Học trong sợ hãi, vào viện cũng phải ôn bài: Làm sao để việc học vui hơn?

18/12/2022 06:15 GMT+7

Bên cạnh nhiều học sinh thích đi học, xem trường học như nhà, nhiều em học trong sợ hãi và luôn cảm thấy áp lực. Vì sao vậy? Làm sao để tất cả mọi người đều thấy việc đến trường là một niềm vui?

Thạc sĩ Lê Văn Nam (bìa trái), giáo viên hóa học, Trường THPT Trần Văn Giàu chia sẻ cùng học trò những cách vượt qua cảm giác học trong sợ hãi
thu hà

Là một giáo viên THPT tại TP.HCM, tôi nhận thấy nhiều học sinh bước vào trường trong trạng thái không tập trung, giống như là bị bắt ép đi học. Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng khi tinh thần học tập không có thì chất lượng học tập cũng tan biến.

Niềm vui đi học phải có từ chính học sinh

Đi học là phải thấy vui, phải xem trường như là nhà vì mình được học kiến thức mới, bổ ích, tham gia các hoạt động, phong trào của trường, lớp để tiếp thu nhiều điều hay.

Kế đến là phương pháp học tập phải hiệu quả. Cần cù, siêng năng là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Để đạt được kết quả học tập tốt, học sinh phải có một phương pháp học tập tốt. Tùy theo mức độ hiểu biết của mỗi người mà có những cách học tập riêng biệt. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi học sinh cần hiểu rõ năng lực hiện tại của mình. Không ai có thể đang ở mức độ cơ bản mà giải được các bài tập nâng cao vì thế việc biết mình đang ở vị trí nào là vô cùng quan trọng.

Mỗi khi học, các em cần tập trung hết mình, hạn chế sử dụng điện thoại khi không cần thiết. Hãy đặt ra một số mục tiêu trước khi học và phải quyết tâm hoàn thành xong thì mới được nghỉ và đừng quên hãy mạnh dạn giơ tay nếu còn gì thắc mắc trong quá trình giáo viên giảng bài.

Nhiều học sinh luôn cảm thấy học trong sợ hãi vì chưa quản lý được thời gian học tập. Tối ưu hóa thời gian là một điều vô cùng cần thiết để giúp các em vượt qua "quái vật" mang tên “áp lực học tập”. Mỗi giây trôi qua là không bao giờ lấy lại được.

Để quản lý thời gian học tập hiệu quả, tránh không hoàn thiện kế hoạch theo dự tính, học sinh nên liệt kê công việc cần thực hiện; xây dựng thời gian biểu; nói không với trì hoãn; đặt ra deadline cho bản thân.

Tôi nhận thấy nhiều học sinh có tâm lý mặc cảm, tự ti khi xung quanh các em toàn là những người tài giỏi. Các em có suy nghĩ “mình không có tài năng gì”. Thực tế là mỗi người sinh ra đều có thiên phú riêng của mình. Một học sinh có thể không giỏi về logic, toán học hay giao tiếp nhưng không có nghĩa là bản thân vô dụng vì chưa khám phá đủ tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác.

Căng thẳng, stress trong hành trình học tập là một điều thường thấy ở lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, học sinh không nên đơn độc vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Học sinh cần người thân gia đình luôn ở bên cạnh các em.

Thạc sĩ Lê Văn Nam
thu hà

Đừng nói “con nhà người ta”

Là cha mẹ, chắc có lẽ ai cũng đều mong muốn con cái phải thật giỏi giang và đạt nhiều thành tích tốt. Tuy nhiên, những kỳ vọng, khao khát này vô tình càng gây thêm áp lực lên đôi vai trẻ nhỏ.

So sánh con mình với con nhà người ta, trách mắng, rầy la là một điều hoàn toàn không nên. Thay vào đó, cha mẹ có thể lắng nghe con nhiều hơn, cùng tạo ra những động lực để con phấn đấu, trở thành bạn đồng hành của con, quan tâm đến cảm nhận và sở thích của con trẻ hơn, không áp đặt những suy nghĩ, sở thích của bản thân lên con trẻ.

Làm cha mẹ chưa bao giờ là công việc dễ dàng, đặc biệt là trở thành cha mẹ tốt. "Nghề làm cha mẹ" cũng cần phải học, chứ không phải chỉ là một bản năng.

Để có cách dạy con hiệu quả thì cha mẹ cần phải hiểu rõ con mình. "Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi gia đình có cách dạy dỗ, giáo dục con theo cách riêng của mình.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được vun đắp bởi những điều nhỏ nhặt hàng ngày như lời hỏi thăm, câu trò chuyện. Dù nhỏ nhặt, nhưng nếu không có, lâu dần sẽ tạo nên một bức tường vô hình, tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con.

Thúc đẩy tình yêu học tập ở con

Không chỉ là làm bạn cùng con, tôi cũng mong muốn những bậc phụ huynh cùng thúc đẩy tình yêu học tập ở con.

Trong một xã hội đang ngày càng phát triển và có nhiều thay đổi thì việc học tập là vô cùng quan trọng. Có lúc con trẻ thấy học trong mệt mỏi và chán nản. Cha mẹ cần sát cánh bên con để động viên và giúp con vượt qua gánh nặng đang gặp phải. Việc tiếp thêm động lực bằng những lời an ủi, những lời khen từ cha mẹ có thể giúp cho con cái của mình thích học tập hơn và cảm thấy có hứng thú để tiếp tục.

Thay vì cha mẹ xem TV, bấm điện thoại, sao không ngồi học, đọc sách cùng con. Thay vì hỏi “hôm nay bài kiểm tra được bao nhiêu điểm?”, “con được hạng mấy trong lớp?”, cha mẹ có thể hỏi “hôm nay con có mệt không?”. Việc cho con cái lựa chọn những môn học mà con thích thú sẽ giúp các con ham học hỏi, tự tin nhiều hơn.

Bài kiểm tra không đánh giá được năng lực của học sinh

Tôi nghĩ nhà trường, thầy cô cũng cần có trách nhiệm trong việc đem lại niềm vui thích học tập cho học sinh, để các em không còn học trong sợ hãi.

Những bài kiểm tra, bài thi, thứ hạng ở trường lớp không đánh giá được năng lực của một học sinh. Thay vì mãi đánh giá dựa trên các số điểm, chúng ta có thể cho học sinh tiếp cận nhiều hoạt động ngoại khóa để các em phát triển toàn diện và tự tin hơn.

Theo thầy Nam, mỗi thầy cô có trách nhiệm trong việc đem lại niềm vui thích học tập cho học sinh
thu hà

Tăng cường những hoạt động như văn nghệ, kỹ năng mềm như thuyết trình, khả năng tự học... kết hợp với việc đánh giá thái độ học tập của học sinh cũng sẽ giúp giảm căng thẳng và áp lực mà các em đang phải đối mặt, đồng thời góp phần phát huy năng khiếu.

Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục xã hội, trang bị cho học sinh những kỹ năng phát triển bản thân và tổ chức câu lạc bộ giúp học sinh phát triển thế mạnh vốn có.

Mỗi giáo viên cũng cần thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp với học sinh thế hệ mới. Việc xây dựng và trang bị đầy đủ các dụng cụ và thiết bị học tập giúp tiết học thêm thú vị và có sự tương tác giữa giáo viên và học trò, để học trò không còn học trong sợ hãi… Nếu làm được tất cả những điều này thì môi trường học tập ngày càng trở nên an toàn, thân thiện và học sinh lẫn giáo viên đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi đến trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.