Thời gian qua, hoạt động của xe buýt cũng liên tục được điều chỉnh để tăng mức độ tiếp cận với người dân. Từ đón khách ở ga quốc tế chuyển xuống ga quốc nội; thay vì đậu đón khách cuối dãy B, xe buýt được điều chuyển lên vị trí đầu dãy; nhiều biển báo cung cấp thông tin về xe buýt được bổ sung tại khu vực lấy hành lý hoặc phía ngoài nhà ga…
Bảng hướng dẫn đón xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất |
hà mai |
Nếu so với một số sân bay các nước như Thái Lan, Hàn Quốc… độ nhận diện xe buýt và khả năng tiếp cận loại hình phương tiện này ở sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng, tiện lợi hơn rất nhiều. Thế nhưng lượng khách đi xe buýt vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuyến xe kết nối sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu còn có khách, tuyến buýt trong nội đô trung bình mỗi chuyến chỉ 2 - 3 khách. “TP muốn thêm nhiều hơn xe buýt chạy, chúng tôi không từ chối nhưng nếu bố trí cho xe buýt đậu ngay trước cửa nhà ga thì sẽ choán hết chỗ, không xe nào vào đón khách được, ùn càng thêm tắc. Trong cuộc họp mới nhất, chúng tôi đã đề xuất Sở GTVT TP nghiên cứu sử dụng xe trung chuyển để giải quyết lượng khách đi xe buýt hiệu quả hơn”, ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thông tin.
Làm bãi xe buýt gần 1.500 m2 để giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất |
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, khẳng định việc bố trí xe buýt ngay sát đằng trước nhà ga hay để xa hơn một chút không phải yếu tố then chốt quyết định xe buýt có hút khách hay không. Người dân không chọn xe buýt không phải vì họ không nhìn thấy xe. Vấn đề là kết nối tới các điểm đến như thế nào và xe buýt có thiết kế phục vụ cho khách đi máy bay hay không. Hành khách rời khỏi sân bay hành lý nhiều, đồ nặng nên ngại di chuyển nhiều lần.
“Đơn cử, một người ở Q.4 sẽ không lên xe buýt rồi đổi tuyến 2 - 3 lần để về nhà mà thay vào đó sẽ chọn luôn taxi. Đối tượng khách du lịch, khách công vụ đi về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa… hay người dân sống ở các quận, huyện xa sân bay như TP.Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi… có tiềm năng hơn nhưng các tuyến xe buýt tới sân bay chưa kết nối thuận tiện, chưa có tuyến đi tới thẳng trung tâm của các địa phương đó. Thiết kế xe buýt của TP.HCM cũng chưa phù hợp cho đối tượng khách từ sân bay. Cần có khảo sát để thấy rõ nguyên nhân”, ông Tuấn nêu vấn đề.
Trong công văn vừa gửi UBND TP.HCM về tăng cường phối hợp tổ chức giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT TP chủ trì nghiên cứu tổ chức bãi đỗ xe, khu vực đỗ xe cạnh sân bay và xây dựng phương án tổ chức xe vận chuyển hành khách từ sân bay đến đó để giải tỏa khách tại sân bay. Đồng thời TP cần phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, phân tích, khảo sát nhu cầu đi lại bằng xe buýt của hành khách đi máy bay, xây dựng phương án phù hợp trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt kết nối với khu vực lân cận sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, lưu ý với tuyến xe buýt mở mới kết nối trực tiếp với sân bay, cần khảo sát cụ thể phương án đón, trả khách, tần suất, đặc biệt lưu ý phù hợp với hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất…
TS Vũ Anh Tuấn đánh giá phương án sử dụng các xe buýt con thoi gom khách ra các bãi xe buýt cận kề là hợp lý. Theo kế hoạch, Tổng công ty Cảng hàng không VN sẽ sớm xây dựng nhà để xe ở ga quốc tế. Có thể cho phép xây thêm tầng hoặc bố trí tầng hầm để thêm chức năng bãi tập kết của phương tiện công cộng. Xe buýt chạy trong nội đô được bố trí đón khách ngay trong khu vực nhà ga, nhưng cần khảo sát cải thiện kết nối, nâng cao hoạt động của mạng lưới nội thành.
Bình luận (0)