Vì sao Trung Quốc tính chuyện bỏ 40.000 đập thủy điện?

Khánh An
Khánh An
19/08/2021 14:16 GMT+7

Việc xây dựng các đập thủy điện tràn lan và thiếu quy hoạch đang khiến Trung Quốc loay hoay nâng cấp hoặc tháo dỡ nhiều đập trở nên thiếu hiệu quả.

Trung Quốc muốn nền kinh tế khổng lồ của nước này giảm lệ thuộc vào than và nhiên liệu hóa thạch nhằm đạt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2060, nhưng vẫn tìm cách bỏ đến 40.000 nhà máy thủy điện.
Theo Bloomberg, câu trả lời nằm trong lịch sử của việc cố gắng kiểm soát các con sông.

‘Chinh phục thiên nhiên’

Từ khi cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông cổ vũ cho việc “chinh phục thiên nhiên” vào thập niên 1950, Trung Quốc đã ồ ạt xây các đập thủy điện lớn để phát điện, kiểm soát lũ và cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt.
Tuy nhiên, giờ đây nước này đang chứng kiến hậu quả của việc xây dựng tràn lan. Nhiều con đập quá nhỏ để phát công suất đáng kể, một số thì dư thừa do sông cạn khô, hồ có nhiều chất trầm tích hoặc bị các đập khác xây trên thượng nguồn thay thế.
Theo ông Uông Vĩnh Thần, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Green Earth Volunteers (Trung Quốc) chuyên bảo vệ các con sông, từ lâu mọi người nghĩ rằng để nước chảy xuôi mà không làm gì là lãng phí.

[VIDEO] Trung Quốc có thêm đập thủy điện khổng lồ trên thượng nguồn đập Tam Hiệp

Tại vùng phía tây Bắc Kinh, một trong những dự án thủy điện đầu tiên của Trung Quốc đang được chuyển đổi thành một khu du lịch. Các công nhân bận rộn xây đường sá và những căn nhà xinh đẹp gần trạm Mô Thức Khẩu.
Được xây vào năm 1956, dự án 6.000 KW này nằm tại trung tâm công nghiệp cũ của Bắc Kinh là Thạch Cảnh Sơn và là nhà máy thủy điện tự động đầu tiên được thiết kế và xây dựng độc lập.
Đập được xây trên một kênh chuyển nước từ sông Vĩnh Định, nguồn cung cấp nước uống chính cho thành phố trước khi trở nên quá ô nhiễm vào thập niên 1990.
Đập Mô Thức Khẩu chưa từng chính thức dừng vận hành mà giảm phát điện dần, hậu quả của việc khô hạn ở miền bắc và nhu cầu nước gia tăng ở thượng nguồn.
Có đến hơn 80 dự án trữ nước được xây chỉ tại khu vực Bắc Kinh. Đến năm 2010, con sông khô cạn trung bình đến 316 ngày/năm.

“Quy hoạch tồi”

Thủy điện Mô Thức Khẩu đã có “cuộc sống mới” nhờ vị trí gần thủ đô, nhưng nhiều đập thủy điện cũ khác không may mắn như thế.
Tại làng Lữ Du Võng cách đó khoảng 90 phút lái xe về phía thượng nguồn, một đập bê tông cao 68m được xây xong vào năm 1980 để kiểm soát lũ. Dự án mất 6 năm để xây dựng nhưng chưa cần dùng đến một lần nào.
“Quy hoạch tồi. Ngày nào đó nó sẽ sụp đổ nên tôi chưa từng đến gần”, một cụ ông họ Cao tại làng này cho biết.
Quy mô của việc xây đập ở Trung Quốc khó ước tính hết. Đến cuối năm 2017, con sông dài nhất Trung Quốc là Trường Giang cùng các phụ lưu đã có hơn 24.000 đập thủy điện trải dài qua 10 tỉnh. Ít nhất 930 đập được xây mà không có đánh giá tác động môi trường.

Chết người, ảnh hưởng môi trường

Nhiều con đập cũ là mối đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa lũ. Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, có đến 3.515 con đập bị vỡ từ năm 1951-2011. Trong số đó có đập Bản Kiều tại tỉnh Hà Nam cùng 61 đập khác bị vỡ chỉ sau 6 giờ mưa lớn vào tháng 8.1975 khiến 240.000 người chết.
Đập thủy điện tiếp tục gây tác hại tại Trung Quốc. Trong năm nay, 2 đập ở khu Nội Mông đã bị vỡ do mưa lớn và mưa lũ cũng khiến hơn 300 người thiệt mạng tại Hà Nam.
Trung Quốc tiếp tục xây các dự án lớn, trong đó có thủy điện Bạch Hạn Than công suất lên đến 16 GW khánh thành vào kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, chính phủ đã bày tỏ ý định dừng phát triển các dự án nhỏ hơn.
Các đập lớn ngày càng bị chỉ trích vì tác động môi trường do thay đổi dòng chảy, nhấn chìm môi trường sống và cản trở sự di cư, sinh sản của cá.
Kể từ khi đập Tam Hiệp xây xong trên Trường Giang vào năm 2006 sau 2 thập niên triển khai, nhiều hồ nước hạ du đã có mực nước giảm đáng kể hoặc khô cạn.
Vào năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm khu vực Trường Giang và Tần Lĩnh ở đông bắc và kêu gọi bảo vệ môi trường tốt hơn. Một chiến dịch được triển khai nhằm cải thiện hoặc tháo dỡ 40.000 đập thủy điện nhỏ.
“Những con sông đang bị khai thác quá mức sau nhiều thập niên xây dựng mà không quy hoạch đúng”, theo ông Mã Quân, giám đốc Viện các vấn đề Công cộng và Môi trường Trung Quốc.
Giờ đây, tháo dỡ các đập thủy điện là việc nguy hiểm, tốn kém và là dự án lớn. “Trung Quốc được lợi quá nhiều qua các thập niên với các dự án về nước. Có lẽ đã đến lúc lĩnh vực này phải trả lại để phục hồi môi trường”, theo ông Mã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.