Đầu giờ chiều ngày 2.12, nhiều người dân TP.HCM bất ngờ khi thấy không khí đậm đặc một màu trắng đục. Mức độ đậm đặc còn cao hơn buổi sáng và nhiều ngày trước đó. Anh Trần Minh Tân, ngụ quận 3 chia sẻ: "Sáng nay, tôi thấy bầu trời nhiều sương mù hơn bình thường nghĩ rằng khi nắng lên sương sẽ tan nhưng không giảm mà mỗi lúc một tăng".
Theo các chuyên gia khí tượng, sương mù chỉ tồn tại một thời gian ngắn vào buổi sáng và khi nắng lên sẽ tan. Hiện tại, TP.HCM đối mặt với tình trạng không khí ngầu đục kéo dài cả ngày, đây là hiện tượng mù khô do ô nhiễm không khí gây nên.
Kết quả giám sát chất lượng không khí cho biết, vào buổi sáng chất lượng không khí trung bình ở TP.HCM còn ở mức màu cam và chỉ có 4 điểm màu đỏ nhưng đến đầu giờ chiều hầu hết các địa điểm đều chuyển sang màu đỏ với nồng độ bụi mịn PM2.5 lên tới 157 µm/m3, mức cao nhất lên tới 177 µm/m3.
TP.HCM mù mịt sương từ sáng đến đêm: Cảnh đẹp lãng mạn nhưng cần lưu ý sức khỏe!
Sáng nay, chỉ có một số nơi ở TP.HCM mức độ ô nhiễm không khí vượt mức cảnh báo đỏ (bên trái); đến đầu giờ chiều đã có rất nhiều đạt mức cảnh báo đỏ (bên phải)
ẢNH: CMH
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn giải thích: Vào thời điểm này, do không khí lạnh ở phía bắc liên tục tăng cường xuống phía nam ảnh hưởng nhẹ đến Nam bộ khiến nhiệt độ không khí ban đêm và sáng sớm giảm đáng kể. Bên cạnh đó, gió nhẹ làm cho bụi mịn trong không khí không bị khuếch tán đi nơi khác mà vẫn lơ lửng. Thêm vào đó có mưa trái mùa rải rác làm độ ẩm trong không khí cao. Bụi mịn, hơi ẩm và nhiệt độ thấp kết hợp với nhau tạo thành hiện tượng sương mù hỗn hợp trên bầu trời TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ. Một số nơi độ ẩm còn dưới 50% thì gọi là hiện tượng mù khô. Bầu không khí càng ngầu đục chứng tỏ mức độ ô nhiễm không khí càng cao và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, đặc biệt là nhóm nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ và những người nhạy cảm, bệnh nhân liên quan đường hô hấp.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thông tin, trong hôm nay và ngày mai 3.12, TP.HCM có mưa trái mùa, khả năng xuất hiện ở tất cả các quận huyện trên địa bàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mưa nhỏ sẽ không đủ để rửa sạch bầu không khí mà càng làm tăng độ ẩm, khiến tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng.
Bình luận (0)