Vì sao việc học trở thành nỗi đáng sợ của nhiều học sinh, dù học giỏi?

23/12/2022 10:56 GMT+7

Vấn đề tâm lý của học sinh phổ thông cần được nhìn nhận nghiêm túc và hỗ trợ đúng cách để các em tìm thấy ý nghĩa thực sự của việc học.

Áp lực đè nén từ việc học

Chương trình giáo dục các cấp đổi mới toàn diện buộc học sinh phải thay đổi cách ôn tập, tránh học thuộc lòng mà chú trọng vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tế. Do đó, khi đứng trước kỳ thi quan trọng như thi cuối kỳ 1, không ít học sinh tỏ rõ sự lo lắng và bất an.

“Hôm nay lại bị điểm kém nữa rồi, do mình chưa đủ cố gắng sao?” là điều Nguyễn Lê Bảo Trâm, học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) thường tự trách bản thân.

Bảo Trâm chia sẻ: “Đó là điều em hay nghĩ đến nhưng ít khi mở lòng chia sẻ với ai về khó khăn của mình. Áp lực đè nén đã ảnh hưởng rất nhiều đến động lực học tập của em. Mặc dù đã ôn tập, em lại thấy không yên tâm, thay vào đó là cảm giác sợ hãi bản thân mắc lỗi dẫn đến điểm kém. Nhiều lúc em nản lắm, không muốn tiếp tục học”.

Em mong mọi người sẽ không dựa trên thành tích để đánh giá một con người, vì mỗi người có một điểm mạnh khác nhau, không nhất thiết nằm ở lý thuyết trong sách vở

Trần Vũ Minh Thy, học sinh lớp 10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6)

Còn Vũ Phương Linh, học sinh lớp 10, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), thì ngoài thời gian học ở trường còn phải thường xuyên thức đến 1, 2 giờ sáng để ôn luyện nhiều dạng bài tập khác nhau. “Nghĩ đến tương lai, em lại cố ‘lết’ lên bàn dù cơ thể mệt mỏi, tinh thần chán nản”, Linh cho biết.

Tương tự, Trần Vũ Minh Thy, học sinh lớp 10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) chỉ ngủ 4-5 giờ/ngày. Minh Thy đang nỗ lực hết sức để đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc” theo tiêu chí đánh giá mới là ít nhất 6 môn đạt điểm trung bình 9.0 trở lên.

Với Nguyễn Thị Hồng Linh, học sinh lớp 12 văn Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), áp lực thi cử dường như tăng cao hơn bởi khối lượng kiến thức lớn của môn chuyên. “Nhưng áp lực lớn nhất của em có lẽ là áp lực đồng trang lứa với nỗi sợ bị bỏ lại phía sau. Điều đó đã ảnh hưởng đến tinh thần em khá nhiều, khiến em luôn cảm thấy tự ti về bản thân”, Linh chia sẻ.

Học sinh ngày nay gặp nhiều áp lực với việc học, trong đó có áp lực đồng trang lứa (ảnh minh họa)

ĐÀO NGỌC THẠCH

“Đi học phải vui”

Ngoài sự đồng hành của thầy cô về mặt kiến thức, học sinh phổ thông còn cần được hỗ trợ về mặt tinh thần để giảm bớt áp lực.

“Em mong nhà trường sẽ dành thời gian tổ chức các buổi trò chuyện, lắng nghe nguyện vọng từ học sinh nhiều hơn. Sự quan tâm, chia sẻ từ thầy cô hoàn toàn cần thiết cho chúng em với những áp lực tinh thần như hiện tại. Từ đó, áp lực sẽ được giải tỏa phần nào và việc học đối với chúng em sẽ không còn là nỗi đáng sợ khi nhắc đến”, nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Linh nói.

Trần Vũ Minh Thy thì bày tỏ hy vọng: “Em mong mọi người sẽ không dựa trên thành tích để đánh giá một con người, vì mỗi người có một điểm mạnh khác nhau, không nhất thiết nằm ở lý thuyết trong sách vở”.

Từ các trường hợp kể trên, thạc sĩ Hà Văn Tú, giảng viên khoa giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay mục tiêu xưa nay của giáo dục không chỉ là cung cấp tri thức, mà hướng đến giáo dục toàn diện về đạo đức, kỹ năng, văn hóa, sức khỏe...

"Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, cơ sở giáo dục các cấp chưa thực hiện đồng đều những yếu tố trên và thường chú trọng tri thức hơn. ‘Cán cân’ hơi ‘lệch’ như vậy đã gây nên áp lực lớn cho học sinh, khiến các em mất đi sự hứng thú và niềm yêu thích trong học tập”, thạc sĩ Tú nói.

Thầy cô hiểu, nhưng phải làm sao?

Dù thấu hiểu mong muốn của học sinh nhưng giáo viên cũng có những “nỗi khổ riêng” như mục tiêu, kế hoạch của nhà trường; thời gian học ngắn trong khi khối lượng kiến thức nhiều; hay chính sự kỳ vọng từ phụ huynh.

“Chính vì thế, giáo viên đôi khi phải ‘gò ép’ học sinh. Bản thân thầy cô không muốn tạo nhiều áp lực cho các em, nhưng nếu không yêu cầu cao thì học sinh không đảm bảo kiến thức để tham gia các kỳ thi quan trọng”, thạc sĩ Hà Văn Tú nói.

Vừa hoàn thành nghiên cứu về quản lý công tác tư vấn tâm lý cho học sinh THPT ở TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục khoa giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Nhiều thầy cô chia sẻ thẳng thắn với chúng tôi rằng nhà trường không quan tâm đến hoạt động này, một là không thực hiện, hai là chỉ thành lập tổ tư vấn tâm lý ‘cho có’”.

Học sinh phải đối diện với áp lực học hành nặng nề từ phía gia đình, nhà trường (ảnh minh họa)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Một vấn đề khác là các trường THPT chưa có giáo viên tham vấn tâm lý độc lập mà chỉ có giáo viên kiêm nhiệm. “Rất khó cho thầy cô để ‘một người đóng hai vai’ là vừa giảng dạy kiến thức, vừa tư vấn tâm lý cho học sinh. Mỗi vai trò có những nguyên tắc khác nhau mà đôi khi nguyên tắc của vai trò này sẽ mâu thuẫn với vai trò kia. Chẳng hạn, bí mật, tôn trọng thân chủ và không áp đặt là một số nguyên tắc của tư vấn viên, còn giáo viên lại thường hơi áp đặt để học sinh có kỷ luật”, ông Phan nói.

Trên thực tế, giáo viên kiêm nhiệm cũng không có năng lực tốt nhất để thực hiện công tác tư vấn, bởi họ không học chuyên sâu về nghiệp vụ mà chỉ được bồi dưỡng qua những khóa ngắn hạn kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.

Để giải quyết bài toán thực tế, ông Phan đề xuất một số giải pháp: “Công tác tư vấn tâm lý học đường phải có sự chuyên trách và phân cấp. Chuyên trách tức là con người phải được đào tạo, cố gắng trong tương lai sẽ có tổ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp thay vì giáo viên kiêm nhiệm. Phân cấp tức là mô hình tư vấn cần phân theo từng bậc, bởi thầy cô không đủ khả năng xử lý tất cả các ca. Thầy cô chỉ phát hiện, ngăn ngừa một số trường hợp nhẹ, còn trường hợp nghiêm trọng hơn nên được chuyển lên cơ quan chức năng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.