thành niên (minh chứng từ tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu có giảm, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng...) đã góp phần làm giảm chậm tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung. 

Thứ hai, chưa có quy định về quản lý việc nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử. Các loại thuốc lá điện tử hiện đang được bán rộng rãi thông qua mạng xã hội. 

Thứ ba, giá bán thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn rẻ so với thế giới. 

Thứ tư, công tác quản lý việc mua bán thuốc lá trên thị trường chưa được chặt chẽ. 

Cuối cùng là việc phối hợp liên ngành trong việc xử lý vi phạm luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhất là hành vi hút thuốc nơi công cộng bị cấm vẫn còn hạn chế.

Từ những khó khăn trên, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện. Đó là tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử ở giới trẻ. Kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các cấp. Xây dựng kế hoạch thực thi luật Phòng chống tác hại của thuốc lá hằng năm.

Tăng cường quản lý việc buôn bán, quảng cáo thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử. UBND các cấp hướng dẫn thực hiện việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở khách sạn, nhà hàng và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá trên địa bàn.

Sở, ngành, UBND các cấp tổ chức các đợt thanh kiểm tra thực hiện luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, xử lý các vi phạm theo lĩnh vực được phân công.

Xây dựng tổ ấm không khói thuốc lá

TP.HCM cũng đưa ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động của người dân tại nhà từ 26,1% vào năm 2020 xuống còn 20% vào năm 2025 và tại nơi làm việc từ 47,7% xuống còn 35%.

Để có thể đạt chỉ tiêu đề ra, theo Sở Y tế TP.HCM, cần triển khai các mô hình không hút thuốc lá tại cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, nơi làm việc, bến tàu, bến xe, hộ gia đình... đã được các sở, ban ngành, chính quyền địa phương triển khai từ nhiều năm qua.

Cần triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn; đẩy mạnh thực hiện nghiêm việc xây dựng môi trường không khói thuốc ở nơi làm việc, xử lý nghiêm các hành vi hút thuốc lá nơi bị cấm.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần phát động phong trào xây dựng tổ ấm không khói thuốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.