[VIDEO] Bạn ngoại tình, bạn sẽ... vào tù?

09/03/2016 13:01 GMT+7

'Chồng ăn chả, vợ ăn nem', câu nói như thể hiện sự 'bình đẳng giới' trong mối quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng được người đời truyền tụng lâu nay. Thế nhưng, bây giờ chuyện muốn ăn 'chả, nem hay cơm, phở' đã không còn đơn giản.

'Chồng ăn chả, vợ ăn nem', câu nói như thể hiện sự 'bình đẳng giới' trong mối quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng được người đời truyền tụng lâu nay. Thế nhưng, bây giờ chuyện muốn ăn 'chả, nem hay cơm, phở' đã không còn đơn giản.

Nhiều người chưa hiểu đúng về điều 182 BLHS - Ảnh minh họa (internet)Nhiều người chưa hiểu đúng về điều 182 BLHS - Ảnh minh họa (internet)
'Vì những rào cản về văn hoá truyền thống, dư luận xã hội và quy định pháp luật nên trên thực tế rất khó xử lý hình sự đối với loại tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng', LS Phạm Hoài Nam nhận định.
Bộ luật Hình sự (BLHS) mới năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1.7.2016 sẽ có quy định vợ/chồng ngoại tình thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù từ 1 đến 3 năm; đây là thông tin không chính xác và gây hiểu nhầm quy định điều luật.
VIDEO: "Ngoại tình" có thể bị phạt tù đến 1 năm - Thực hiện: Thùy Dương
Để những ông chồng, bà vợ hiểu hơn quy định này, Thanh Niên có những trao đổi với Luật sư (LS) Phạm Hoài Nam (Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn): 
Thưa LS, thế nào là vi phạm "chế độ hôn nhân một vợ, một chồng"? Hay nói cách khác là "ngoại tình" như mọi người vẫn hay nhắc?
LS Phạm Hoài Nam: Điều 147 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) và Điều 182 BLHS 2015 đều quy định về tội vi phạm "chế độ hôn nhân một vợ, một chồng"; mà không phải là tội "ngoại tình". Hai khái niệm này không có sự đồng nhất về mặt nội hàm, nên không thể sử dụng thay thế cho nhau.
Hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng bao gồm: người đang có vợ (chồng) đã đăng ký kết hôn nhưng lại chung sống như vợ chồng với người khác; người chưa có vợ (chồng) kết hôn, chung sống như vợ chồng với người mà biết rõ là đang có vợ, có chồng.
Tuy nhiên, các hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi thỏa mãn một trong hai điều kiện: Đã bị xử lý vi phạm hành chính; hoặc gây hậu quả nghiêm trọng (làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn).
Điều 182 BLHS 2015 có khác gì so với Điều 147 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) thưa LS?
Nhìn chung là luật mới không khác biệt gì nhiều, ngoại trừ việc cụ thể hóa thế nào là “hậu quả nghiêm trọng” thành “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” trong khoản 1 và bổ sung vào khoản 2 trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng mà “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát” như một tình tiết tăng nặng.
Nói cách khác, Điều 182 BLHS 2015 là một sự cụ thể hóa Điều 147 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung 2009). Tuy nhiên, sự cụ thể hóa này chưa mang tính triệt để, đó là, Điều 182 BLHS 2015 chưa quy định cụ thể thế nào là “chung sống như vợ chồng”, từ đó có thể dẫn đến tình trạng hiểu không đúng tinh thần Điều luật.
Vì vậy, để có thể thực hiện việc áp dụng pháp luật đối với điều luật nêu trên trong thực tiễn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần cần phải có sự hướng dẫn cụ thể bằng văn bản dưới luật là Thông tư, Nghị định khác.
Vậy ngoại tình đến cỡ nào thì mới có thể bị xử lý hình sự?
LS Phạm Hoài Nam: Như vậy, cần nhấn mạnh rằng các hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, gặp gỡ thường xuyên người khác…cho dù làm ảnh hưởng không tốt đến tình cảm, quan hệ vợ chồng nhưng không phải là “chung sống như vợ chồng” nên không có cơ sở để khởi tố tội hình sự.
Thực tế LS đã gặp trường hợp nào bị xử lý hình sự do ngoại tình hay chưa?
LS Phạm Hoài Nam: Thực tế, trong quá trình hành nghề cũng như theo dõi thông tin báo đài, tôi chưa gặp phải trường hợp nào bị xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Có thể xuất phát từ nguyên nhân là chưa có một sự cụ thể hóa một cách rõ ràng, triệt để làm căn cứ, cơ sở cho việc áp dụng pháp luật trong thực tế.
LS nghĩ thế nào về tính khả thi của điều luật này?
LS Phạm Hoài Nam: Trong quan hệ văn hoá vợ chồng truyền thống của người dân Việt Nam nói chung thì chuyện đời sống gia đình thì không “vạch áo cho người xem lưng”, hoặc có chuyện gì thì cũng là vợ chồng “đóng của bảo nhau” hoặc tiêu cực hơn, đó là người phụ nữ đa số có tư tưởng cam chịu theo kiểu “xấu chàng hổ ai”, mọi sự quan tâm ưu tiên chỉ dành cho con cái, muốn con mình có được một gia đình toàn vẹn, có cha, có mẹ.
Chính vì những rào cản về văn hoá truyền thống, dư luận xã hội và quy định pháp luật nên trên thực tế rất khó xử lý hình sự đối với loại tội “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng”, tất nhiên theo xu hướng phát triển chung của xã hội và tinh thần quy định của điều luật nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định Pháp luật.
Cảm ơn LS về cuộc trao đổi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.