Hiệu ứng của công nghệ này tại World Cup vừa qua đã góp phần tạo nên cơn sốt phạt đền, nhiều bàn thắng ở phút cuối và quan trọng là đã làm thay đổi 17/20 quyết định sai của trọng tài trước đó. FIFA thống kê trong tổng cộng 64 trận đấu ở World Cup 2018, VAR đã kiểm tra đến 455 tình huống nghi ngờ (trung bình 7,1 lần kiểm tra/trận), trong đó có 20 lần trọng tài nhờ hỗ trợ từ VAR đã mang lại nhiều công bằng cho các trận đấu.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nói: “Với VAR, thời của những bàn thắng việt vị hay gây tranh cãi lâu nay coi như đã chấm dứt. VAR về bản chất không làm thay đổi bóng đá, nhưng nó đã giúp bóng đá “sạch” và chính xác hơn. VAR rõ ràng đã tạo ra một thời đại mới cho bóng đá”.
Với một công nghệ được đánh giá quá ổn như vậy, ông Richard Scudamore, Giám đốc điều hành giải Ngoại hạng Anh, cho biết FIFA chắc chắn sẽ cho áp dụng rộng rãi đến từng giải đấu không chỉ trong hệ thống của FIFA mà những giải lớn nhỏ khác trong thời gian tới. Thế nhưng dù rất hài lòng nhưng FIFA vẫn chưa có động tĩnh gì, còn các giải VĐQG châu Âu chỉ chưa đầy 3 tuần nữa khởi tranh nhưng vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ áp dụng VAR. Lý do chính là phần lớn người hâm mộ và giới cầu thủ vẫn chưa hoàn toàn đồng tình việc đưa VAR vào các giải đấu khi cho rằng nó sẽ “bóp nghẹt” tính tự nhiên của trò chơi này; và xét cho cùng vẫn phụ thuộc vào cảm tính của trọng tài chính trên sân, thích thì xem lại VAR còn nếu không xem thì các đội cũng chẳng thể bắt trọng tài phải thay đổi quyết định.
tin liên quan
Công nghệ VAR hoạt động thế nào tại World Cup 2018?Tại trận đấu giữa Pháp và Úc diễn ra ngày 16.6 vừa qua là lần đầu tiên khán giả trên khắp hành tinh được chứng kiến rõ ràng sự ảnh hưởng của công nghệ Video Assistant Referee (VAR) - công nghệ video hỗ trợ trọng tài - tại World Cup 2018.
Theo thăm dò mới nhất của tạp chí Kicker (Đức), có đến 47% cầu thủ tại Đức đòi bỏ hẳn công nghệ này vì trục trặc kỹ thuật, gây gián đoạn trận đấu (có tình huống xem đến 11 phút) và trên hết là có nhiều quyết định xem lại VAR vẫn sai. Ở Ý, giải Serie A mùa trước cũng áp dụng thử nghiệm VAR ở nhiều vòng đấu nhưng chỉ có 1% tình huống cần xem VAR trong tổng số 1.078 quyết định của trọng tài. Vì thế, BTC các giải Serie A, Ligue 1 và Bundesliga cho biết họ chỉ chấp hành nếu FIFA và UEFA quy định bắt buộc. Riêng giải Ngoại hạng Anh chỉ đồng ý cho thử nghiệm VAR ở một số trận.
Với giải vô địch các quốc gia khác, áp dụng VAR lại càng xa xỉ. Ngoài chi phí tốn kém cho các thiết bị, các sân đấu còn phải trang bị thêm nhiều máy quay, rồi tổ điều hành VAR và thêm 1 tổ trọng tài VAR riêng với 4 người theo dõi và đưa ra quyết định tham khảo tới trọng tài chính trên sân. Ngay Thai League dù có nguồn kinh phí dồi dào nhưng sau thời gian ngắn thử nghiệm đã ngưng sử dụng VAR kể từ tháng 4 năm nay do quá tốn kém. Thay vào đó, trận nào cần yêu cầu sử dụng VAR thì các CLB phải trả tiền cho LĐBĐ Thái Lan với mỗi lần xem từ 95 - 128 USD tùy tình huống...
Bình luận (0)